Đa phần những người tìm đến dịch vụ này đều là những cô gái lầm lỡ, có thai ngoài ý muốn và bị người yêu ruồng bỏ. Một số khác gặp vấn đề về giới tính muốn thuê chồng, tổ chức đám cưới giả để tránh sự đàm tiếu của dư luận, họ hàng.
Theo tìm hiểu, giá cả của dịch vụ này phụ thuộc vào yêu cầu của khách. Tuy nhiên, trung bình để tổ chức một đám cưới với đầy đủ thủ tục và quan viên hai họ, người thuê cũng phải bỏ ra không dưới trăm triệu đồng.
Một công ty chuyên cho thuê người ở Hoàng Minh Giám (Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định, mỗi năm công ty này tổ chức khoảng 100 đám cưới giả với gần 300 ứng viên là chú rể thuộc mọi lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Nếu thuê trọn gói dịch vụ, giá dao động từ 30 – 100 triệu đồng/ lần tổ chức còn "thuê chồng" theo ngày giá từ 1 – 3 triệu tùy yêu cầu, đòi hỏi của khách.
Để tránh những rắc rối phát sinh, trước khi tiến hành giao dịch, khách hàng sẽ phải ký kết một bản hợp đồng. Trong đó quy định các điều khoản nghiêm ngặt như: Không được xâm phạm thân thể, tinh thần, không được ôm hôn hoặc quan hệ tình dục với… chồng hờ. Đặc biệt, dịch vụ này chỉ tổ chức đám cưới về mặt hình thức còn không kết hôn trên giấy tờ.
Mỗi cô dâu tìm đến công ty để "thuê chồng" sẽ được viết riêng một kịch bản. "Chú rể hờ" cũng sẽ được thay tên, đổi họ, cung cấp số điện thoại, facebook mới sao cho "khớp" với thông tin mà cô dâu yêu cầu.
Trong đó, những người được chọn làm "chú rể" phải là người biết ăn nói, ngoại hình khá và có học thức. Tuy là đám cưới giả nhưng các thủ tục như: dạm ngõ, ăn hỏi, chụp ảnh cưới… sẽ được tổ chức y như thật. Chỉ có điều, tất cả các nhân vật từ: bố mẹ, chú rể, họ hàng bên nội chỉ là những nhân viên được trả tiền để diễn.
Các "diễn viên" sẽ phải dành thời gian làm quen, học thuộc kịch bản đã vạch sẵn. Thậm chí, họ sẽ phải học cách diễn sao cho giống một cặp đôi yêu nhau thật sự. Để tránh bị người quen phát hiện, nhà chú rể phải đảm bảo cách xa nhà cô dâu tối thiểu 100km.
Thường thì sau màn đón dâu y như thật, cô dâu, chú rể sẽ kết thúc hợp đồng, ai về nhà nấy. Tuy nhiên, nếu cô dâu sau này vẫn có nhu cầu thuê chồng về thăm bố mẹ hay thực hiện các nghĩa vụ ma chay, cưới hỏi… để làm tròn đạo lý, phía công ty này vẫn sẵn sàng hỗ trợ.
Đằng sau mỗi cô gái tìm đến dịch vụ này đều có một câu chuyện và số phận buồn. Có cô gái có bầu đã 5 tháng, người yêu phản bội đi lấy vợ mới. Gia đình biết chuyện, yêu cầu cô một là cưới hai là bỏ thai. Túng quẫn, hoảng loạn cô ấy đã tìm đến dịch vụ này để cho con mình một danh phận và cũng là cách để giữ thể diện cho gia đình.
Đã có những người mẹ rất mạnh mẽ khi quyết tâm trở thành những bà mẹ đơn thân giữ lại đứa con yêu dấu của mình. Đó là chưa kể đến còn rất nhiều những hoàn cảnh éo le khác phải rất kiên nhẫn lắng nghe, chúng ta mới hiểu được phần nào nỗi khổ họ phải chịu đựng.
Nhiều cô gái đã tìm đến dịch vụ này để có thể "danh chính ngôn thuận" trước bàn dân thiên hạ rằng mình có chồng hợp pháp, và đứa con sắp hạ sinh của mình có cha, có mẹ. Nếu xét theo khía cạnh nào đó thì dịch vụ ra đời này mang tính nhân văn trong nó.
Chuyện nhầm tên cô dâu hay quên tên họ hàng nhà gái không phải là hiếm. Thậm chí có trường hợp, chú rể "đụng mặt" ngay người quen khi đang tổ chức đám cưới. Cũng có trường hợp, người nhà cô dâu khi biết chuyện quay lại gây khó dễ cho công ty.
Đám cưới giả chỉ là giải pháp tạm thời, khi các cô dâu sinh con xong họ sẽ tìm cách nói chuyện và giải thích cho gia đình về "hợp đồng hôn nhân giả". Tất nhiên, bố mẹ nào cũng sẽ cảm thấy sốc, tức giận vì bị lừa dối. Nhưng sau đó, khi hiểu được mục đích của câu chuyện, họ cũng nguôi ngoai dần và có phần thông cảm nhiều hơn.
Với những mục đích trên, ta có thể thấy được bất kì dịch vụ nào cũng có mặt tốt của nó và đem lại niềm vui cho mọi người. Nhưng dĩ nhiên đối với loại hình nhạy cảm và chưa được công nhận này, cần có những chính sách áp dụng riêng cho từng hoàn cảnh và quan trọng là xem xét mặt tốt của nó có mang lại chính xác những lợi ích mà khách hàng cần không, và nó tránh được các vấn đề tiêu cực của xã hội hay không.
Tương tự, không chỉ ở Việt Nam mà với 17 USD, những người phụ nữ cô đơn ở Geogia, Liên Xô cũ có thể thuê được một người chồng để làm những việc vặt trong vòng 1 giờ. Tuy nhiên, dịch vụ này không đề cập đến chuyện "đáp ứng nhu cầu tình cảm" của khách hàng.
"Dịch vụ của chúng tôi chủ yếu đáp ứng nhu cầu của những phụ nữ cô đơn cần đến sự giúp đỡ của người đàn ông trong gia đình, như sửa chữa điện, ống nước, những vật dụng trong nhà", ông Beso Mchedlishvili, giám đốc công ty cho biết.