Bỏ sổ hộ khẩu giấy, quản lý toàn bộ thông tin đăng ký thường trú, tạm trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia
Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 nêu rõ:
3. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Như vậy, từ ngày 1/1/2023, toàn bộ thông tin về đăng ký thường trú, tạm trú của công dân sẽ được cơ quan đăng ký cập nhật trên Cơ sở dữ liệu về cư trú. Cách thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã chính thức chấm dứt sau gần 70 năm đưa vào sử dụng.
Do sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng nên kể từ năm 2023, cơ quan có thẩm quyền sẽ chỉ áp dụng thống nhất một hình thức quản lý thông tin đăng ký cư trú thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Công dân có quyền khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các thủ tục hành chính.
Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP quy định trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiến hành giải quyết thủ tục cho người đó.
Nếu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân trên cơ sở dữ liệu thì công dân có thể nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú sau:
- Thẻ Căn cước công dân.
- Chứng minh nhân dân.
- Giấy xác nhận thông tin về cư trú.
- Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thống nhất mức thu lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú từ 05/02/2023
Hiện nay, theo Thông tư 85/2019/TT-BTC, mức thu lệ phí đăng ký cư trú (bao gồm cả đăng ký thường trú và tạm trú) do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương với nguyên tắc mức thu đối với việc đăng ký cư trú tại cơ quan đăng ký cư trú thuộc thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn mức thu đối với các khu vực khác. Do đó, mức lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú ở 63 tỉnh thành trên cả nước có sự chênh lệnh nhất định.
Tuy nhiên, Thông tư 75/2022/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 05/02/2023 đưa quy định cụ thể về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú như sau:
Thông tư 75/2022/TT-BTC cũng nêu rõ, từ ngày 05/02/2023, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phải có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bãi bỏ quy định về lệ phí đăng ký cư trú của địa phương tại kỳ họp gần nhất.
Ngoài ra, Thông tư 75 cũng quy định các trường hợp được miễn lệ phí đăng ký cư trú bao gồm:
- Trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật
- Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
- Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; công dân thuộc hộ nghèo.
- Công dân từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi mồ côi cả cha và mẹ.