Nghề hộ tống bệnh nhân đi khám bệnh
Sau đại dịch, nghề hộ tống bệnh nhân đi khám nở rộ tại đất nước tỷ dân Trung Quốc. Dịch vụ này chủ yếu phục vụ người già, người bệnh ngoại tỉnh mới đến bệnh viện hoặc người nước ngoài gặp vấn đề bất đồng ngôn ngữ khi khám bệnh.
Dịch vụ mới mẻ này được khá nhiều người ủng hộ vì bệnh viện có khá nhiều thủ tục từ khâu đăng ký, lấy số, gặp bác sĩ tới xét nghiệm, lấy thuốc, thanh toán... Việc có người trợ giúp, thông thạo các bước trong khám chữa bệnh tại bệnh viện sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt mệt mỏi.
Công việc chính của người làm dịch vụ này là cùng bệnh nhân đăng ký, lấy số khám bệnh, đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ để khám và nhận kết quả.
Hiện nay, phí dịch vụ tham khảo cho nghề này rơi vào khoảng 200 tệ/nửa ngày (hơn 700 nghìn đồng) và 300 tệ/ngày (hơn 1 triệu đồng).
Được biết, các cơ sở cung cấp dịch vụ hộ tống bệnh nhân đi khám bệnh đưa ra nhiều gói dịch vụ khác nhau bao gồm gói cơ bản (giúp người bệnh thực hiện các dịch vụ y tế đơn giản), gói nâng cấp (thêm các dịch vụ đăng ký, đưa đón xe riêng).
Ở dất nước tỷ dân, nghề ngày đã khởi phát từ năm 2015 nhưng chưa được nhiều người chú ý. Cho đến thời điểm đại dịch xuất hiện, nhu cầu về dịch vụ này càng tăng cao.
Nghề gấp quần áo cho người giàu
Công việc lạ lùng này đang phổ biến ở nhiều nước châu Á. Ngay cả Việt Nam cũng có. Nhiệm vụ chính của người làm việc này là gấp quần áo sao cho gọn gàng, phân loại chúng thành từng khu vực theo tiêu chí về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu...
Dịch vụ này đã có từ lâu ở những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...
Tại Việt Nam, một số đơn vị dọn dẹp vệ sinh, chuyển nhà trọn gói cũng đã triển khai dịch vụ này.
Mức giá dịch vụ dao động từ 200.000 - 300.000 đồng. Thông thường, các nhân viên sẽ mất khoảng 4 tiếng đến 1 ngày để dọn dẹp gọn gàng tủ đồ của khách hàng. Vì vậy, khách hàng sẽ phải chi ít nhất 1 triệu cho một lần sử dụng dịch vụ. Quần áo càng nhiều, càng mất nhiều thời gian dọn dẹp và khách sẽ phải trả mức phí cao hơn.
Nghề giám sát nhắc nhở
Cuộc sống hiện đại khiến con người dễ sa đà vào những thói quen không có lợi cho sức khỏe như cày phim cả ngày, chơi game xuyên đêm, ăn uống vô độ... Những người này sẽ thuê một người để giám sát các hoạt động trong ngày của mình, đôn đốc bản thân sống quy củ và làm nhiều việc có ích hơn. Người làm nhiệm vụ nhắc nhở sẽ có trách nhiệm nhắc người thuê họ làm tất cả mọi việc cần thiết như dậy đúng giờ, học bài, tập thể dục...
Ở Trung Quốc, trong những năm gần đây, nghề giám sát này phát triển khá nhanh. Người sử dụng dịch vụ thường là thanh niên trong độ tuổi 18 đến 30. Họ có thói quen sống thu mình, thiếu tự giác và cần người khác nhắc nhở, thúc giục để chống lại sức ì của bản thân.
Công việc kỳ lạ này có thể mang lại cho người làm khoảng 133 tệ/tháng giám sát cơ bản (hơn 400.000 đồng) với một khách. Với dịch vụ giám sát chuyên sâu, người lao động có thể kiếm được 400 tệ/tháng/khách hàng (khoảng 1,4 triệu đồng).
Vào những lúc "cao điểm" như mùa ôn thi, cuối năm... người giám sát có thể chăm sóc vài chục khách hàng và thu nhập có thể lên tới vài chục triệu/tháng.