Tại sao cần lau dọn bàn thờ đón Tết?
Trong văn hóa của người Việt, bàn thờ là một nơi linh thiêng, tôn kính nhất, là nơi ngự vị của các bậc tổ tiên ở trong gia đình nên thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà.
Với những ngày thường, gia chủ có thể làm sạch bàn thờ bất cứ khi nào cảm thấy bàn thờ bẩn hoặc vào những ngày đặc biệt chúng ta lau dọn trước một ngày. Nhưng dịp Tết đến, các gia đình sẽ thường dọn nhà và thực hiện công việc này chu toàn hơn và người ta thường gọi đó là bao sái bàn thờ. Có hai thời điểm bao sái chính là ngày đưa ông Táo về trời và ngày rước ông Táo về nhà và tuyệt đối phải dọn dẹp trước đêm giao thừa.
Bởi theo phong tục của người Việt, đầu năm mới người ta rất ngại trong việc quét dọn. Vì ông bà ta sợ rằng khi quét dọn sẽ quét hết mọi tài vận ra khỏi nhà. Vì thế nên những việc dọn dẹp nhà cửa, lau dọn bàn thờ tổ tiên cần được thực hiện trước đêm giao thừa.
Ai nên là người lau bàn thờ ngày Tết?
Người lau dọn bàn thờ gia tiên tốt nhất là những người trong nhà (thường sẽ là gia chủ), những người không bị thương và phụ nữ không trong kì "đèn đỏ". Gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ trước khi tiến hành công việc lau dọn bàn thờ.
Lau dọn bàn thờ ngày Tết đúng cách
+ Tắm rửa sạch sẽ
Trước khi tiến hành lau dọn bàn thờ, gia chủ cần phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉn chu. Tuyệt đối tránh để người dơ bẩn, luộm thuộm bởi như vậy là không tỏ rõ thành ý. Ngoài ra, trước khi tiến hành bao sái, cần phải lau dọn nhà cửa sạch sẽ, mở rộng các cửa trong nhà.
+ Chuẩn bị vật dụng
Gia chủ cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết như khăn sạch, vật dụng lau dọn sạch dùng riêng cho bàn thờ. Chuẩn bị cả rượu trắng pha loãng với nước và gừng để lau dọn bàn thờ. Nếu như nhà nào có tượng phật, ảnh phật thì không nên dùng rượu để lau dọn mà chỉ nên dùng nước ấm để làm sạch.
+ Thắp hương thông báo với gia tiên
Trước khi dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, việc đầu tiên bạn cần làm là chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên và tiếp đến thắp nén hương thông báo, xin phép tổ tiên cho phép bao sái.
Đồng thời, gia chủ chuẩn bị một chiếc bàn trải vải hoặc giấy đỏ để đặt các bài vị, bát hương, đèn, nến và đồ trang trí ở trên bàn thờ. Đợi sau khi hương cháy hết thì mới bắt đầu công việc.
+ Thực hiện bao sái
Trước tiên, hạ các đồ bạn muốn lau dọn xuống. Để ngay ngắn tất cả bài vị, đồ thờ cúng ở trên bàn, không để lung tung.
Lưu ý, bạn tuyệt đối không hạ hoặc di chuyển bát hương. Theo dân gian, nếu như bát hương bị di chuyển sang hướng xấu, thậm chí sẽ gây ra xui xẻo cho gia chủ.
Dùng khăn sạch đã ngâm rượu gừng để lau toàn bộ các đồ thờ. Sau đó dùng khăn để khô lau lại. Lau lần lượt từng món, không được để đồ thờ cúng lăn lóc, mà phải xếp ngay ngắn, trang nghiêm.
Sau khi lau bài vị xong thì đến phần dọn bát hương. Rửa sạch hai tay với rượu gừng, dùng một tay giữ chặt bát hương xuống để tránh cho bát hương bị xê dịch. Lấy khăn khô, chổi khô để lau quét toàn bộ bụi trên miệng, xung quanh bát hương xuống bàn thờ.
Sau khi lau dọn, bạn lấy 2 tay rút tỉa từng chân hương cho tới khi chân hương còn lại số lẻ (1/3/5/7/9). Thường bát hương thần linh sẽ cần để lại 5 chân hương (ngũ hành tề tụ). Bát hương khác thì để lại 3 chân hương (sinh tài). Các chân hương rút ra sẽ đặt trên bàn có phủ vải, giấy đỏ.
Cuối cùng bạn dùng khăn khô lau dọn toàn bộ tro bụi ở trên bàn thờ xuống. Lấy khăn sạch khác ngâm rượu và lau lại toàn bộ bàn thờ, sau đó lại dùng khăn khô lau lại lần nữa.
Xong xuôi, bạn đặt lại đồ thờ cúng đúng vị trí, thay nước và thay chum gạo muối (nếu có), khấn xin thỉnh các Ngài về, báo cáo con đã thực hiện xong việc.