Đồ cúng không được chu đáo
Việc cúng lễ trong ngày 23 tháng Chạp không cần quá cầu kỳ nhưng cần sự chu đáo, tỉ mỉ, không được bỏ sót những điều cần thiết. Mâm lễ cúng ông Công ông Táo có thể là lễ chay hoặc lễ mặn tùy theo điều kiện gia đình.
Đồ vàng mã không cần nhiều, chỉ cần đủ. Theo tích xưa, Táo quân gồm 2 Táo ông và 1 Táo bà. Vì vậy, gia chủ nên chuẩn bị đủ 3 bộ mũ áo vàng mã cho 3 vị. Sau khi lễ cúng hoàn thành, đồ vàng mã sẽ được hóa cho các vị thần linh.
Ngoài ra, hầu hết các nơi, người dân sẽ chuẩn bị 3 con cá chép thật hoặc cá chép giấy để tiễn Táo về trời. Số lượng cá là 3 con.
Đặc biệt, không dâng cúng các món làm từ vịt, chim, ngỗng, trâu, dê, chó... trong lễ cúng ông Công ông Táo.
Làm lễ quá muộn
Thời gian cúng ông Công ông Táo không yêu cầu quá nghiêm ngặt, có thể linh động thay đổi cho phù hợp với điều kiện của gia chủ. Tùy theo sự sắp xếp trong gia đình, gia chủ có thể làm lễ cúng trước ngày lễ chính thức 1-2 ngày nhưng không được làm lễ quá muộn. Nếu làm lễ cúng sau ngày 23 tháng Chạp thì không đúng phong tục.
Đặt mâm lễ sai vị trí
Nhiều người không biết nên đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở đâu, trên bàn thờ hay ở dưới bếp. Sở dĩ có sự phân vân này là do ông Táo cai quản việc bếp núc trong nhà nên người dân theo đó luận ra rằng cúng ông Táo dưới bếp.
Tuy nhiên, việc thờ cúng được coi là việc linh thiêng, không được thực hiện tùy tiện.
Nếu gia chủ có bàn thờ Táo quân thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây. Ngoài ra, vẫn cần làm một mâm lễ khác ở bàn thờ chính bởi theo quan niệm dân gian ông Công chính là thần Thổ công, cai quan đất đai trong nhà.
Cầu khấn sai ý nghĩa
Trong lễ cúng ông Công ông Táo, gia chủ chỉ nên xin các táo Táo thương tình giơ cao đánh khẽ, báo cáo các việc tốt đẹp, xin Ngọc Hoàng phù hộ cho năm mới bình an.
Ý nghĩa thực sự của lễ cúng ông Công ông Táo là tiễn các vị thần lên thiên đình báo cáo tình hình của gia đình trong suốt 1 năm qua. Cầu xin tài lộc, công danh, tình duyên trong khi làm lễ cúng này là không phù hợp.
Ném cá phóng sinh từ trên cao
Trong lễ cúng ông Công ông Táo, gia chủ có thể chuẩn bị để các vị thần làm phương tiện về trời. Sau khi lễ kết thúc, gia chủ sẽ mang cá đi phóng sinh. Tuy nhiên, khi thả cá không được làm tùy tiện.
Nên chọn nơi nước sạch để cá có thể tiếp tục sinh tồn. Không nên chọn nơi ao tù nước đọng, sông ô nhiễm để thả cá.
Khi thả cá, nên chọn nơi gần mặt nước và nhẹ nhàng thả cá xuống. Không nên đứng từ trên cao ném cá xuống nước vì như vậy cá có thể bị tổn thương.
Ngoài ra, để bảo vệ môi trường, sau khi thả cá, người dân cần thu gom túi nilon đúng chỗ, không vứt bừa bãi.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.