Bé biết đi khi nào?
12–18 tháng tuổi
Hầu hết các bé sẽ cất những bước đi đầu tiên khi khoảng độ một tuổi. Bạn cũng đừng quá lo lắng nếu như con mình chậm hơn những đứa bé khác, quan trọng là kỹ năng của bé phát triển như thế nào thôi. Nếu con học lật, học bò chậm hơn những bé khác thì con sẽ cần thêm vài tuần hay vài tháng để tập đi, miễn là bạn giúp bé liên tục học được những điều mới.
Sau khi chập chững những bước đi đầu tiên, bé sẽ học cách ngồi xổm xuống và đứng lên trở lại. Nếu đã đi vững, bé có thể sẽ thích những đồ chơi chuyển động đẩy hoặc kéo.
Bạn không nên mua khung tập đi cho bé. Khung tập đi có thể nguy hiểm vì bé sẽ rất dễ té hoặc gặp phải những tình huống nguy hiểm khác. Hơn nữa, những thiết bị hỗ trợ như thế này sẽ làm bé phụ thuộc và khi phải tập đi mà không có sự hỗ trợ nào, bé sẽ rất dễ nản.
19–24 tháng tuổi
Khi chân tay đã cứng cáp, bé sẽ thích vừa đi vừa giữ một đồ vật gì đó trong tay (ví dụ như quả bóng, thú nhồi bông). Nếu bạn muốn bé nâng vật gì đó nặng hơn thì đừng ngạc nhiên vì chính bé cũng rất thích thú muốn thử thách mình với các vật nặng như cặp xách.
Bé cũng sẽ vô cùng phấn khích khi đến một ngày khám phá ra mình không chỉ đi mà còn có thể chạy từ nơi này sang nơi khác.
25–30 tháng tuổi
Vào năm 2 tuổi, bé đã đi bộ dễ dàng và còn tham gia vào một số trò chơi như đuổi bắt, tập hát những bài vui nhộn. Những bước đi lúc này đã cân bằng hơn và bé dần sử dụng gót chân để đi một cách thành thạo (không đi nhón gót nữa).
Ở giai đoạn này, bé thường thích leo trèo, chạy nhảy. Do đó, bố mẹ hãy đưa ra những quy tắc khi bé leo trèo, nhảy nhót trên đồ đạc trong nhà.
31–36 tháng tuổi
Vào năm 3 tuổi, việc đi lại bây giờ đối với bé là điều rất tự nhiên và bình thường rồi, chỉ có một số hành động đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực cao của bé như giữ thăng bằng hay đứng trên một chân.
Bé không cần sử dụng sức quá nhiều để đi bộ, đứng, chạy hay nhảy vì đôi bàn chân đã nhanh nhẹn hơn trước nhiều. Con có thể dừng lại và bắt đầu chạy nước rút ngay lập tức hay chạy sang trái, phải không chút do dự. Ngoài ra, bé còn có thể nhảy lò cò (nhảy trên một chân) nữa.
5 tư thế trẻ tập đi cảnh báo nguy hại
1. Bước đi giống con cua
Bước đi giống con cua là tư thế mà trẻ hay mắc trong giai đoạn tập đi. Với tư thế này, khi bé bước đi đầu luôn chúi về trước, hai chân hướng vào trong như hình dạng cái kẹp lớn.
Chú ý quan sát hành động của trẻ, phát hiện sớm những bất thường để kịp thời sửa đổi. (Ảnh minh họa)
Khi bé được 3 tuổi, tư thế này dần được thay đổi vì đôi chân đã cứng cáp hơn. Nếu còn thấy con đi tư thế như vậy mẹ hãy cho bé ngồi dạng chân khi chơi trên sàn nhà, hướng dẫn bé không ngồi vắt chéo chân.
Ngoài ra, mẹ hãy sắm cho bé đôi giày phù hợp cho bé tập dần, khoảng 1 năm là có thể sửa được tư thế đúng cho trẻ.
2. Bước đi như một chú vịt
Tư thế bước đi như một chú vịt thuộc về vấn đề sinh lý vì chân bé còn quá bằng phẳng. Trong giai đoạn tập đi, cơ chân của trẻ sẽ được rèn luyện và dần có hình lõm ở lòng bàn chân.
Phần lớn trẻ dưới 5 tuổi sẽ xuất hiện phần lõm ở bàn chân, con số chiếm khoảng 95%. Do đó, khi bé được 2 tuổi mà dáng đi vẫn lạch bạch như vịt mẹ chớ vội lo lắng.
