Những loại hoa không bày trên ban thờ ngày Tết
Trong việc thờ cúng tổ tiên, vào những ngày lễ, rằm, mùng một… trên ban thờ, ngoài bát hương, chén nước, mâm cơm… lúc nào cũng phải có một bình hoa đẹp. Dâng hoa cúng chư Phật, thánh, gia tiên là hành động thành kính, bày tỏ tâm biết ơn. Dù vậy, không phải loại hoa nào cũng có thể cúng lễ. Tùy theo quan niệm của từng vùng mà có những điều kiêng kị khác nhau khi chọn hoa dâng lên ban thờ.
Đối với các loại hoa, gia chủ cũng nên lưu ý tránh những loại hoa đưa lên ban thờ ngày Tết như sau:
Nếu hoa cúc vàng là lựa chọn hoàn hảo cho bàn thờ thì cúc vạn thọ lại không được ưa chuộng bởi mùi hương nồng, có mùi hôi. Trong khi hoa thờ cúng cần chọn loại có mùi thơm dịu nhẹ, thanh khiết để tăng thêm phần trịnh trọng, thể hiện lòng thành của gia chủ.
Hoa sứ (hay còn gọi là hoa đại) và hoa nhài đều mang màu trắng xinh đẹp và mùi hoa rất thơm nhưng lại bị liệt vào danh sách hoa không nên thờ cúng bởi những câu chuyện dân gian liên quan đến chuyện trai gái không đứng đắn.
Hoa ly là loại hoa có vẻ quyến rũ, hoa rực rỡ kiêu sa nhưng vì tránh tên gọi “ly tán”, “chia ly”… nên tốt nhất chúng ta không dùng để đặt trên bàn thờ để mối quan hệ gia đình, dòng họ không vì thế mà ảnh hưởng, kể cả các Phật tử cũng thường tránh dùng hoa ly lễ Phật.
Hoa phù dung tuy đẹp nhưng vì đặc tính “sớm nở tối tàn”, lại thay đổi màu sắc theo từng thời điểm trong ngày, từ trắng muốt sang hồng, đỏ, rồi sậm dần và lụi tàn. Chính vì thế, nó đã trở thành loại hoa kiêng kị cho việc thờ cúng.
Những chậu phong lan, giò treo phong lan có thể được sử dụng để trang trí phòng khách, treo ban công, cửa sổ ngày Tết. Tuy nhiên, vài ý kiến cho rằng chữ “phong” trong “phong lan” gợi đến sự phong tình, phóng đãng nên không dùng để dâng Phật, kính tổ.
Hoa râm bụt (dâm bụt) và hoa cúc áo (dân gian gọi là hoa cứt lợn) có màu tươi, nhưng người ta không sử dụng để đặt trên bàn thờ, đơn giản vì tên gọi của chúng không đẹp, không thích hợp ở nơi cần sự tôn nghiêm.
Ngoài ra, các nhà tâm linh còn khuyên: Không nên kết hợp quá nhiều loại hoa cùng lúc vì sẽ giảm mất sự thanh tao, khiến ban thờ mất thẩm mỹ. Đồng thời tránh chọn những loại hoa có gai sắc nhiều sát khí, hoặc những loại hoa có mùi quá gắt.
Ngoài ra, ban thờ là nơi tôn nghiêm, trang trọng nên khi cắm hoa để bàn thờ mọi người cũng cần tính đến sự cân đối. Không nên đặt một lọ hoa quá to trên một ban thờ nhỏ khiến che hết cả các đồ thờ cúng khác được đặt trên đó. Không nên dâng chậu hoa cảnh hay hoa nhựa, hoa giả lên ban thờ. Tuy không mất trang nghiêm nhưng theo quan niệm đó là sự giả dối. Hoa cúng là biểu hiện tấm lòng nên không dùng lễ giả để biểu thị tấm lòng chân thật.
Không nên bày hoa giả, trái cây giả lên bàn thờ
Nhiều gia đình thường có thói quen bày hoa giả trên bàn thờ vì vừa tiết kiệm chi phí, không phải mất công thay nước. Theo họa sĩ, nhà sưu tâm cổ vật Nguyễn Mạnh Đức, thì không nên bày hoa nhựa, hay đèn điện nhấp nháy trên bàn thờ. Mặc dù có đắt hơn hoa giả đôi chút, nhưng hoa thật, quả thật thể hiện được sự chân thành, sự thành kính của con cháu.
Nên dùng hoa tươi để bày trên bàn thờ và chọn các loại có tên đẹp, hương thơm dễ chịu. Những loại hoa tươi nên dùng là hoa lay-ơn, hoa huệ, hoa cúc vàng, mai, đào vì đẹp, tươi lâu, mang lại không khí Tết.
Không nên bày cành vàng lá ngọc/đồ lễ ở chùa chiền lên bàn thờ gia tiên
Theo nhà nghiên cứu tâm linh Nguyễn Xuân Cường, bàn thờ là nơi tâm linh, thanh tịnh nên những cành vàng lá ngọc không nên đặt lên. Không nên đi bất cứ đến chùa chiền, đền phủ nào cũng xin lộc về đặt lên bàn thờ. Nếu tới di tích mua những cành vàng lá ngọc đó dâng lên, thì nên hóa đi, không nên mang về nhà.