- Ban tổ chức cuộc thi nhận đơn xin trả vương miện của Hoa hậu Triệu Thị Hà lúc nào?
- Trong lúc cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013 chuẩn bị diễn ra, tôi nhận được thư xin trả lại danh hiệu của Hoa hậu Dân tộc 2011 Triệu Thị Hà. Thư của cô ấy được viết ngày 26/4/2013, gửi tới Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo và công ty Ciat - đơn vị tổ chức cuộc thi.
Mỗi thí sinh tham dự đều phải thực hiện đúng quy chế của cuộc thi, cùng Quy chế tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong quy chế, đề án cuộc thi ghi rõ: "... Nếu đoạt giải, các danh vị Hoa hậu, Á hậu phải ưu tiên tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện theo chương trình của Đơn vị tổ chức và Nhà tài trợ chính trong suốt nhiệm kỳ". Bản thân Triệu Thị Hà, sau đêm đăng quang cũng ký biên bản thỏa thuận thực hiện sứ mệnh của một Hoa hậu trong thời kỳ đương nhiệm với thời gian 2 năm, từ ngày 10/12/2011 đến ngày 10/12/2013. Chính vì thế, khi nhận lá đơn, tôi vô cùng buồn và thất vọng.
Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 Triệu Thị Hà (giữa) bên Trưởng ban tổ chức cuộc thi - bà Đoàn Kim Hồng (phải) trong khoảnh khắc đăng quang vào năm 2011. Sáng nay, ngày 22/5, Hoa hậu Triệu Thị Hà đã bay ra Hà Nội để có cuộc gặp gỡ, trình bày với Cục Nghệ thuật Biểu diễn về vụ việc.
- Hoa hậu Triệu Thị Hà chia sẻ, cô ấy phải viết đơn xin trả lại danh hiệu và vương miện do không chịu nổi sức ép, áp lực khi đồng hành với quá nhiều hoạt động cùng ban tổ chức như vận động tài trợ, vận động từ thiện... Chị nói gì về điều này?
- Kể từ sau khi đăng quang cuộc thi, Triệu Thị Hà vì chuyện tình cảm yêu đương riêng tư mà bỏ bê trách nhiệm của một người đẹp giữ vương miện. Cô ấy không tuân thủ các điều kiện cam kết với ban tổ chức, ít tham gia vào các hoạt động thì làm gì có chuyện hoạt động quá sức.
Sau cuộc thi, ban tổ chức thực hiện nhiều chuyến từ thiện, hoạt động cộng đồng cho top 15, trong đó chắc chắn phải có sự tham gia của Triệu Thị Hà. Tuy nhiên, phía Triệu Thị Hà liên tục lảng tránh, không trả lời các email, điện thoại của đơn vị tổ chức, ban tổ chức cuộc thi. Chúng tôi nhiều lần nhắc nhở, nhiều lần liên lạc với gia đình và trường học thì mới được biết Hà không còn ở quê nhà đã lâu và không còn học tại Đại học Thái Nguyên.
Sau nhiều lần liên lạc bằng điện thoại, email mà vẫn không nhận được hồi âm của Triệu Thị Hà, công ty Ciat có văn bản gửi đến Cục An ninh chính trị nội bộ A83 - Bộ Công an để được hỗ trợ thông tin về sự "biến mất" của Hoa hậu. Lúc đó, chúng tôi mới được biết Hà đang sinh sống tại TP HCM. Đến lúc này, vào ngày 15/3/2013, tức là 11 tháng sau khi ban tổ chức không làm cách nào liên lạc được với Hoa hậu của mình, cô ấy đã đến làm việc với công ty Ciat để tường trình về sự vắng mặt suốt thời gian từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2013.
Trong bản tường trình có kèm chữ ký của Triệu Thị Hà gửi cho ban tổ chức, có đoạn cô ấy viết: "... Vì thời điểm đó tôi có hoàn cảnh cá nhân riêng và không còn lưu trú thường xuyên tại địa phương, việc làm này của tôi đã một phần làm ảnh hưởng tới những hoạt động của công ty. Nay bằng văn bản này, kính mong Ban lãnh đạo cho tôi thành thật xin lỗi, thời gian qua, tôi tự nhận thấy chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm như đã cam kết. Được biết, cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần ba tổ chức vào tháng 6/2013 tại Hội An, Quảng Nam. Là một đương kim Hoa hậu tôi xin cam kết chấp hành kế hoạch của ban tổ chức đề ra". Chúng tôi đã tạo rất nhiều điều kiện để cô ấy nhận thức được sai sót. Bên cạnh nhắc nhở, chúng tôi hy vọng cô ấy sẽ thay đổi và có thiện chí hơn trong các hoạt động với danh hiệu là một hoa hậu.
