10.800 tỉ đồng xây nhà hát, rạp chiếu phim

08:56, Thứ bảy 27/04/2013

( PHUNUTODAY ) - DL Hoàng Tuấn Anh cho biết về kế hoạch quy hoạch xây dựng mới các công trình văn hóa lên tới 10.800 tỉ đồng.

(Đời sống) -  Ngày 26/4, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT&DL) đã có phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

[links()]
 
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho biết về kế hoạch quy hoạch xây dựng mới các công trình văn hóa lên tới 10.800 tỉ đồng. Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương đưa ra ý kiến chất vấn: “Dựa trên cơ sở nào để xây dựng đề án này. Bởi trên thực tế nhiều công trình bị chuyển mục đích sử dụng”.
 
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho hay: “Hiện nay có 180 đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Riêng các đơn vị nghệ thuật T.Ư còn 5 đơn vị chưa có nhà hát, mới có nơi luyện tập. Các đơn vị có nhà hát rồi thì số lượng ghế thấp, liên tục xuống cấp. Ví dụ các đơn vị như kịch nói, cải lương, giao hưởng, nhạc vũ kịch… vẫn phải đi mượn địa điểm. Rạp chiếu phim cũng còn hạn chế. Nhà triển lãm văn hóa nghệ thuật thuộc Bộ mới có một…”.
 
Ông Tuấn Anh cung cấp thêm về kế hoạch cụ thể số lượng nhà hát xây mới là 51, nâng cấp 20, rạp chiếu phim xây mới 57, nâng cấp 49, nhà triển lãm xây mới 66. Tổng số vốn từ nay tới năm 2020 là 10.800 tỉ đồng, trong đó ngân sách của nhà nước là 6.500 tỉ còn lại sẽ huy động từ các nguồn khác. Bộ trưởng cũng cho rằng, các công trình cần có quỹ đất lớn, đáp ứng nhu cầu hoạt động.
 
Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương tiếp tục đưa ra các ví dụ về các thiết chế văn hóa bị thay đổi mục đích sử dụng như rạp Đông Đô thành nhà hàng, rạp Kinh Đô thành cửa hàng bán điện tử, rạp Long Biên bỏ hoang… Bà đặt câu hỏi: Liệu có yếu tố lợi nhuận cá nhân, hay lợi ích nhóm trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng?
 
Bộ trưởng cho biết, Bộ phản ứng trước việc chuyển đổi mục đích sử dụng thành chỗ bán hàng, nhà hàng, hoặc bỏ hoang như vậy.

 

Một phần diện tích nhà hát chèo Kim Mã đang cho thuê để bán đồ gốm sứ. Không ít người cho rằng việc sử dụng cơ sở vật chất hiện có của lĩnh vực nghệ thuật là lãng phí - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một phần diện tích nhà hát chèo Kim Mã đang cho thuê để bán đồ gốm sứ. Không ít người cho rằng việc sử dụng cơ sở vật chất hiện có của lĩnh vực nghệ thuật là lãng phí
 
Đại biểu băn khoăn, nếu các rạp chiếu, nhà hát, trung tâm triển lãm cần có quỹ đất lớn, thì liệu có thể xây dựng được ở trung tâm thành phố hay phải ra ngoại ô. Nếu như vậy, liệu có khán giả không? Bộ trưởng cho rằng, việc này Bộ VH-TT-DL không thể quyết được. Đây là việc thuộc về quy hoạch của các địa phương.
 
Nhà hát thiếu trầm trọng, lãng phí nghiêm trọng
 
Tuy nhiên, có vấn đề đáng nói là tình trạng sử dụng các nhà hát nói riêng và các công trình văn hóa nói chung ở khu vực phía bắc khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
 
Nhắc đến nhà hát, không ai có thể quên câu chuyện bi hài của Nhà hát Chèo VN được xây dựng qua... năm kỳ Quốc hội, từ một công trình văn hóa đẹp như mơ ở một vị trí đắc địa (mặt tiền đường Kim Mã - Giang Văn Minh), qua bao nhiêu bận lún nứt, sửa chữa, gia cố, tôn tạo; số buổi sáng đèn của nhà hát mỗi năm vẫn chỉ có thể đếm được cùng lắm là số đốt trên hai bàn tay. Nhà hát chèo là đơn vị nghệ thuật rất mạnh của ngành sân khấu, hội đủ nghệ sĩ tài danh nhất của làng chèo đất Bắc, rốt cuộc công việc chuyên môn nhất vẫn là... đi biểu diễn giao lưu ở nước ngoài, thu băng đĩa truyền thống. Việc có một chiếu chèo vẫn mãi là mơ ước của các đào kép lừng danh từ Mạnh Tuấn, Thanh Hoài, Thanh Ngoan đến Vân Quyền, Thúy Hiền...
 
May mắn hơn rất nhiều loại hình nghệ thuật khác, tuồng có nhà hát riêng của mình là rạp Hồng Hà với sức chứa 382 chỗ. Nhà hát nằm trong khu phố cổ, được cải tạo từ rạp chiếu phim từ thời Pháp. Mấy năm trước, phía dưới sân khấu và khu hậu đài còn ẩm thấp, lõm bõm nước. Câu chuyện rạp Hồng Hà chỉ còn 382 chỗ cũng được những người trong nghề kể lại hết sức hài hước: “Rạp chiếu phim ban đầu có hơn 700 ghế ngồi, sau đó được phân cho Nhà hát tuồng. Tuy nhiên, rạp bị giảm còn nửa số ghế chỉ vì một thứ trưởng Bộ VH-TT&DL lúc đó chỉ đạo: có ai xem tuồng mấy đâu, để nhiều ghế làm gì!”.
 
