Trần Lập, Thiện Nhân... chuyện về những người lính không bỏ cuộc

07:00, Thứ năm 19/11/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chỉ cần người ta có niềm tin và sự lạc quan, khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua.

Anh đã sẵn sàng đương đầu và dấn thân vào con đường phía trước, sẵn sàng chiến đấu và dành chiến thắng. Và tôi nghĩ điều đó thật kỳ diệu, khi mà ở ngay trong thời điểm mà người ta dễ gục ngã nhất, người đàn ông ấy vẫn có thể truyền đi những cảm súc tích cực và tươi sáng đến vậy.

Năm tôi học cấp 2 bắt đầu tập toẹ nghe rock. Ngày ấy, nhà không có nhiều đĩa nên chẳng được nghe nhiều. Chị hàng xóm hay kéo về nhà chơi, bật đống đĩa chị sưu tầm lên rồi hai chị em cùng nghe. Chị hàng xóm mê Bức tường, thế là tôi cũng nghe Bức tường. Một ngày, chị mang về đĩa Vô hình, là vol 2 của band nhạc. Vì thích bài Cây bàng quá, vậy nên từ đấy tôi cũng thích Bức tường theo. Kể cả đến sau này khi không nghe rock nhiều, hay kể cả đến lúc người ta cứ nói Bức tường chẳng còn là rock nữa hay gì gì này nọ, tôi cũng vẫn dành cho Bức tường và Trần Lập một vị trí thật đặc biệt, vì các anh đã ở đó trong quãng ngày tôi bắt đầu biết nếm mùi nhạc hay.

Mô tả ảnh.
Ca sĩ Trần Lập

Trần Lập đối với người ta nhìn vào mà nói, chính là hình mẫu chuẩn mực nhất cho những gã rocker Việt Nam vào thập niên 90. Anh rất đàn ông, chất rock thô ráp toả ra tự nhiên như hơi thở. Cái gai góc, bất cần chẳng cần gồng. Bóng dáng vững vàng, lúc nào cũng nở nụ cười hào sảng hết cỡ. Trước đây, chỉ cần nhìn anh vừa cười dịu dàng vừa hát Bông hồng thuỷ tinh trên sân khấu, hay cho đến tận quãng 2 năm trước, nhìn anh vung tay hào hứng, rồi khi lại cười ngập ngừng trên The Voice, tôi vẫn luôn cảm thấy chất quân tử của anh mạnh mẽ đến nỗi, chẳng cần anh ăn to nói lớn, người ta vẫn phải dành cho anh một lối nhìn nhận riêng, không thể đánh đồng.

Cho đến tận ngày hôm qua, khi anh viết status thông báo mình bị ung thư, và rằng anh đã chuẩn bị cho cuộc chiến cam go phía trước - với tâm thế của một người lính, người ta lại càng thấm hơn cái chất quân tử và sự thẳng thắn, mạnh mẽ chẳng thể vòng vo, một tính cách rất…rock, rất Trần Lập.

Mô tả ảnh.
 Chia sẻ của Trần Lập

Không phải mọi câu chuyện liên quan đến ung thư đều là bi kịch, tôi có thể đảm bảo. Và chắc chắn anh Trần Lập cũng không muốn ta nhìn anh bằng con mắt… tôi chẳng biết dịch thế nào, đại loại tiếng Anh người ta hay nói là “feel sorry” - cảm thấy rất tiếc. Ngược lại, bỗng dưng người ta tìm thấy ở những dòng chia sẻ của anh, một thứ gì đó lấp lánh như là lòng tin và sự lạc quan chân thành. Nỗi sợ hãi, có, anh đã thừa nhận. Nhưng người đàn ông này đã sẵn sàng đương đầu và dấn thân vào con đường phía trước, sẵn sàng chiến đấu và dành chiến thắng. Và tôi nghĩ điều đó thật kỳ diệu, khi mà ở ngay trong thời điểm mà người ta dễ gục ngã nhất, người đàn ông ấy vẫn có thể truyền đi những cảm xúc tích cực và tươi sáng đến vậy.

