Nhắc đến Tây Môn Khánh, nhiều người sẽ coi hắn ta như kẻ cuồng dâm, cũng có một số đàn ông sẽ âm thầm hâm mộ Tây Môn Khánh coi hắn ta là mẫu người thành công, trong tay có quyền lực, có tiền tài, nhan sắc, có thể có người còn thầm ước mình được như Tây Môn Khánh.
Vậy chúng ta nên lý giải nhân vật Tây Môn Khánh này như thế nào? Người này là hiện thân của ác quỷ dục vọng hay là hình tượng thanh niên phấn đấu thành đạt? Những bí mật về Tây Môn Khánh sẽ được hé lộ ngay sau đây.
Sinh ra giữa thời loạn - hưởng lộc nhờ dùng chiêu
Trở lại với nhân vật Tây Môn Khánh, Tây Môn Khánh là một kẻ thiếu may mắn, cha mẹ hắn mất sớm, chỉ để lại cho hắn một tiệm thuốc nhỏ, kinh doanh lại bết bát. Nếu là thời ngày nay thì có lẽ khối gia sản ấy cũng không tồi nhưng thời cổ đại thì khác.
Thời cổ đại chia thành sĩ, nông, công, thương, trong đó địa vị của thương nhân, người làm ăn buôn bán là thấp nhất.
Hơn nữa bấy giờ lại gặp thời của Chu Nguyên Chương – một người vô cùng ghét thương nhân, cho nên địa vị của thương nhân đã thấp lại còn thấp hơn, xem thương nhân gần như ngang hàng với nô lệ, một đôi tất tốt còn chẳng có mà đi.
Cuộc sống của Tây Môn Khanh cũng không dễ dàng gì nhưng may mắn là hắn sinh ra ở huyện Thanh Hà, là một trong tám cửa ngõ thu thuế lớn của Trung Quốc thời xưa.
Cửa ngõ thu thuế là một trong các nút giao trên tuyến đường vận chuyển Bắc Kinh – Hàng Châu thời cổ đại, tại đây quan phủ sẽ đặt điểm trưng thu thuế, các thương thuyền vào Nam ra Bắc đều sẽ tề tựu về đây, nói ngắn gọn thì nơi đây là một vùng đất giàu có.
Đánh giá về Chu Nguyên Chương cũng chia làm hai chiều, nhưng dù sao đi nữa cũng không thể phủ nhận rẳng Chu Nguyên Chương là người vĩ đại.
Phàm là những người tài giỏi, vĩ đại sẽ làm ra những chuyện đi ngược với đời, Chu Nguyên Chương cũng đã làm rất nhiều chuyện trái ý trời, bởi vì vi phạm vào nhưng quy tắc cơ bản, cho nên đến cuối thời nhà Minh, Chu Nguyên Chương cũng bị "vả mặt" rất nhiều.
Chu Nguyên Chương vì muốn độc chiếm quyền hành cho nên phế bỏ chức vị Tể tướng, thế nhưng mỉa mai thay, thời nhà Minh lại là triều đại có nhiều quyền thần xuất hiện trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Bởi vì có sự tồn tại của Thủ phụ Nội các, mà đây lại là cơ quan không chính thức cho nên quyền lực của nó cũng không có giới hạn.
Từ việc nhỏ như giúp Hoàng đế viết văn thư, lớn thì quyền hành một tay che trời, quyền lực của Thủ phụ Nội các còn lớn hơn rất nhiều so với chức vị Tể tướng. Nếu Chu Nguyên Chương biết con cháu mình vô năng, làm ra những việc như thế, không biết sẽ có cảm nghĩ gì.
Trở lại với câu chuyện thương nhân bị coi thường dưới triều Minh, dù bị coi thường nhưng cuối thời nhà Minh lại manh nha xuất hiện tư bản chủ nghĩa.
Dùng tiền mua chuộc mọi người
Lấy huyện Thanh Hà là ví dụ, chỉ một kẻ nhỏ bé như Tây Môn Khánh lại dám mặc trên người tơ lụa sa tanh, lưng đeo thắt lưng sừng tê giác, nếu chuyện này xảy ra vào thời Chu Nguyên Chương trị vì chắc chắn sẽ bị xử tội chết.