Điều quan trọng là khi bàn chân hình thành độ lõm bé sẽ đi lại theo tư thế bình thường. Ngoài ra, để sửa tư thế đúng cho con mẹ có thể hướng dẫn bé chơi trò chơi kẹp bút bằng chân hoặc đi bằng mũi chân.
3. Bé đi như cao bồi
Trước 2 tuổi, trẻ đi với tư thế chân dạng ra như anh chàng cao bồi quen cưỡi ngựa mẹ hãy bình tĩnh vì chưa có gì nguy hiểm. Thế nhưng nếu tình trạng này kéo dài mẹ nên đưa bé tới cơ sở y tế để kiểm tra hoặc gặp bác sĩ điều trị vì trẻ có nguy cơ thiếu hụt canxi và vitamin cần thiết.
4. Vừa đi vừa kẹp đùi
Trẻ vừa đi vừa kẹp đùi, chân có hình chữ X nguyên nhân là do thiếu vận động, lười biếng trong quá trình rèn luyện cơ chân khiến bé lười đi hoặc không muốn đi đoạn đường ngắn.
Đối phó với tình trạng này, mẹ hãy kiên trì khích lệ bé đi nhiều hơn là được. Trên thực tế, trẻ 8 tuổi bé vẫn phải được rèn luyện những bài tập cơ mới có thể điều chỉnh lại dáng đi bình thường.
5. Luôn cúi đầu
Khi một người đi bộ, tất cả chuyển động của cơ thể bao gồm 7 loại dây thần kinh và 8 loại mạch đều đồng thời hoạt động. Nếu đi với tư thế cúi đầu sẽ khiến các dây thần kinh này không thể thư giãn tốt, cơ thể không thể nhận được nguồn cung cấp oxy cần thiết.
Ngoài ra, đi với tư thế này trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cột sống và phản xạ của não khiến trẻ chậm phát triển.
Để điều chỉnh tư thế đúng cho trẻ, cha mẹ có thể hướng dẫn bé tự đứng trước gương với tư thế ngẩng đầu, thẳng lưng và bước đi nhiều lần.
Hướng dẫn trẻ tập đi đúng cách
– Mẹ không cần sử dụng xe tập đi cho trẻ. Thực tế cho thấy, xe không giúp trẻ nhanh biết đi hơn mà có thể ảnh hưởng đến xương của trẻ, dễ gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc khác.
– Mẹ không cần phải mang giày tập đi cho bé khi bé di chuyển trong nhà. Với những bước chân non nớt, bé sẽ thấy khó khăn và mất cân bằng khi có giày. Bạn cứ cho bé đi chân trần. Chỉ khi nào dắt bé đi ra ngoài mới cần mang giày tập cho bé.
– Hạn chế bế bé, chỉ nên bế lúc cần thiết. Ngoài ra, mẹ hãy để bé được tự do ngồi, nằm chơi. Những bé quen được bế bồng sẽ không thích tập đi nữa.
– Khi mẹ thay quần áo cho bé, hãy để bé đứng. Bé đứng nhiều sẽ chắc khỏe cơ, xương chân, là tiền đề rất tốt để tập đi.
– Nên lót sàn nhà bằng những miếng xốp, đệm để bước chân bé được vững hơn, không bị trơn trượt, đồng thời bảo vệ bé khi ngã.
– Khi bé biết đứng vịn tay vào đồ vật, mẹcó thể huấn luyện bé vịn tay vào ghế, thành giường và bước từng bước, di chuyển từ ghế này sang ghế khác.
– Cha mẹ có thể đu đưa một món đồ chơi màu sắc trước mặt bé để kích thích sự ham thích của bé và thôi thúc bé bước về phía trước.
– Cha mẹ không nên nôn nóng tập cho trẻ đi quá sớm, dễ làm cho chân bé vòng kiềng. Tập đi sớm cũng ảnh hưởng đến cột sống của bé. Khi nào bé bắt đầu muốn tập đi, bạn hãy giúp bé bằng cách:
– Dìu, nâng đỡ bé đi từng bước một, nhưng không thúc đẩy hay kéo bé đi theo mình, dễ gây trật cổ tay hay xương vai bé. Bạn có thể quỳ gối trước mặt bé và đỡ bé bằng hai tay khi bé di chuyển trong nhà, khi bé đã đi thành thạo, bạn có thể dùng tay dắt bé đi.