Bạn đã biết dạy con cách đọc sách?
Làm thế nào để có thể dạy con đọc sách một cách đúng nhất, làm thế nào để giúp con nâng cao văn hóa đọc của mình, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nào!
Bạn đã biết dạy con cách đọc sách?
1. Có bao nhiêu quyển sách trong phòng con bạn?
a. Ít hơn số giày trong tủ quần áo của tôi.
b. Không cuốn nào cả. Sách được để trong giá ở phòng đọc của gia đình.
c. Gần bằng số sách thiếu nhi trong phòng đọc của gia đình.
Đáp án c đúng:
Bạn nên để nhiều loại sách trong tầm tay con để bất cứ khi nào thích, chúng có thể đọc ngay.
Bố mẹ hãy để sách trong phòng bé, cùng với các đồ chơi để con cảm thấy việc đọc như một trò chơi thú vị.
2. Bạn thường làm gì khi các con có thời gian rảnh?
a. Cùng đọc một lúc, sau đó để con đọc hay xem qua các cuốn sách một mình.
b. Khuyến khích con chơi một mình vì bạn muốn có thời gian cho chính mình.
c. Đề nghị con xem băng đĩa.
Đáp án a đúng:
Bạn có thể gặp khó khăn khi tách đám nhỏ khỏi các chương trình TV nhưng nên cố gắng ít nhất dành vài buổi tối cho việc đọc sách.
Cùng đọc với con là một cách hay để chia sẻ những kinh nghiệm thú vị và giới thiệu với con những điều quan trọng trong cuốn sách đó.
3. Bạn thường đọc sách khi nào?
a. Sau khi các con ngủ, đó là thời gian yên tĩnh duy nhất tôi có trong ngày.
b. Tôi không có thời gian để đọc sách.
c. Trước mặt các con, bất cứ khi nào có thể.
Đáp án c đúng:
Trẻ con luôn muốn được giống bố mẹ. Nếu bạn đọc trước mặt con và để những cuốn truyện đó ở trong nhà, chúng cũng sẽ muốn đọc.
4. Lần cuối cùng bạn đưa lũ trẻ đến thư viện là khi nào?
a. Lâu lắm rồi tôi không nhớ nữa.
b. Tuần trước.
c. Vào lúc nào đó khoảng 3 tháng trước.
Đáp án b đúng:
Thường xuyên đến thư viện bất cứ khi nào con bạn muốn là cách hay để tìm những cuốn sách mới, gặp gỡ các tác giả và... đỡ tốn tiền.
Bạn có thể làm cho con một chiếc thẻ thư viện để trẻ tự đến đó một cách đều đặn.
5. Nếu con bạn chỉ muốn đọc truyện cười, bạn sẽ làm gì?
a. Nói không và khuyến khích con đọc những cuốn "chất lượng" khác thay vào đó.
b. Nói "hay lắm" và mua nhiều sách thuộc thể loại này.
c. Cho phép một vài cuốn mỗi tuần miễn là con đọc cả những sách khác nữa.
Đáp án c đúng:
Việc bạn nên làm là khiến việc đọc sách trở nên thú vị để dạy bạn thích sách.
6. Bạn làm gì khi con phàn nàn vì cuốn sách "khó nhằn"?
a. Nói rằng "ừ, thế thì thôi" và đặt lại nó lên giá sách.
b. Đọc nhanh cuốn sách đó cho con, lướt qua nội dung và những từ khó, sau đó chuyển sang quyển dễ hơn.
c. Cùng đọc cuốn sách với con, giải thích những từ khó và thảo luận về câu chuyện trong sách.
Đáp án c đúng:
Bạn có thể khuyến khích con đọc bất kỳ cuốn sách nào thú vị thậm chí có vẻ khó hiểu.
Bạn nên thường xuyên đọc những cuốn sách khó này cho trẻ bởi đó là cơ hội để giới thiệu từ mới và thảo luận về câu chuyện giúp bé hiểu thấu đáo vấn đề.
7. Nếu con bạn muốn nghe đi nghe lại nội dung một cuốn sách, bạn làm gì:
a. Giả vờ đã làm mất sách.
b. Đọc nó thường xuyên khi con bạn muốn nghe nhưng đề nghị đọc cả cuốn khác.
c. Nói với con rằng bạn chỉ đọc cuốn sách một lần một tuần.
Đáp án b đúng:
Trẻ con thích nghe đi nghe lại một câu chuyện. Sự nhắc lại này giúp trẻ ghi nhớ lâu và đó cũng chính là phần quan trọng trong việc đọc.
Hãy khuyến khích các con đặt phần kết thúc khác cho câu chuyện hay kể lại nguyên vẹn một đoạn bé nhớ được.
