3 loại lá là “đệ nhất chữa ho” dùng thoải mái mà không lo tác dụng phụ

11:00, Thứ sáu 14/05/2021

( PHUNUTODAY ) - Nếu trong gia đình có người bị ho, bạn có thể áp dụng các bài thuốc dân gian từ 3 loại lá này. Chúng an toàn và không gây tác dụng phụ như việc dùng kháng sinh.

Lá diếp cá

Lá diếp cá có vị chua, cay, tính mát, tác động vào 2 kinh can và phế. Loại lá này không chỉ giúp thanh nhiệt, giải độc, chống viêm, sát khuẩn, giảm phù thũng, thông tiểu tiện, thoát mủ mà còn là vị thuốc kháng sinh giúp trị ho.

Nguyên liệu: 1 nắm rau diếp cá, 1 bát nước vo gạo đặc, mới.

Cách làm: Rửa sạch lá diếp cá rồi cho vào cối giã nhuyễn. Đổ nước vo gạo và rau diếp cá giã nhuyễn vào nồi đun cho sôi. Vặn nhỏ lửa rồi đun thêm khoảng 20 phút nữa cho lá diếp cá nhừ nát. Bắc nồi nước ra bếp để cho nguội rồi lọc lấy nước uống. Ngày uống 2 – 3 lần.

Trong thời gian này, bạn nên hạn chế ăn đồ tanh như tôm, cua, thịt gà.

Lá hẹ

Trong đông y, lá hẹ có tác dụng bổ can thận, làm ấm lưng gối. Lá hẹ có thể dùng làm thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần, dị mộng tinh, đái són. Đặc biệt là lá hẹ có thể dùng để trị ho.

Nguyên liệu: 5 – 10 lá hẹ, đường phèn lượng vừa đủ.

Cách làm: Cho lá hẹ và đường phèn vào bát rồi cho lên bếp hấp cách thủy. Sau đó chắt lấy nước uống. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần khoảng 2 – 3 thìa cà phê.

Lá húng chanh

Loại lá này còn có tên gọi khác là rau tần dày lá, rau thơm lông. Loại lá này có vị cay, tính ấm. Lá húng chanh có chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng tiêu độc, trừ đờm. Chính vì vậy mà loại lá này được dùng làm thuốc chữa ho, trị viêm họng.

Nguyên liệu: 14 – 15 lá húng chanh, 4 – 5 quả quất xanh.

Cách làm:

- Cách 1: Giã dập lá húng rồi trộn với 10ml nước sôi. Để cho ngấm rồi bạn gạn lấy nước uống. Mỗi ngày uống 2 lần.

- Cách 2: Rửa sạch lá húng chanh và quất xanh sau đó cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Đổ hỗn hợp ra bát, thêm vào lượng đường phèn vừa đủ và đem đi hấp cách thủy khoảng 20 phút. Bạn uống liên tục mỗi ngày 1 – 2 lần cho đến khi hết ho.

Bạn lưu ý, bài thuốc dân gian này chỉ có công dụng khi bệnh vừa mới phát, vi khuẩn còn “thường trú” vùng hầu họng. Nếu ho lâu ngày, vi khuẩn đã “di cư” xuống phế quản, phổi thì nên đi khám bác sĩ để có thuốc uống phù hợp.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy