Xử lý 36 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

15:54, Chủ nhật 08/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Kết quả, đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Cụ thể, có 4 người bị xử lý hình sự (ở Bắc Giang và Bắc Ninh), 4 trường hợp khác đang được xem xét, còn lại chỉ xử lý hành chính.

VNN dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, trong 8 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng và đạt hiệu quả nhất định.

Kết quả, đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Cụ thể, có 4 người bị xử lý hình sự (ở Bắc Giang và Bắc Ninh), 4 trường hợp khác đang được xem xét, còn lại chỉ xử lý hành chính.

“Nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn tình trạng chưa rõ ràng trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và hành vi trực tiếp tham nhũng”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định.

Cũng từ đầu năm tới nay, đã có 364 cán bộ, công chức nộp, trả lại quà tặng, với tổng giá trị 178 triệu đồng.

Về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, trong quá trình xác minh đã phát hiện ra ba trường hợp kê khai không trung thực và các đối tượng này đều bị xử lý cảnh cáo. Gần 60 trường hợp (trong đó đa phần ở TP.HCM) bị xử lý kỷ luật vì chậm kê khai, chậm nộp báo cáo. Đáng chú ý, rất ít nơi xác minh tính trung thực của các bản kê khai.

Thống kê chung về việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ cho thấy toàn ngành đã phát hiện 73 vụ và 80 đối tượng tham nhũng. Nhiều cơ quan tập trung phát hiện và xử lý tham nhũng điển hình như Ngân hàng Nhà nước VN (phát hiện 21 vụ việc, xử lý 30 cán bộ, trong đó cách chức 2 người và bắt tạm giam 14 người, còn lại là sa thải, chuyển việc). Ngoài ra, Bộ Quốc phòng, các tỉnh Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Phước… cũng được cho là xử lý mạnh tay với các hành vi tham nhũng.

Ảnh minh họa


Trước đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết các tỉnh thành được giám sát đều cho rằng tình hình tham nhũng là nghiêm trọng, phức tạp nhưng không đưa ra được những căn cứ, tiêu chí cụ thể cho nhận định này.

“Qua giám sát cho thấy việc xử lý kỷ luật hành chính có nhiều dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; có những vụ đủ căn cứ để khởi tố, xử lý hình sự nhưng vẫn xử lý kỷ luật hành chính. Việc xử lý hình sự đối với các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, hình phạt dẫn đến kết quả là thường được chuyển sang tội danh khác có hình phạt nhẹ hơn” - ông Nguyễn Đình Quyền nói.

Để chứng minh rõ hơn cho kết luận trên, đại biểu Phạm Xuân Thường - thành viên đoàn giám sát - cho biết: tỉnh Hải Dương trong hai năm thanh tra hơn 800 cuộc, phát hiện sai phạm số tiền lên đến 82 tỉ đồng và 11.900m2 đất, kỷ luật chín người nhưng không phát hiện tham nhũng và không chuyển cơ quan điều tra vụ nào.

Cũng trong hai năm, Ninh Bình tiến hành hơn 500 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 47 tỉ đồng nhưng chỉ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra được một vụ, còn lại là xử lý hành chính. Ở tỉnh này, xử chín bị cáo thì có tám được hưởng án treo.

Ngày 18/7, tại Hà Nội, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên giải trình “Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước” cuộc họp dẫn thống kê của các bộ ngành cho thấy, có những ngành, lĩnh vực trong nhiều năm không phát hiện được hành vi tham nhũng, như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ…

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc