Bà ngoại kế - người mẹ kính yêu suốt đời tôi!

06:07, Thứ tư 18/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Con biết, mình là một người may mắn. Ngoại không sinh ra mẹ con. Trong mắt người đời, ngoại là “mẹ ghẻ” của mẹ con. Nhưng nếu thế gian có những người “mẹ ghẻ” như Ngoại thì đâu đâu cũng tràn ngập niềm hạnh phúc.

Những lúc rảnh rỗi ở nơi công trình thủy điện, tôi lại nhớ ngoại xiết bao. Không có ngoại, cuộc đời tôi sẽ ra sao nhỉ? Tôi có được nuôi dạy khôn lớn, được đi học bằng anh em, chúng bạn? Tôi có được lớn lên trong vòng tay yêu thương, sự chở che vĩ đại, ấm áp như thế? “Mẹ ơi!” Đã rất nhiều lần ở nơi xa, tôi cất tiếng gọi ngoại bằng hai từ “Mẹ ơi” như thế. Ngoại chỉ là mẹ kế của mẹ tôi, nhưng với tôi, ngoại thực sự là một người mẹ tuyệt vời.
[links()]
Thời xuân sắc của Ngoại

Ngoại tôi vốn sinh năm 1934, tại xã Quảng Phú Cầu huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây cũ. Ai ai cũng nói ngày còn trẻ, Ngoại là cô gái xinh đẹp, chịu thương, chịu khó.

Thi thoảng, Ngoại vẫn kể cho tôi nghe chuyện tham gia lớp bình dân học vụ ra sao, chuyện tham gia phong trào giao liên, dân công mở đường vận tải phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ như thế nào. Trong hình dung của tôi, tuổi trẻ của Ngoại thật sôi nổi, vui vẻ và có ý nghĩa.

Lúc bấy giờ, ông Ngoại đang đóng quân tại miền Tây Bắc, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có vợ. Giữa năm 1953 thì bà ngoại ruột của tôi bị vi trùng uốn ván qua đời, để lại người con gái nhỏ chưa đầy một năm tuổi là mẹ tôi.

Bố đi chiến đấu nơi xa, mẹ mất, ông bà già cả, không có ai chăm sóc mẹ. Họ hàng của mẹ bèn tìm cho mẹ một người kế mẫu. Khi đó, ngoại kế tôi là cô gái có nhan sắc nên biết bao chàng trai theo đuổi, muốn được kết nghĩa vợ chồng.

Con luôn cầu mong ngoại
Trần Đại Nghĩa: Con luôn cầu mong ngoại "bách niên, giai lão" để con được phụng dưỡng ngoại. Đối với con, đó là niềm hạnh phúc không gì so sánh được, Ngoại ơi!

Nhiều người theo đuổi nhưng ngoại lại nhận lời mai mối của họ hàng, về làm vợ hai của người lính Điện Biên là ông ngoại. Kết hôn được ít ngày thì ông tôi lên đường ra mặt trận.

Vậy là ở nhà, chỉ còn ngoại và mẹ tôi - một người con nhỏ khát sữa. Gia đình khi đó lại đông người với bố mẹ và ông bà chồng, mọi việc nhà dồn cả vào vai cô dâu mới.

Họ hàng ở quê vẫn khen ngoại là người nhân hậu, hiểu biết. Một cô gái có nhan sắc lấy chồng, chịu cảnh nuôi con chồng khi chồng đi công tác xa, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi mà chưa thấy chồng mình trở về.

Thêm vào đó lại có tin ông đã kịp lấy một cô gái người Thái nơi miền núi Tây Bắc, sẽ không quay về nữa. Tin tới tai, ngoại không khỏi bán tín, bán nghi, nhưng không vì nghi ngờ, vì tin truyền miệng mà ngoại dằn hắt, bỏ bê con riêng cùng cô em gái tâm thần của chồng.

Bây giờ, mỗi khi nhìn bà Mùi - tên người em gái của ông ngoại và nghĩ về chính mình, tôi lại thấy mình hạnh phúc xiết bao. Hạnh phúc vì cuộc đời đã mang đến cho tôi một người bà nhân hậu như ngoại.

Năm 1963, ông bà chuyển lên Hòa Bình công tác. Sau đó, hai ông bà sinh thêm 6 cậu và dì. Nhà đông người, trong khi hai ông bà chỉ có đồng lương công nhân nên cuộc sống bấy giờ hết sức khó khăn.