Thắt lưng sừng tê giác này Tây Môn Khánh mua lại từ Vương Chiêu Tuyên. Ông nội của Vương Chiêu Tuyên là Quận vương Phần Dương, Tiết độ sứ Thái Nguyên.
Nhà họ Vương cũng giống Giả gia trong tác phẩm "Hồng Lâu Mộng" vốn là thế gia giàu có xa hoa, trâm anh thế phiệt nhưng rồi cũng lưu lạc đến bước đường phải bán gia sản trong nhà để mưu sống.
Tại trấn Thanh Hà, quan hệ quyền lực vốn có tuy vẫn còn tồn tại nhưng không phải chủ đạo như khi trước, mà giờ là quan hệ quyền lực trên thị trường kinh tế, dùng tiền bạc để nói chuyện.
Chức quan của Tây Môn Khánh là dùng tiền mua về. Hắn bỏ tiền móc nối quan hệ với Thái thái sư trong kinh thành để được chức quan Phó đề hình.
Tây Môn Khánh lại quen biết với Thái trạng nguyên, tặng lễ vật 100 lượng vàng, sau này khi Thái trạng nguyên trở thành Thái ngự sử, đã hào phóng báo đáp Tây Môn Khánh, không chỉ giúp hắn móc nối con đường bán muối, phút chốc kiếm được hơn 3 vạn lượng bạc mà còn giới thiệu cho Tây Môn Khánh quen biết nhiều quan viên khác.
Trong suy nghĩ của Tây Môn Khánh, không có chuyện gì là không giải quyết được bằng tiền. Đây cũng là tình trạng chung tại trấn Thanh Hà, nơi đây từ Bắc xuống Nam tạo thành một xã hội khác biệt, quyền lực chuyển từ tay các gia tộc truyền thống sang hình thức hợp tác giữa nhưng người xa lạ, mà tiền chính là điều kiện cơ bản cần có để vận hành nó.
Có lần Tây Môn Khánh đã từng nói một cách ngông cuồng, trần trụi thể hiện quan điểm của hắn ta với tiền bạc như sau:
"Trời đất có âm dương, nam nữ cũng tự nhiên mà kết hợp. Kiếp này trộm tình, gian díu là duyên phận từ kiếp trước, được ghi lại trong sổ hôn nhân nên kiếp này quay lại…
Chúng ta từng nghe Phật Tổ Tây thiên cũng chỉ là vàng trải khắp nơi, chôn Âm ti thập điện cũng cần có tiền giấy lót đường.
Chúng ta chỉ dùng tiền của mình làm việc, thì dù có cưỡng bức Hằng Nga, gian díu với Chức Nữ, dụ dỗ Hứa Phi Quỳnh (thị nữ của Tây Vương mẫu) hay trộm con gái của Tây Vương mẫu thì cũng chẳng thể làm giảm đi sự giàu có của chính ta."
Trong suy nghĩ của Tây Môn Khánh, tiền là tất cả, có tiền có thể làm được mọi thứ, cho dù có là Thần, Phật cũng chẳng là gì.
Giống như việc mua quan bán chức chốn nhân gian, cho nên cũng có thể dùng tiền mua chốn Phật Tổ Tây thiên, mua Thập điện Diêm La, cho dù có phạm phải tội tày trời như cưỡng ép Hằng Nga, trộm con gái Tây Vương mẫu thì cũng đều có thể dùng tiền giải quyết.
Thực tế, Tây Môn Khánh nghĩ như vậy và hắn cũng làm đúng như vậy. Hắn không chỉ dùng tiền giải quyết chuyện với người bình thường, mà còn dùng tiền để mua quan chức, có tiền không chỉ mua chuộc được đàn ông, mà còn có thể mua được đàn bà, hay thậm chí là cả thái giám bất nam bất nữ.