Tuy nhiên, sau đó, Triệu Thị Hà vẫn không thực hiện được như lời hứa. Ngoài ra cô còn có quan hệ tình cảm yêu đương với cháu ruột của tôi là ca sĩ Reno Bình. Vào tháng 6/2012, gia đình tôi có mời Triệu Thị Hà vào TP HCM dự sinh nhật tôi. Chúng tôi để cô lưu lại nhà mình nhưng ngay trong đêm đầu tiên, cô bỏ ra khách sạn với cháu tôi đến rạng sáng hôm sau làm cả nhà lo lắng. Lúc đó gia đình tôi mới biết sự thật cô ấy yêu cháu ruột của mình. Khi bị nhắc nhở, Hà có viết tay một bản tường trình gửi cho tôi, có đoạn: "... Em và anh Bình gặp nhau để nói chuyện chấm dứt mối quan hệ tình cảm yêu đương, lý do là em biết anh Bình có người yêu rồi, em muốn chấm dứt chuyện tình cảm để tập trung vào việc học. Em thành thật xin lỗi cô và ban tổ chức. Em hứa để không xảy ra chuyện này nữa. Nếu xảy ra chuyện tương tự như vậy, em sẽ tự rút lui danh hiệu của mình và chịu trách nhiệm với ban tổ chức...".
Trở lại năm 2013, khi bị nhắc nhở vì chưa tích cực đồng hành với cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lúc đó, cô ấy đã tự làm đơn xin trả lại vương miện. Chuyện cô ấy bảo tôi gây áp lực cũng như đặt cô ấy vào thế phải viết đơn là hoàn toàn không đúng.
Hoa hậu Quý bà Đoàn Kim Hồng
Lúc đó, ban tổ chức xử lý lá đơn của Triệu Thị Hà như thế nào?
- Sự việc trùng với thời gian diễn ra cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013. Vì muốn giữ hình ảnh, uy tín và tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh tham dự, ban tổ chức, ban chỉ đạo cuộc thi quyết định lùi thời hạn xử lý vụ việc đến khi cuộc thi kết thúc.
Sau khi cuộc thi năm 2013 kết thúc, ngày 18/4/2013, công ty Ciat có văn bản báo cáo đến lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức cuộc thi về trường hợp của Triệu Thị Hà.
- Chị chờ đợi gì vào sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng?
- Nghị định 79 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu... không có bất kỳ quy định, hướng dẫn cụ thể nào về trình tự, thủ tục tước danh hiệu của thí sinh đã đoạt giải tại một cuộc thi người đẹp. Dù chúng tôi được luật sư tư vấn rằng đơn vị tổ chức có trách nhiệm xử lý những sự cố sau cuộc thi theo như đề án tổ chức cuộc thi do Bộ đã duyệt, chúng tôi vẫn rất mong nhận được văn bản hướng dẫn cách xử lý trường hợp của Triệu Thị Hà.
Nhưng, hiện nay, Ciat vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Chúng tôi tiếp tục chờ đợi.
- Triệu Thị Hà khẳng định, ban tổ chức cuộc thi chưa có những động thái tích cực để tạo ra các hoạt động quảng bá cho hình ảnh hoa hậu, khiến cho cô ấy không có nguồn thu nhập ổn định trong cuộc sống. Chị nói gì về điều này?
- Tôi luôn quan niệm rằng, Hoa hậu không phải là một nghề để kiếm sống, mang lại thu nhập cao như cách nghĩ của nhiều cô gái trẻ hiện nay. Đó là một danh hiệu hướng con người ta đến chân, thiện, mỹ, tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, từ thiện xã hội để giúp ích cho cuộc đời. Khi bạn làm gì cũng vậy, nếu cống hiến hết sức sẽ được đền đáp xứng đáng. Trong trường hợp Triệu Thị Hà, cô ấy từ chối tham gia hoạt động và cũng chưa có hoạt động gì quá sức so với nỗ lực của rất nhiều người đẹp, hoa hậu khác.
Từ khoảng 2.000 thí sinh của cuộc thi, phải trải qua rất nhiều vòng vất vả, với cả một chương trình thi hoa hậu được đầu tư như thế, khi chọn ra được Triệu Thị Hà nắm giữ vương miện, tôi từng xem cô ấy như "đứa con tinh thần" của cuộc thi do mình gầy dựng nên. Nhưng trước gì những mà cô ấy thể hiện, đến nay, việc tước hay không tước danh hiệu hoa hậu của Triệu Thị Hà không còn là một vấn đề quan trọng đối với tôi nữa. Điều quan trọng nhất với tôi hiện giờ là tôi đau lòng khi cuộc thi chọn ra một hoa hậu đẹp về ngoại hình nhưng chưa hoàn thiện về đạo đức, nhân cách và không xứng đáng với vương miện Hoa hậu các Dân tộc.
Ở vai trò trưởng ban tổ chức và người sáng lập cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, tôi chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Đồng thời, Triệu Thị Hà cũng phải chịu trách nhiệm trước những phát ngôn không đúng sự thật của cô ấy về cuộc thi. Cô ấy đã qua tuổi 18 từ lâu. Không ai có thể gây sức ép hoặc áp lực để cô ấy làm điều cô ấy không muốn.