3 chính sách quan trọng về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có hiệu lực trong tháng 2/2022, ai cũng nên nắm

( PHUNUTODAY ) - Trong tháng 2/2022, nhiều chính sách quan trọng về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) thay đổi, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

1. Chính sách điều chỉnh tiền lương/thu nhập tháng đã đóng BHXH có hiệu lực

Ngày 20/02/2022, Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH quy định về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH sẽ chính thức có hiệu lực.

Mức điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với người lao động (NLĐ) đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH được điều chỉnh theo công thức sau:

Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.

Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện theo bảng sau:

bao-hiem-y-te-1617

Đối với NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01/01/2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định trên.

Mặc dù ngày 20/02/2022, Thông tư 36 mới có hiệu lực nhưng các hệ số nói trên sẽ được tính cho tất cả những người lao động hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH 1 lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất 1 lần trong thời gian từ 01/01/2022 đến hết 31/12/2022.

2. Hướng dẫn mới về chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng trong KCB

Tháng 02 sắp tới cũng là thời điểm có hiệu lực của Thông tư 35/2021/TT-BYT sửa đổi bổ sung Thông tư 30/2020/TT-BYT.

Theo đó, từ ngày 15/02/2022, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh tham gia BHYT, quỹ BHYT sẽ thanh toán dịch vụ cận lâm sàng không thuộc danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế được phê duyệt cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) nhưng thực tế cần thiết cho các hoạt động chuyên môn đối với một số bệnh truyền nhiễm, gồm: Lao, viêm gan B, viêm gan C, HIV/AIDS, SARS-CoV-2, sốt xuất huyết.

Quy định này được áp dụng với các trường hợp KCB ngoại trú và nội trú từ tuyến huyện trở lên, đồng thời phải thuộc các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm được ghi nhận tại Phụ lục của Thông tư 35.

Người đứng đầu cơ sở KCB BHYT có trách nhiệm lập danh sách các dịch vụ cận lâm sàng cần chuyển và gửi đến cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng KCB BHYT để biết và ký bổ sung phụ lục hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trước khi thực hiện.

3. Thay đổi quy định về chuyển tuyến khám chữa bệnh đối với bệnh nhân lao

Ngày 15/2, Thông tư 36/2021/TT-BYT sẽ chính thức thay thế Thông tư số 04/2016/TT-BYT quy định về KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến bệnh lao.

Theo đó, từ ngày 15/02, người mắc bệnh lao kháng thuốc đăng ký KCB ban đầu tại tuyến huyện được chuyển lên tất cả các cơ sở KCB tuyến trung ương, bao gồm:

- Cơ sở KCB: Bệnh viện đa khoa trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện chuyên khoa, Viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế có Phòng khám đa khoa; bệnh viện Hữu Nghị, bệnh viện C Đà Nẵng và bệnh viện Thống Nhất trực thuộc Bộ Y tế; bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Quốc phòng, Viện Y học cổ truyền Quân đội, các cơ sở KCB khác thuộc Bộ Quốc phòng.

- Các bệnh viện, viện chuyên khoa có giường bệnh thuộc Bộ Y tế.

Trong khi đó, tại Điều 6 Thông tư 04/2016/TT-BYT, người mắc bệnh lao kháng thuốc đăng ký KCB ban đầu tại tuyến huyện còn được coi là đúng tuyến nếu chuyển lên một số cơ sở KCB thuộc tuyến tỉnh: Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, bệnh viện Phổi, bệnh viện có chuyên khoa lao và bệnh phổi cấp tỉnh được giao nhiệm vụ điều trị lao kháng thuốc.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link