Dù vậy, ngoại chưa bao giờ thôi dành tình thương yêu cho mẹ tôi - người con riêng của chồng sớm mồ côi mẹ. Phải rất lâu sau này, qua các câu chuyện kể của họ hàng, làng xóm, tôi mới biết mẹ mình không phải do ngoại sinh ra.

Điều này không khiến tôi tủi thân mà trái lại, tôi biết ơn Ngoại lắm lắm. Ngoại đã cho mẹ tôi tình yêu vĩ đại của một người Mẹ hết lòng vì con. Cho tôi tình yêu cao cả của một người bà ít ai có thể sánh kịp.

Ước mong bình dị của ngoại

Năm 1963, cả nhà chuyển về Hòa Bình sinh sống, lạ nước, lạ cái, cuộc sống bấp bênh nên bà Mùi ở lại quê cùng ông bà cũng là em ông ngoại. Nhưng ngay khi ổn định cuộc sống ở vùng đất mới, ngoại lại đau đáu suy nghĩ, trăn trở. Ngoại thương bà Mùi.

Trần Đại Nghĩa: Con biết, mình là một người may mắn. Trong mắt người đời, ngoại là “mẹ ghẻ” của mẹ con. Nhưng nếu thế gian có những người “mẹ ghẻ” như Ngoại thì đâu đâu cũng tràn ngập niềm hạnh phúc.
Trần Đại Nghĩa: Con biết, mình là một người may mắn. Trong mắt người đời, ngoại là “mẹ ghẻ” của mẹ con. Nhưng nếu thế gian có những người “mẹ ghẻ” như Ngoại thì đâu đâu cũng tràn ngập niềm hạnh phúc.

Ở quê, công việc đồng áng bận rộn, sẽ không có người để mắt chăm sóc, trông chừng bà Mùi vì tâm tính bà không bình thường. Nghĩ thương em chồng, bà bàn với ông đón bà Mùi lên Hòa Bình. Một tay bà vừa đi làm, vừa nuôi đàn con, vừa chăm sóc em chồng tâm thần.

Ngoại chưa bao giờ phân biệt đối xử với người em chồng thiệt thòi hay với con gái riêng của chồng là mẹ tôi dù kinh tế gia đình còn khó khăn, mọi chi tiêu đều phải tằn tiện, eo hẹp. Cùng chồng nuôi con, ngoại làm lụng chăm chỉ cả cuộc đời.

Đến tuổi nghỉ hưu, ngoại lại đi khắp đường dài, ngõ hẹp ở Hòa Bình để thu mua lông gà, chai lọ bỏ không đặng kiếm thêm đồng ra, đồng vào.

Đôi vai, đôi chân và đôi tay ngoại chưa bao giờ ngưng nghỉ. Trái tim đầy tình yêu thương bao la của Ngoại chưa bao giờ chối bỏ tình cảm với đàn con, dù đó không phải đứa con mình mang nặng, đẻ đau.
Năm 1988, tôi chào đời.

Một năm sau khi tôi sinh ra, ông ngoại cũng lâm bệnh rồi qua đời, để cho bà gánh nặng gia đình với đàn con nhỏ và người em chồng dở tính, dở nết. Bao khó khăn vất vả chồng chất lên ngoại.

Trong cùng hai năm đó, bố và mẹ lần lượt qua đời, bỏ tôi côi cút khi chưa đầy hai năm tuổi. Tôi biết, sẽ không có một tôi như bây giờ nếu vòng tay, trái tim yêu thương của ngoại không rộng mở.

Bằng tình yêu thương vô bờ bến, ngoại đã thay mẹ chăm sóc, nâng đỡ cho tôi từ miếng ăn, giấc ngủ. Bàn tay bà đón bước chân chập chững đầu đời của tôi.

Nuôi một lúc 6 người con đang tuổi ăn, tuổi học cùng em chồng tâm thần và cháu chồng mồ côi, ngoại đã vượt qua, chiến thắng khó khăn, vất vả bằng tình yêu và sức mạnh diệu kì. Hơn hai mươi năm sống với bà, tôi chưa từng bị bà la mắng.

Các cậu, các dì trưởng thành, đã xây dựng gia đình. Ai cũng muốn đón bà về ở, đặng bù đắp cho bà quãng thời gian vất vả, khó khăn. Nhưng bà không về sống cùng cậu hay dì. Bà ở trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ cùng tôi và bà Mùi.