Tây Môn Khánh là người luôn chiều theo dục vọng, ham muốn. Trong tiểu thuyết viết rằng hắn từng phát sinh quan hệ với 20 người phụ nữ, song đây cũng chỉ là con số trong tiểu thuyết, vì tiểu thuyết còn bị giới hạn về số lượng chữ, thể loại hay khả năng tiếp nhận của người đọc.
Nhưng nếu thực sự trên đời có một kẻ như Tây Môn Khánh thì con số này còn phải nhiều hơn nữa.
Những người phụ nữ của Tây Môn Khánh đa phần đều là dùng tiền mà có được. Vì muốn gian díu được với Phan Kim Liên, Tây Môn Khánh đã cho Vương bà 10 lượng bạc. Nhìn trúng Tống Huệ Liên, liền cho nha hoàn bạc vụn để cô ta dùng khăn lụa xanh giúp mình thăm dò ý tứ; ưng mắt Vương Lục Nhi thì không chỉ tiêu tiền mà còn mua cho cô cả một căn nhà.
Tây Môn Khánh dùng tiền để có được phụ nữ cũng chẳng phải điều gì thần kỳ. Mà thần kỳ ở chỗ tiền anh ta có được đều đến từ những cuộc hôn nhân béo bở, bằng việc cưới Mạnh Ngọc Lâu và Lý Bình Nhi, Tây Môn Khánh đã sở hữu số tài sản kếch xù, từ đó về sau liền tiền vô không ngớt.
Bằng việc dùng tiền của phụ nữ để lôi kéo phụ nữ, mưu kế, tính toán và bản tính thương nhân của Tây Môn Khánh đều thể hiện rất rõ ràng.
Luật nhân quả cho kẻ dối trá
Có thể trong suy nghĩ của Tây Môn Khánh, tiền bạc có thể giải quyết được mọi chuyện nhưng lại chẳng thể lo được chuyện sống chết. Tây Môn Khánh dù có tài sản kếch xù nhưng cũng chẳng thể ngăn được cái chết của Lý Bình Nhi.
Nhân vật này trước giờ không hề keo kiệt với phụ nữ, hắn ta cũng là thực lòng thích Lý Bình Nhi, dù có bỏ ra bao nhiêu tiền cũng chẳng tiếc, nhưng cuối cùng Lý Bình Nhi vẫn chết.
Sau khi khóc thương xong, Tây Môn Khánh lại vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc sống ăn chơi hưởng lạc như trước, thậm chí mấy ngày trước khi chết còn nhắm mục tiêu lên người vợ của đồng liêu.
Kết cục, Tây Môn Khánh chết vì dục vọng của bản thân, hoặc là nói hắn ta chết trong ảo mộng tiêu tan. Đến cuối cùng Tây Môn Khánh vẫn là tự mình hại chết mình.
Hắn ta mua lượng lớn thuốc xuân dược từ chỗ Hồ Tăng, kết cục chết bởi tiền của chính mình, có mở có kết, có nhân có quả. Tây Môn Khánh vừa chết, thê thiếp của hắn người thì chết, người thì trốn, người đi bước nữa cũng đi bước nữa.
Con rể của hắn là Trần Kính Tế cũng là kẻ chẳng ra gì, còn gian díu với Phan Kim Liên và Xuân Mai. Kết thúc, con trai độc nhất của Tây Môn Khánh là Hiếu Ca (sinh ra sau khi Tây Môn Khánh qua đời) xuất gia đi tu, về sau không rõ tung tích. Gia sản kếch xù của Tây Môn Khánh cũng rơi vào tay kẻ hầu tên Đại An.
Cuộc đời phong lưu vô hạn rồi cũng như hoa rụng về đất, chẳng lưu lại dấu vết gì. "Kim Bình Mai" là một áng văn mang đậm triết lý Phật giáo, mọi thứ đến cuối cùng chỉ giống như ảo mộng, như bọt nước rồi cũng tan biến mà thôi, chỉ tiếc là đến tận phút cuối đời Tây Môn Khánh vẫn chẳng hiểu ra được.
Hoặc có lẽ nên nói Tây Môn Khánh chẳng có thời gian để tỉnh ngộ bởi vì thời gian của hắn đều dùng vào việc trai gái sắc dục cả rồi.