8. Nếu con bạn không thích đọc, bạn làm gì?
a. Yêu cầu phải đọc ít nhất 30 phút mỗi tối.
b. Đưa con đến thư viện và hiệu sách để tìm những cuốn thu hút sự chú ý của con.
c. Kệ nó.
d. Tôi chưa gặp vấn đề này bao giờ, con tôi rất thích đọc.
Đáp án b đúng:
Con bạn có thể tránh xa sách bởi vì nó chưa tìm thấy điều gì thú vị từ đó. Bạn hãy chỉ cho con biết việc đọc có thể mang đến những thông tin về bất kỳ điều gì nó quan tâm, từ khủng long, ô tô, siêu nhân, diễn viên điện ảnh đến những câu chuyện kỳ bí.
Ngoài ra, nếu con không thích đọc sách, bạn hãy quan tâm xem liệu bé có vấn đề về thị lực hay không.
9. Mô tả nào sau đây đúng nhất về quyển sách yêu thích của con bạn?
a. Nó cũ rất nhanh vì tối nào hai mẹ con cũng giở ra đọc.
b. Tôi không biết. Con tôi đọc hầu hết ở trường chứ không ở nhà.
c. Đó là cuốn sách ở thư viện. Tôi không muốn con đọc đi đọc lại một cuốn sách ở nhà.
Đáp án a đúng:
Sự ghi nhớ là phần rất quan trọng trong việc đọc của trẻ. Bạn nên tiếp tục đọc những cuốn sách yêu thích cũ cùng con cho đến khi chính nó không còn muốn nữa.
10. Bạn thường đọc sách với con như thế nào?
a. Một cuốn một tuần hoặc ít hơn.
b. Bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào con muốn.
c. Một giờ mỗi đêm, dù con có muốn hay không.
Đáp án b đúng:
Việc đọc nên là một phần trong cuộc sống thường ngày. Bạn có thể tạo thói quen cùng đọc trong phòng con một hay hai cuốn trước khi đi ngủ hay ngay sau bữa tối.
Tuy nhiên, bạn đừng ép buộc con đọc nếu nó không thoải mái. Hãy để đọc sách với trẻ là một niềm vui chứ không phải như việc nhà hay một bổn phận phải làm.
4 bí quyết giúp con có thể đọc – nói lưu loát
Hãy lấy những ví dụ để con chú ý hơn
Những ngày đầu tập học, việc giúp con nhớ được "mặt chữ" là rất quan trọng. Bởi nếu bạn chỉ chú tâm vào việc để con đọc theo mình thì trẻ chỉ nhắc lại như một con vẹt và sẽ quên ngay sau đó.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những tấm card nhỏ đầy màu sắc sặc sỡ in hình chữ cái, kèm theo hình ảnh minh họa có tên bắt đầu bằng chữ cái đó. Như vậy trẻ sẽ hứng thú hơn và não bộ dễ dàng in đậm hình ảnh chữ cái đó vào não bộ.
Các mẹ đừng quá ép con phải phát âm chuẩn
Khi mới học đọc, lẽ dĩ nhiên trẻ không thể phát âm chuẩn như người lớn mong muốn. Đừng quá chú trọng điều này mà cố ép con cho bằng được, bởi điều này sẽ khiến trẻ nhanh nản lòng và chán ghét việc học. Hãy coi việc phát âm chuẩn sẽ là bước tiến mới trong quá trình học tập chứ không phải mục đích cuối cùng.
Bạn cứ yên tâm rằng quá trình giao tiếp hàng ngày con bạn sẽ sửa chữa được và dần hoàn thiện khả năng phát âm của mình.
Cho trẻ tập làm quen với chữ cái viết thường trước
Khi dạy bé đọc chữ mẹ hãy ưu tiên dạy chữ viết thường trước khi chuyển sang chữ viết hoa. Bởi chữ viết thường mới là chủ đạo trong tất cả các loại văn bản, sách báo.
Khi bé đã thông thạo các chữ viết thường, mẹ hãy chuyển sang chữ viết hoa và nhớ giải thích cặn kẽ để con hiểu rằng một chữ cái có thể có nhiều cách viết khác nhau nhé.
Đừng quên đọc sách cho con nghe hàng ngày
Việc đọc sách cho bé nghe hàng ngày không có tác động trực tiếp giúp con biết đọc. Tuy nhiên, nó lại rất tốt cho sự phát triển của não bộ. Đồng thời, nó còn xây dựng trong con niềm yêu thích và hứng thú với sách và chữ cái.
Các mẹ hãy tạo lập thói quen đọc sách từ nhỏ cho bé, như vậy khi lớn lên con sẽ học tập rất tốt đấy. Dù bận rộn nhưng hãy cố gắng dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để đọc sách cho con nghe. Cha mẹ có thể đọc đa dạng các loại sách từ truyện thiếu nhi đến tạp chí, sách dạy nấu ăn, sách khoa học đời sống...