Cách anh Lập đối mặt với căn bệnh của mình, bỗng dưng khiến tôi nghĩ đến Thiện Nhân. Nếu ai đã quên thì cho phép tôi được nhắc lại, rằng ngay từ lúc lọt lòng, Thiện Nhân đã bị bỏ rơi ở bìa rừng. Người ta tìm thấy em giữa đàn kiến, trong tình trạng bị thú rừng ăn hết một cẳng chân và bộ phận sinh dục. Có thể là sự may mắn khi em được phát hiện vừa kịp lúc, cũng có thể là một phép màu khi mà cậu bé mới chỉ vài tháng tuổi lại có thể sống sót sau từng ấy sự thống khổ về thể xác. Nhưng chắc chắn, để có một Thiện Nhân khoẻ mạnh, hạnh phúc như những ngày hiện tại, em đã không chỉ sống dựa vào may mắn hay phép màu, mà là lòng dũng cảm và sự mạnh mẽ bền bỉ có trong chính trái tim của em. Và đó là điều khiến tôi thấy Thiện Nhân và anh Lập có đôi chút tương đồng. Hai con người quả cảm, vẫn nuôi dưỡng tình yêu sống dù đang mắc kẹt trong hoàn cảnh hiểm nghèo nhất.

Mô tả ảnh.
Cậu bé Thiện Nhân năm nào... 

Bệnh tật là một chiến trường kinh hoàng, và mỗi con người khi đặt chân vào cuộc chiến này đều là một chiến binh, tranh đấu từng giờ để giành lại quyền được sống. Những người đã chiến thắng trở về, hay những người đã ở lại phía bên kia mãi mãi, tất cả đều xứng đáng được nhớ đến như những người hùng, vì đã không buông tay với số phận dù cho đến tận phút cuối. Cách đây vài tuần, khi đi hiệu sách, tôi có tình cờ nhìn thấy cuốn This star won’t go out của Esther Earl. Esther bị chẩn đoán ung thư tuyến giáp năm 12 tuổi, vĩnh viễn ra đi năm 16 tuổi. Nhưng chỉ với những năm sống của mình, Esther đã truyền đi những thông điệp phi thường về cuộc sống, về tình yêu thương, về niềm tin và niềm hạnh phúc khi được sống giữa những người thân. Trong những trang nhật ký, Esther viết: “Mình hy vọng rằng khi cái ngày ấy đến, dù là trong 1, 10 hay 100 năm nữa, mình không muốn khi mọi người nghĩ đến mình lại cảm thấy buồn”. Và Esther đã đúng, không ai nghĩ đến em trong nỗi bi thương chất chồng. Người ta nghĩ đến em như một vì sao lấp lánh vui tươi, đã sống, đã chiến đấu và đã viết nên một câu chuyện kỳ diệu về lòng lạc quan của con người.

Mô tả ảnh.
Esther Earl - cô gái can đảm

Giống như lời bài hát Cây bàng, bài hát đã khiến tôi yêu Bức Tường từ dạo ấy:

"Ðể sống có ý nghĩa hơn

Dù mùa đông buốt giá

Lá rơi như giọt máu đỏ

Vẫn tin rằng rồi xuân sẽ tới, mầm sống đâm chồi

Đón nắng vàng

Ai vui khi lá bàng đỏ rớt xuống giữa mùa đông?

Đỏ như máu dẫu xa lìa cành

Nụ cười luôn tươi sáng trên môi".

Bức thư của mẹ Thiện Nhân làm tan vỡ trái tim vạn người
Bức thư của mẹ Thiện Nhân làm tan vỡ trái tim vạn người
(Xi nhan) - (Phunutoday) - Nỗi đau giằng xé, uất ức, có lúc như bất lực... của người phụ nữ nhỏ bé mà có trái tim đầy lửa yêu thương - nhà báo Mai Anh.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link