Tôi biết, năm mẹ và bố tôi mát, cơ quan hội phụ nữ đã đến nhà, tư vấn giúp đỡ nếu ngoại không nuôi được, họ sẽ giúp ngoại hoàn tất thủ tục, cho tôi được vào trung tâm bảo trợ xã hội nhưng ngoại đã khước từ.

Khó khăn cách nào, ngoại cũng chăm sóc, nuôi tôi khôn lớn. Tôi vào lớp một, lên cấp hai, học hết cấp ba rồi vào đại học. Đi cùng tôi những năm tháng ấu thơ là tình yêu của ngoại, sự chung sức của các cậu, các dì.

Cả cuộc đời, ngoại chưa từng có mong ước gì cho riêng mình. Khi tôi còn bé, ngoại chỉ mong ông Trời cho mình sức khỏe để chăm sóc bà Mùi, nuôi tôi vào đại học để tôi không thua thiệt chúng bạn. Rồi tôi vào đại học, tốt nghiệp, có bằng cử nhân, đã có việc làm, ngoại lại mong có thể sống tới ngày dựng vợ cho tôi.

Cho con được nói lên lời lòng yêu kính với ngoại!

Năm nay, ngoại đã bảy mươi tám tuổi, đã ở vào tuổi rảnh rang, thảnh thơi vui vầy bên con cháu. Nhưng ngày ngày, ngoại vẫn cơm nước, giặt giũ, chăm sóc bà Mùi. Hình ảnh ngoại mái tóc bạc phơ, gương mặt phúc hậu lụi cụi làm việc nhà luôn thường trực ở trong tâm trí.

Với tôi, ngoại là người bà, người mẹ hết mực kính yêu. Đi làm xa, tôi thèm được về thăm ngoại biết bao nhiêu. Nghe ngoại thủ thỉ hỏi han mọi chuyện, từ việc ăn uống, nghỉ ngơi, tới việc quan hệ, giao tiếp với anh em, bạn bè đồng nghiệp.

Rồi thế nào cuối câu chuyện, ngoại cũng sẽ dặn dò: Đi làm, có việc rồi, từ từ rồi tính chuyện vợ con. Khi con có gia đình, ngoại có nhắm mắt, xuôi tay cũng sẽ yên lòng. Ngoại - Mẹ ơi! Tôi đã thì thầm gọi ngoại như thế. Tình yêu thương của ngoại đã giúp tôi tự tin hơn, vượt qua mặc cảm côi cút, đơn độc trong cuộc đời.

Ngoại biết không, tháng 10 năm 2011 là ngày tốt nghiệp Đại học Thủy lợi, con đã vui mừng xiết bao. Con đã có chìa khóa để mở ra cánh cửa phía trước. Khi đó, cảm xúc trong con nhiều nhất vẫn là suy nghĩ con đã có thể ra trường, sẽ có việc làm.

Dù thật nhỏ nhoi, dù không thể đền đáp một phần công lao dưỡng dục của ngoại nhưng con vui vì mình sẽ sớm có điều kiện phụng dưỡng ngoại.

Được vào làm việc tại Công ty Sông Đà 5, mong ước của con dã dần thành hiện thực. Nhận việc, đi công tác tại Thủy điện Lai Châu xa xôi, con không lo vất vả, chỉ lo xa bà khi bà đã có tuổi. Nhưng con biết, con đi xa, bà thương nhớ nhưng sẽ yên lòng lắm lắm.

Vì đứa bé trai côi cút ngày xưa nhờ bà mà rắn rỏi, trưởng thành. Con không sợ khó khăn, vì con biết khó khăn ngoại đã trải qua nhiều như thế nào. Con không sợ nỗi niềm cô đơn, thiếu thốn tình cảm vì trái tim con đã được sưởi ấm bởi tình yêu vô bờ bến của ngoại.

Con biết, mình thật là một người may mắn. Ngoại không sinh ra mẹ con. Trong mắt người đời, ngoại là “mẹ ghẻ” của mẹ con. Nhưng nếu thế gian có những người “mẹ ghẻ” như Ngoại thì đâu đâu cũng chỉ tràn ngập tiếng cười, tình yêu thương và niềm hạnh phúc.

Con luôn cầu mong ngoại "bách niên, giai lão" để con được phụng dưỡng ngoại. Đối với con, đó là niềm hạnh phúc không gì so sánh được, Ngoại ơi!

  • Trần Đại Nghĩa
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc