Ban kinh tế Trung ương biên chế 120 cán bộ

07:17, Thứ tư 24/07/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) Ban Kinh tế nêu sẽ tập trung nghiên cứu đề xuất, thẩm định và giám sát nhiều vấn đề, trong đó có đề án tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nướchellip;

Được thành lập từ cuối năm 2012, đến nay, Ban kinh tế Trung ương đã biên chế được 1 nửa số cán bộ cần có và đang xem xét thi tuyển thêm cán bộ.


Trả lời báo Tuổi trẻ,  ông Lê Hồng Anh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, Ban Tổ chức trung ương đã thống nhất Ban Kinh tế trung ương sẽ có biên chế 120 người. Hiện tại Ban Kinh tế mới đạt được hơn một nửa con số này, ông Lê Hồng Anh yêu cầu Ban Kinh tế sớm hoàn thiện bộ máy, xem xét hồ sơ để tìm người có tâm, có tài nhằm thực hiện được nhiệm vụ rất nặng nề của Ban Kinh tế trung ương.

Ngày 28/12/2012, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định số 160-QĐ/TW về việc thành lập Ban Kinh tế trung ương, quyết định số 161-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế trung ương. Lúc đó, ban chỉ có 32 cán bộ, trong đó điều động 30 người từ Vụ Kinh tế, Vụ Xã hội, Tạp chí Văn phòng cấp ủy của Văn phòng Trung ương Đảng. Bên cạnh những thuận lợi, Ban Kinh tế nêu đã gặp không ít khó khăn như: mọi điều kiện hoạt động phải xây dựng từ đầu, từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị; công chức thì thiếu… trong khi vẫn phải khẩn trương tiến hành các hoạt động chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ.

Mặc dù mới thành lập nhưng báo cáo của Ban Kinh tế trung ương nêu khá nhiều việc đã làm được và đang làm, trong đó có nhiều đầu việc khá lớn và nhạy cảm, như: báo cáo sơ kết 7 năm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành dầu khí; tham gia nghiên cứu, đề xuất chủ trương mới trong thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng thu hút nhà đầu tư có tiềm năng lớn, lĩnh vực quan trọng; nghiên cứu đề xuất tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm thế giới gắn với thực tiễn VN...

Ông Vương Đình Huệ trưởng ban Kinh tế Trung ương
Ông Vương Đình Huệ trưởng ban Kinh tế Trung ương


Phương hướng 6 tháng cuối năm, Ban Kinh tế nêu sẽ tập trung nghiên cứu đề xuất, thẩm định và giám sát nhiều vấn đề, trong đó có đề án tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước…

Ban đầu đóng trụ sở tạm ở số 3B Hoàng Diệu, từ ngày 12/7 chuyển về và được dành cho một số tầng ở tòa nhà Hapro (Tổng công ty Thương mại Hà Nội), Ban Kinh tế nêu để nâng cao hiệu quả công tác, đảm bảo tiết kiệm, tập trung, ban đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu bố trí, sắp xếp ổn định trụ sở làm việc cũng như đảm bảo kinh phí hoạt động cho ban.

Ban Kinh tế Trung ương do ông Vương Đình Huệ làm trưởng ban. Chức năng nhiệm vụ cũng được cụ thể hóa trong quyết định trên bao gồm chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định về lĩnh vực kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách lớn về kinh tế - xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, về các vấn đề xã hội gắn với kinh tế theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tham gia ý kiến với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan về các đề án, dự án lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội.
    
Thẩm định các đề án về kinh tế - xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
 
Hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội của Đảng đối với các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; chủ trì hoặc tham gia sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định,…, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế - xã hội. Giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững theo chương trình, kế hoạch và sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thuộc khối kinh tế - xã hội theo phân công, phân cấp.
 
Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

  • T.T (Tổng hợp)
     
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc