Ở phương Tây, có một niềm tin lãng mạn về việc đeo nhẫn cưới ở ngón áp út của bàn tay trái. Trước khi y học phát triển, người Anh cho rằng tĩnh mạch từ ngón tay thứ tư trên bàn tay trái chảy thẳng về trái tim. Họ gọi mạch này là “Vena Amoris”, trong tiếng Latin có nghĩa là Tĩnh mạch của tình yêu. Chính vì niềm tin này, các cặp đôi thường chọn ngón tay đặc biệt này để đeo nhẫn, như một lời hứa về tình yêu vĩnh cửu.
Các "bậc thầy" trong nghi thức hôn nhân đã viết: “Nó sẽ thật sự có ý nghĩa nếu chiếc nhẫn được đeo trên ngón tay đặc biệt này. Đối với các cặp vợ chồng, như là tuyên bố tình yêu vĩnh cửu của họ dành cho nhau”.
Một cách lý giải thú vị khác đến từ Trung Quốc. Bạn hãy thử gập ngón giữa của hai bàn tay và áp sát vào nhau, sau đó mở các ngón còn lại ra nhưng đầu mút các ngón vẫn chống vào nhau. Bạn sẽ thấy các ngón cái, trỏ, út dễ dàng tách ra, nhưng riêng ngón áp út lại không thể rời.
Theo người Trung Quốc, ngón tay cái tượng trưng cho cha mẹ, ngón trỏ tượng trưng cho anh em, ngón giữa là bản thân, ngón áp út tượng trưng cho người bạn đời và ngón út là con cái. Khi thử áp sát hai bàn tay theo cách đã nói, bạn sẽ thấy chỉ có ngón áp út là không thể tách ra được. Đó là vì cha mẹ không thể sống suốt đời với bạn, anh em sẽ có gia đình riêng và rời xa bạn, con cái cũng sẽ tạo dựng cuộc sống riêng. Nhưng người bạn đời là người gắn bó với bạn suốt cuộc đời, dù thế giới có thay đổi như thế nào đi nữa.
Đây chính là lý do người ta thường đeo nhẫn cưới ở ngón áp út, biểu tượng cho sự gắn bó không thể tách rời.
Tuy nhiên, không có quy định bắt buộc nào về việc phải đeo nhẫn cưới trên ngón áp út của bàn tay trái. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn cá nhân của mỗi người.