Chiều 6/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời câu hỏi của VnExpress về lộ trình thực hiện chủ trương "tiến tới miễn viện phí cho toàn dân", Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh đây là chủ trương lớn, nhân văn và có tác động tích cực.

Theo tính toán của Bộ Y tế, với 100 triệu dân và chi phí trung bình 250.000 đồng mỗi lần khám, ngân sách cần thiết để bảo đảm mỗi người được khám ít nhất một lần mỗi năm là 25.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2026-2030, Bộ Y tế đặt mục tiêu 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tiêm chủng đầy đủ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tâm thần và y tế học đường; 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hằng năm; phát triển hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe trọn đời; tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế lên 100% dân số, mở rộng quyền lợi và tăng tỷ lệ chi trả cho các dịch vụ khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.
Cũng theo kế hoạch, tỷ lệ chi trả trực tiếp từ người dân cho dịch vụ y tế sẽ giảm xuống dưới 20%; đồng chi trả trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ giảm dưới 10%.
Từ năm 2030 đến 2035, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm Y tế, từng bước hoàn thiện chính sách để thực hiện miễn phí chăm sóc sức khỏe cho toàn dân. Mục tiêu đến năm 2045, người dân không phải chi trả thêm khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về bảo đảm an sinh xã hội trong lĩnh vực y tế.
Thứ trưởng Thuấn cho biết Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó đề xuất nhiều giải pháp toàn diện nhằm phát triển y tế, từng bước hiện thực hóa mục tiêu miễn viện phí cho tất cả người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hai định hướng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra bao gồm khám cho người dân một năm một lần và miễn viện phí cho toàn dân không chỉ là mục tiêu y tế mà còn gửi đi thông điệp sâu sắc rằng "Chính sách phải bắt nguồn từ con người, vì con người, vì một Việt Nam phát triển bền vững".
"Khám sức khỏe định kỳ cho người dân không phải là điều quá xa vời nếu chúng ta có quyết tâm chính trị đủ mạnh, sự đồng thuận xã hội rộng rãi và một lộ trình thực hiện rõ ràng, bài bản"- lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.