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn (giám đốc Nhà hát Tuồng VN), việc mở rộng rạp Hồng Hà hiện nay là bất khả thi bởi lý do đơn giản là không thể giải phóng mặt bằng. Có quá nhiều hộ gia đình - vốn là cán bộ nhà nước về hưu - mấy chục năm nay đã sống và xây nhà trong khu vực khuôn viên của rạp, giờ họ không muốn chuyển đi. Mặt khác, theo ông Tuấn, tuy rạp nhỏ nhưng việc duy trì hoạt động không đơn giản khi sân khấu truyền thống đang rơi vào tình trạng thiếu khán giả. 
 
Về đề án xây dựng 51 nhà hát đến năm 2020, ông Tuấn nói: “Chúng tôi cũng biết có đề án của Chính phủ nhưng khó mà biết được đến bao giờ thành hiện thực. Với mức kinh phí chia nhỏ ra như thế, xây rạp hát sao được. Riêng mục tiêu xây nhà hát theo đúng quy chuẩn thì khó lắm, vì mỗi nhà hát sẽ phải đáp ứng được nhu cầu của từng loại hình nghệ thuật. Giao hưởng phải khác nhạc vũ kịch; tuồng, chèo, cải lương... cũng phải có các sân khấu phù hợp chứ không thể xây nhà hát rồi mới tính đến việc phân cho loại hình nào. Thôi thì cứ đành tin tưởng và chờ đợi!”.

 

Nhà hát Âu Cơ (Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ) có 800 chỗ nhưng xây hơn 10 năm và cũng không đúng chuẩn khi sân khấu đủ bề ngang nhưng thiếu bề sâu - Ảnh: Nguyễn Khánh
Nhà hát Âu Cơ (Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ) có 800 chỗ nhưng xây hơn 10 năm và cũng không đúng chuẩn khi sân khấu đủ bề ngang nhưng thiếu bề sâu

 

Hiện tại ở Hà Nội, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Nhạc vũ kịch, Dàn nhạc giao hưởng VN, Nhà hát Múa rối trung ương đều chưa có nhà hát để biểu diễn. Một số nhà hát khác có nhưng cũng... như không: sân khấu Lục Thủy của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN quá nhỏ, không đầy 200 chỗ, Nhà hát Kịch VN nằm ngay sau... lưng Nhà hát lớn cũng chỉ 150 chỗ, có thể nhầm với... khu vực để xe của Nhà hát lớn. Trong khi đó, một trong những địa điểm biểu diễn đẹp nhất của Hà Nội là Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội thì có ngày cao điểm cho thuê tổ chức đến bốn đám cưới.
 
“Theo tôi, đó là một quy trình ngược, xây rất nhiều cái vỏ để làm gì khi đội ngũ diễn viên, hệ thống phòng tập, âm thanh biểu diễn không được đầu tư” - ông Trần Bình (giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN) bày tỏ về triển vọng xây 51 nhà hát mới.
 
“Xin nhiệt liệt hoan nghênh, nhưng kể cả các nhà hát mới xây gần đây do người Việt làm đều không đúng chuẩn một cách tệ hại. Ngay Nhà hát Bắc Ninh được khánh thành mấy năm trước thì quan khách ngồi hàng ghế đầu chỉ nhìn thấy từ đầu gối nghệ sĩ trên sân khấu trở lên. Việc một nhà hát không đạt chuẩn là điều tối kỵ nhưng có lẽ lại khá phổ biến ở nước ta. To hay nhỏ chưa biết, nhưng phải đúng chuẩn cái đã” - ông Bình nói.
 
Là một người đã kiên trì suốt 20 năm “đòi” cho được một địa điểm làm nhà hát, ông Trần Bình thẳng thắn: “Cái hi vọng về 51 nhà hát xa vời quá. Chỉ mong ba miền Bắc - Trung - Nam mỗi miền có một nhà hát đúng chuẩn còn khó, nói gì đến 51 cái. Ngay như Nhà hát Âu Cơ (Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ) có 800 chỗ mà cũng phải xây vắt qua hai đời giám đốc, ngót nghét hơn 10 năm. Vả lại, nếu theo quy trình hiện nay thì sẽ xây nhà hát, phình ra một bộ máy ban quản lý từng nhà hát, và các đoàn nghệ thuật lại phải đi thuê chỗ diễn, chả khác gì bây giờ là mấy. Hiện nay Nhà hát lớn cho thuê 35 triệu đồng/buổi diễn, Nhà hát Âu Cơ là 47 triệu đồng/buổi. Trừ đoàn chúng tôi, chả có đoàn nghệ thuật nào dám vào Nhà hát lớn biểu diễn. Còn nếu thuê ở Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình thì chỉ nghĩ đến cái giá 400 triệu đồng cũng đủ chết rồi”.
 
Không chỉ ông Trần Bình, rất nhiều giám đốc đoàn nghệ thuật đều kiến nghị: phải để đơn vị nghệ thuật làm chủ nhà hát. Khi đó, nhà hát phải xây đúng với đặc thù của môn nghệ thuật ấy. Chứ xây nhà hát lại phình ra một ban quản lý, rạp bỏ hoang mà đơn vị nghệ thuật vẫn phải xếp hàng để diễn. Tại sao khi viết đề án này không hỏi nghệ sĩ, không hiểu ai nghĩ ra việc này?
 
  • (Tổng hợp từ TTO, TNO)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc