Gọi điện giả danh công an, dọa có lệnh bắt giam
Đối tượng xấu sẽ mạo danh là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như buôn bán ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, vi phạm Luật Giao thông, lừa đảo xuyên quốc gia… Khi nạn nhân phủ nhận, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của họ bị lợi dụng và yêu cần làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra xử lý”. Từ đó, chúng dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình.
Mới đây, công an thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận vụ chị N.T.T.H (SN 1987, Đà Nẵng) bị lừa đảo chiếm đoạt 5 tỷ đồng bằng cách này. Theo lời chị H. vào tháng 7 vừa qua, chị nhận được điện thoại của người tự nhận là cán bộ công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) với nội dung cáo buộc chị là đồng phạm nhóm tội phạm rửa tiền buôn bán ma túy.
Vì mất bình tĩnh, chị H. liên tục thực hiện các yếu cầu của kẻ gian như khai báo lý lịch và số tiền có trong tài khoản ngân hàng để “cán bộ xác minh”. Chúng còn yêu cầu chị tải ứng dụng “phần mềm bảo mật” có logo giả mạo của bộ công an nhưng thực chất là chứa mã độc nhằm điều khiển điện thoại của nạn nhân. Sau đó, số tiền 5 tỷ đồng trong tài khoản của chị H. không cánh mà bay.
Cài đặt app giả mạo Tổng cục thuế
Kẻ xấu sẽ mạo danh cán bộ thuế rồi yêu cầu người dân cài phần mềm giả mạo để lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản. Chúng dụ dỗ cài đặt phần mềm “Tổng cục thuế” để nộp thuế được giảm VAT từ 10% xuống 8%, khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin làm theo.
Chị B. (SN 1992, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) ngày 30/6/2023 đã tới công an thành phố Hà Nội trình báo bị lừa mất 240 triệu đồng bằng hình thức lừa đảo này.
Thực tế, từ ngày 1/7, thuế VAT đã được giảm từ 10% xuống 8% mà không cần phải cài bất cứ app nào, trừ trường hợp công dân nộp thuế qua app. Người dùng cài đặt phải phần mềm giả mạo sẽ có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Những tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.
Qua đó, đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động để tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.
Tuyển cộng tác viên bán hàng online
Những công việc như cộng tác viên bán hàng online, không đòi hỏi kinh nghiệm nhưng vẫn kiếm được hàng chục triệu mỗi tháng hấp dẫn nhiều người. Các đối tượng lừa đảo thường cho các nạn nhân được hưởng hoa hồng cao.
Với đơn hàng nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng đầy đủ. Nhưng dần dần với những đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền các nạn nhân ứng ra để nhận sản phẩm của các đơn hàng. Nhiều người, nhất là những bạn trẻ muốn tìm việc làm thêm hay những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ở nhà rảnh rỗi muốn có thêm thu nhập từ công việc online đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo kiểu này.
Trường hợp của chị N.T.H (SN 1998, Hà Đông, Hà Nội) là một ví dụ. Chị H. đã mất gần 300 triệu đồng từ việc làm cộng tác viên chạy quảng cáo, thanh toán các đơn hàng cho một sàn thương mại điện tử.
Chị H. cho biết yêu cầu công việc rất đơn giản và phù hợp đó là không cần kinh nghiệm, chỉ cần có điện thoại và thẻ ATM. Công việc chị H. được giao là bán hàng online, nhận và thanh toán các đơn hàng để hưởng tiền hoa hồng. Với 5 đơn hàng đầu tiên, chị được hơn 1,1 triệu đồng tiền hoa hồng cùng số tiền gốc ứng ra để nhận hàng giao cho khách. Vì ham lợi nhuận, chị H tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo, dẫn dắt mua bán lòng vòng, đến khi tổng số tiền ứng ra để nhận đơn hàng lên đến gần 300 triệu đồng thì chị H. không thể liên lạc được với các đối tượng.