Con cắn cụt móng tay, tróc cả da mà không thấy đau
Vấn đề trẻ bị tự kỷ hoặc mắc các chứng bệnh về tâm lý không còn là chuyện hiếm trong xã hội bây giờ. Những đứa trẻ bị cha mẹ đặt lên quá nhiều kỳ vọng khiến chúng thấy cuộc sống đầy áp lực. Và khi quá mệt mỏi, nhiều trẻ đã rơi vào tình trạng trầm cảm hoặc nặng hơn là mắc chứng tự kỷ.
Mới đây, chia sẻ trên trang FB cá nhân của mình, chị Đặng Thúy Nga (Hà Nội) cho biết, con trai mình thường xuyên cắn cụt móng tay và không hề thấy đau. Khi đưa con đi khám, chị đã vô cùng ân hận khi nghe bác sĩ chẩn đoán con mình bị sốc tâm lý (biểu hiện của chứng tự kỷ) mà nguyên nhân là do chính cách dạy con của mình.
Chị chia sẻ:
"Sáng đưa con đi khám. Lòng hối hận vô cùng, cả mệt mỏi nữa. Giờ chắc có khóc thì cũng chả giải quyết được gì, vì tất cả là lỗi do cha mẹ quá đặt nhiều kỳ vọng và áp lực lên con cái.
Tự nhiên thấy sợ chính mình và cách mình dạy con. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị tự kỉ sốc tâm lý do bố mẹ hay quát mắng, bắt học quá sớm và chứng sợ đám đông, sợ khoảng trống dẫn đến việc cắn cụt móng tay mà không hề biết đau.
Giờ không biết nên làm gì nữa, thật sự mệt mỏi!..."
Thương con, chị Nga thường xuyên thúc ép con mình mọi cách để bằng bạn bằng bè. Chị tâm sự, mỗi sáng gọi con dậy đi học mình toàn cầm roi gõ xuống nền nhà khiến con giật mình tỉnh dậy. Khi dạy con học, nếu con chậm hiểu mình cũng hay quát mắng, dọa đánh...
Hãy để trẻ học một cách hứng thú
Ngay sau khi chia sẻ, bài viết của chị Nga nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Dạy con đúng cách là vấn đề không còn mới nhưng không phải gia đình nào cũng làm được.
Những áp lực về điểm số, sợ con mình kém con nhà người ta, sợ con mình không vào được trường chuyên lớp chọn khiến nhiều bậc phụ huynh thúc ép con học một cách quá đà. Chẳng biết con có giỏi hơn được hay không, nhưng trường hợp cháu bé nhà chị Nga chính là một điển hình cho việc ép con học dẫn tới phản tác dụng.
Hiện nay, học hành quá áp lực khiến nhiều trẻ em không có được cuộc sống bình thường. Cha mẹ nào cũng muốn con mình học giỏi, thông minh nên đặt cho bé mục tiêu học tập quá cao, bắt trẻ học nhiều, khi trẻ không đạt được kết quả tốt, bị điểm kém thì cha mẹ tỏ thái độ không hài lòng, tức giận, có khi phạt trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ còn chịu áp lực ở trong trường học. Ví dụ như các bài kiểm tra về những môn học trẻ không thích hay các vấn đề không phải sở trường cũng khiến việc học trở nên căng thẳng và dễ gặp thất bại.
Trầm cảm hay tự kỉ sẽ khiến trẻ hay khóc, rối loạn trong giấc ngủ, giật mình nhiều lần, chậm phát triển về nhận thức và hoạt động khiến sự tập trung chú ý và trí nhớ của trẻ kém, và điều này lại càng khiến trẻ chịu áp lực học tập lớn hơn. Ngoài ra, trẻ bị cầm cảm còn dễ cáu gắt, hay có một số hành động vô thức như chị Thúy Nga chia sẻ về trường hợp cậu con trai lớn của mình.
Áp lực học tập vốn xuất phát từ ý định tốt của cha mẹ là muốn con cái giỏi giang, nhưng họ thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi guồng xoáy áp lực học hành của xã hội. Do vậy, các bậc làm cha, làm mẹ cần có nhận thức đúng đắn để tạo cho con mình tinh thần thoải mái, hứng thú với việc học. Có như vậy mới đạt được kết quả mong muốn và tránh được những hậu quả đáng tiếc.