Bà bất cẩn khi pha mỳ tôm khiến cháu gái 23 tháng tuổi bị bỏng nặng

12:00, Thứ hai 28/08/2017

( PHUNUTODAY ) - Do sự bất cẩn của người lớn mà bé gái 23 tháng tuổi bị bỏng nặng 18% cơ thể và phải điều trị tại khoa Hồi sức gần 1 tháng trời.

Trẻ em vốn hiếu động, tò mò, lại chưa ý thức được sự nguy hiểm của tai nạn thương tích. Nhất là những ngày hè, trẻ không phải đến trường, có nhiều thời gian vui chơi, trong khi bố mẹ vẫn bận rộn với công việc nên nguy cơ trẻ bị bỏng rất cao.

Bỏng là một trong những nguyên nhân tai nạn thương tích hàng đầu ở trẻ. Hầu hết trẻ bị bỏng nặng đều xảy ra tại gia đình và do sự bất cẩn của người lớn. Chỉ vì một phút chủ quan không để ý đến trẻ em, người lớn có thể vô tình để xảy ra những bi kịch thương tâm cho trẻ.

Bà Bùi Thị Vân (bà cháu A.) cho biết về nguyên nhân xảy ra sự việc là do hôm đó bà pha mỳ tôm xong rồi chủ quan để ngay ở mép bàn ăn cơm, cháu thì háo hức với tay lên để lấy mỳ ăn và bị đổ xuống người.

Khi đưa đến viện, các bác sĩ nói cháu bị bỏng 18% cơ thể và phải điều trị tại khoa Hồi sức gần 1 tháng trời. Sau đó cháu đã được phẫu thuật ghép da và chuyển về khoa Bỏng trẻ em.

be-gai-23-thang-tuoi-bi-bong-nang-vi-ba-pha-my-tom-de-canh-mep-ban-bong2-1503738521-width640height480

 Đa số trẻ bị bỏng do sự bất cẩn của người lớn.

Chị B. (mẹ cháu A.) kể lại rằng khi đang đi làm thì bà gọi điện thông báo cháu bị bỏng nặng. Chị vội vàng chạy từ cơ quan thẳng vào viện, khi đi đường chị cứ nghĩ cháu nghịch lửa hoặc cho tay vào ổ điện. Không ngờ khi vào viện, cháu vẫn còn dính mỳ tôm trên người, khi đó mới biết cháu bị bỏng là do bát mỳ tôm mới pha.

Sau 2 tháng điều trị tại Khoa Bỏng trẻ em Viện Bỏng Quốc gia, cháu Nguyễn Quỳnh A. (23 tháng tuổi) đã đỡ hơn, có thể vui đùa cùng các bạn trong phòng.

Tại khoa Điều trị bỏng trẻ em (Viện Bỏng Quốc gia), ngoài trường hợp của cháu A., còn rất nhiều trường hợp trẻ bị bỏng xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày.

Trước đó, cộng đồng mạng chia sẻ câu chuyện xót xa về bé Mai Quế Lâm khi bị bỏng toàn thân do lỗi vô ý của nhân viên trong lúc nướng mực bằng cồn. Theo đó, tai họa ập đến bất ngờ trong chuyến đi chơi cùng gia đình ở bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Được biết, khi gia đình đang ăn uống tại một nhà hàng ở ven đường, lúc đó có một nhân viên nướng mực gần đó đã đổ cồn trực tiếp khi lửa đang cháy, thấy ngọn lửa bùng lên, nữ nhân viên này hoảng hốt quăng chai cồn ra xa, trúng vào người con gái.

1_62099

Bé gái 4 tuổi bị bỏng cồn toàn thân. 

Sau khi nhập viện, tình trạng sức khỏe của bé chuyển biến xấu khi diện tích bỏng lan rộng (71%). Ban đầu, các bác sĩ lo lắng không thể chuyển bệnh nhi lên tuyến trên vì mạch quá yếu, chỉ còn cách mời bác sĩ ở Viện Bỏng quốc gia về hội chẩn. Sau khi hội chẩn, bé đã được chuyển về Hà Nội để điều trị.

Ngoài những trường hợp bị bỏng trong sinh hoạt hàng ngày ở gia đình, tại khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) thời gian vừa qua cũng gặp không ít những trường hợp trẻ bị bỏng do vui chơi trong những ngày hè.

Năm nào cũng vậy, cùng với thời điểm học sinh nghỉ hè là bắt đầu gia tăng số trẻ bị bỏng cả trong sinh hoạt và vui chơi, trong đó có không ít trẻ bị bỏng nặng nguy hiểm đến tính mạng. Điển hình như nhiều trường hợp trẻ ở ngoại thành Hà Nội chơi thả diều bị bỏng do cao thế phóng rất nguy kịch. Rất may, trẻ nhập viện và đã các bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Cách phòng tránh và sơ cứu khi trẻ bị bỏng

Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa, bỏng rất nguy hiểm, bởi không chỉ gây đau đớn, trẻ bị bỏng có tỷ lệ tử vong rất cao. Chỉ cần bỏng 3% nhưng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng và dẫn đến tử vong. Bởi vậy, cha mẹ cần chủ động trang bị cho con trẻ những kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có bỏng.

canhbaotrebibongnghiemtrongdosubatcancuanguoilon

Việc sơ cứu ban đầu đúng cách khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong, tránh tình trạng bội nhiễm và biến chứng nguy hiểm. Khi trẻ không may bị bỏng, cha mẹ và người thân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng và thực hiện các bước sau:

- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 - 20 phút. Nước sạch có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước đá, nước mắm, kem đánh răng, giấm… bôi lên vết bỏng.

- Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng, quần áo… trước khi vết bỏng sưng nề. Lưu ý không lộn áo qua đầu vì có thể làm bỏng thêm ở mặt và trợt da trẻ. Có thể dùng kéo cắt hoặc dùng tay xé áo ra.

- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn, không có gạc thì dùng vải sạch.

- Nếu trẻ bị bỏng ngừng thở phải hô hấp nhân tạo, ngừng tim phải bóp tim ngoài lồng ngực. Nếu trẻ tỉnh, kêu la thì người lớn cần an ủi, động viên để trẻ bớt hoảng sợ, có thể cho trẻ uống nước, uống thuốc giảm đau rồi đặt trẻ ở tư thế nằm.

- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau quá trình sơ cứu cần khẩn trương chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Vũ Hồng Loan