7 giá trị gia đình không bao giờ lỗi thời

10:58, Thứ ba 30/01/2024

( PHUNUTODAY ) - Theo Bonobology, nhiều giá trị đã thay đổi theo thời đại lẫn sự năng động của xã hội. Tuy nhiên, những giá trị về gia đình dưới đây vẫn không thay đổi.

1. Tôn trọng người lớn tuổi

Một đại gia đình thông thường bao gồm bố mẹ, con cái và ông bà. Chăm sóc cho trẻ nhỏ, yêu thương và tôn trọng người già là giá trị cơ bản trong đại gia đình.

Những mâu thuẫn giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại trong mỗi hộ gia đình là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, ở mức độ rất cơ bản, việc không tôn trọng người lớn tuổi là điều không được cổ súy.

Tôn trọng người lớn tuổi là sự tôn trọng lành mạnh giữa hai thế hệ, bao gồm sự lắng nghe, hiểu biết về quan điểm của nhau, ngay cả khi tồn tại sự bất đồng.

gia dinh

Ảnh minh họa

2. Bao dung và đáng tin cậy

Bao dung và đáng tin cậy là những phẩm chất được đánh giá cao trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Đáng tin cậy là phẩm chất mà tất cả mọi người đều trân trọng. Các bậc cha mẹ muốn con cái trở nên xuất sắc trong cuộc sống thường dạy chúng phải biết cách chịu trách nhiệm về hành động của mình, làm việc chăm chỉ và đạt được mục tiêu một cách công bằng.

Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng các giá trị gia đình mạnh mẽ sẽ suy nghĩ kỹ trước khi hành động, nhằm loại bỏ những việc làm có thể khiến họ hoặc gia đình họ xấu hổ.

3. Chung thủy/ Trung thành

Trong một gia đình chắc chắn sẽ luôn có những xung đột. Giữa các thành viên có thể có sự khác biệt về quan điểm, tuy nhiên, điều quan trọng là bạn trung thành với gia đình mình.

Nếu gia đình của bạn hoặc bản thân bạn đang bị tấn công bởi một thế lực bên ngoài, các giá trị gia đình vững chắc sẽ giúp ngăn cản việc bạn bỏ mặc những người thân yêu, ngay cả khi họ không yêu quý bạn vào thời điểm đó, và ngược lại. Người ta nói "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" là vì vậy.

4. Phân chia việc nhà

Người coi trọng đạo đức gia đình cũng là những người tin vào các nguyên tắc như tôn trọng, làm việc chăm chỉ, trung thực... Những giá trị này được phản ánh trong các hoạt động hàng ngày như phân chia công việc nhà giữa vợ và chồng, con cái...

Trong hầu hết các gia đình, bạn có thể thấy rằng các thành viên trong gia đình phân chia công việc để cùng nhau xử lý. Ví dụ như nếu bố dọn bàn, mẹ sẽ dọn dẹp bát đĩa và con cái dọn dẹp giường. Mục tiêu sự phân chia này rèn luyện ý thức của mỗi người, giúp họ đủ độc lập để tự lo cho các nhu cầu cá nhân.

Trong truyền thống của người châu Á, sự thiếu bình đẳng khiến công việc gia đình là gánh nặng của người phụ nữ. Do đó, phân chia công việc trở thành một giá trị chung trong một gia đình hiện đại.

5. Các quy tắc ứng xử và giao tiếp

Một nghiên cứu được thực hiện tại Anh trên 2.000 hộ gia đình cho thấy, mặc dù nhiều giá trị gia đình hiện đại đã thay thế cho các giá trị cũ, nhiều quy tắc và giáo lý cũ vẫn được coi là có giá trị.

Ví dụ, khoảng 76% những người được khảo sát khẳng định rằng cách cư xử trên bàn ăn là một trong những quy tắc quan trọng trong giá trị gia đình. Đa phần người tham gia nghiên cứu nói họ không muốn thấy những đứa trẻ của mình ăn uống nhồm nhoàm, nói năng ồn ào trên bàn ăn.

Đây có thể chỉ là chuyện nhỏ, nhưng nó thể hiện một mức độ kỷ luật và lịch sự nhất định trong gia đình. Những yếu tố nhỏ này giúp hoàn thiện tính cách của bạn và hoàn thiện những thói quen giúp bạn để lại ấn tượng tốt cho bất kỳ ai bạn sẽ tiếp xúc trong tương lai.

6. Cùng nhau trải qua các kỳ nghỉ lễ lớn

Đây là lý do tại sao mỗi dịp lễ lớn, các văn phòng công sở và đường phố ở các đô thị lớn vắng tanh. Đó là bởi mọi người đổ xô về gia đình để cùng nhau tận hưởng mùa lễ hội, trong tình yêu và niềm vui.

Sự quần tụ nói lên rất nhiều điều về truyền thống đã trường tồn của một gia đình. Điều đó cũng cho thấy mỗi người đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, chia sẻ và tôn trọng những giá trị tốt đẹp của gia đình.

Khi bạn coi trọng các kết nối và ràng buộc trong gia đình, bạn sẽ luôn tìm thấy sự gắn bó và thân thuộc với các thành viên còn lại. Cũng nhờ vậy, bạn cảm thấy có một mục đích nhất định cho sự tồn tại của mình. Con người là một động vật xã hội và một đơn vị gia đình là giá trị cốt lõi của kim tự tháp xã hội.

7. Cùng nhau làm từ thiện

Ý thức từ thiện hoặc nỗ lực tham gia các hoạt động thiện nguyện phản ánh các giá trị gia đình đã được truyền qua nhiều thế hệ. Tham gia tình nguyện hoặc đơn giản là cho đi thứ gì đó bạn có là một cách thể hiện rằng bạn quan tâm đến xã hội và tin tưởng vào việc "cho đi".

Các hoạt động tình nguyện có thể được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào, ví dụ là thành viên của các nhóm từ thiện... Sẽ rất giá trị nếu bạn cùng gia đình đồng hành trong các hoạt động đó. Những hoạt động này không chỉ thúc đẩy cảm giác gắn bó với nhau mà còn giúp tạo ra mối liên kết tuyệt vời giữa các thành viên.

Trong gia đình, sự nhân hậu và giàu lòng trắc ẩn là một đức tính giá trị. Cha mẹ nào cũng cố gắng truyền đạt những giá trị nhân văn nhất định cho con cái. Những đức tính như tử tế với mọi người, tôn trọng người khác, giúp đỡ những người kém may mắn... là những giá trị cần được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Khi bạn nhìn thấy những người không tuân theo quy tắc xã hội, những người có hành vi thô lỗ, thiếu tôn trọng đối với các cá nhân, nền văn hóa và tôn giáo khác, điều đó cho thấy những giá trị gia đình không tốt đang được tồn tại và truyền tải.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Dương Ngọc