Bản tường trình của mẹ kế bạo hành con chồng có điều gì bất thường?

17:25, Thứ sáu 08/12/2017

( PHUNUTODAY ) - Trinh khai đã 2 lần dùng đũa ăn đánh vào tay Kh. “Tôi chỉ đánh nhẹ không gây thương tích để cháu hiểu mình bị phạt vì mắc lỗi và lần sau không phạm lỗi nữa”, người mẹ kế viết trong bản tường trình gửi Công an quận Cầu Giấy.

Liên quan tới sự việc bé trai T.G.K (10 tuổi, Hà Nội) bị bố đẻ là Trần Văn Nam (SN 1983) và mẹ kế Phạm Thị Tú Trinh đánh đập dã man trong suốt thời gian dài, phía Công an quận Cầu Giấy đã lấy lời khai của cả hai đối tượng trên.

u

Mẹ kế khai nhận đánh đập bé trai 10 tuổi do bé quá nghịch ngợm.

Theo một cán bộ Công an quận Cầu Giấy, tại cơ quan công an, cả anh Nam và chị Trinh đều đã thừa nhận hành vi đánh con.

Người mẹ kế này còn viết trong bản tường trình: do mâu thuẫn với bố mẹ chồng, tháng 7/2016, hai vợ chồng này dọn ra ngoài thuê phòng ở.

Trong quá trình ở cùng con chồng, cháu K. thường xuyên nghịch ngợm. “Cháu thường xuyên phun nước bọt vào giầy dép của bố mẹ, phun cả vào người tôi. Cháu còn lấy xà phòng tắm, dầu gội đầu xịt hết ra nhà vệ sinh và nhiều lần lấy bàn chải đánh răng của tôi và chồng vứt vào bồn cầu, sọt rác trong nhà vệ sinh…”.

Trinh khai đã 2 lần dùng đũa ăn đánh vào tay K. “Tôi chỉ đánh nhẹ không gây thương tích để cháu hiểu mình bị phạt vì mắc lỗi và lần sau không phạm lỗi nữa”, người mẹ kế viết trong bản tường trình gửi Công an quận Cầu Giấy.

Khi được cán bộ điều tra xét hỏi về chiếc roi sắt cuộn từ những chiếc móc áo và muôi sắt được dùng để làm công cụ đánh đập cháu K., Trinh viết: “Có lần đang nấu ăn, cháu xuống nghịch. Tôi bảo cháu không nghe nên có dùng muỗng canh bằng Inox vụt vào bả vai cháu, nhưng không thấy cháu nói đau và có thương tích”. Mẹ kế của cháu bé đã cũng thừa nhận thêm, do cháu K. ăn vụng thịt bò nên đã cầm đũa vụt mấy cái vào mặt cháu bé...

Trước việc cháu K. không được đến trường, người mẹ kế này cũng trình bày nguyên nhân và lý do được đưa ra, đó là cháu K. không thích đi học. “Còn việc cháu không đi học, không phải tôi và chồng tôi không cho đi, mà vợ chồng tôi còn liên hệ trường cho cháu. Do cháu không muốn đi học”, Trinh viết.

Trước đó, Cháu K. có kể rằng: Trong 2 năm, cháu không được bố cho đi học, thường xuyên bị mẹ kế nói xấu để bố đánh.

“Mỗi lần bị đánh, cháu đều hét lớn nhưng mọi người ở ngoài không ai nghe thấy vì bố đóng kín cửa. Khi bị cô nói xấu, bố đóng kín cửa rồi dùng móc áo, guốc đánh vào đầu, mặt. Có hôm đau nhất, cháu bị bố dùng chân đạp vào bụng và mạng sườn”- cháu K. buồn tủi nhớ lại.

Vì bị đánh quá đau nên cháu K. đã từng có ý định chạy trốn nhưng bị phát hiện nên cháu bị bố kéo lại và quản lý chặt hơn, không rời mắt.

Kể lại lần chạy trốn về với ông bà nội, cháu K. cho biết, tranh thủ lúc mẹ kế lơ là không để mắt, cháu nhẹ nhàng lẻn xuống và nấp vào sau cánh cửa nhà vệ sinh của chủ xóm trọ, sau đó chờ lúc cửa cổng mở ra, cháu vội vàng cầm dép lên, chạy thật nhanh.

“Hai năm sống với bố và cô, cháu tiết kiệm được 7 nghìn đồng, khi chạy ra cháu nhờ bác xe ôm chở về với ông bà nội thì bác xe ôm nói không đủ tiền và dẫn cháu đi bắt xe buýt để đi” - cháu K. nhớ lại thời khắc chạy trốn khỏi bố đẻ.

Chị N. (Mẹ đẻ bé K.) chia sẻ, chị và chồng cũ quen nhau 7 năm thì cưới. Sau đó chồng chị ngoại tình nên dẫn đến ly hôn, đến nay đã 4 năm. Sau khi ly hôn, chị N. nuôi bé gái, còn chồng cũ nuôi cháu Gia K.

Chị N. cho biết thêm, vào khoảng 19h ngày 5.12, chị nhận được cuộc điện thoại từ một người bạn ở ngõ 55 Hoàng Hoa Thám (khu nhà nội cháu K.) nói rằng, con chị bị bạo hành dã man. Nhận tin, chị vội vã đến nhà chồng cũ, lúc này cháu bé đã được đưa lên Công an phường Ngọc Hà.

"Lúc gặp con ở trụ sở công an, tôi không nhận ra nổi cháu, một đứa trẻ gầy đen, ăn mặc nhếch nhác, trên người chi chít sẹo, răng thì gẫy... Tôi chỉ biết ôm con, hai mẹ con cùng khóc" - chị N. nức nở.

Trong chiều ngày 5/12, Trinh đã dùng đũa vụt vào mặt cháu K. Do sợ hãi phải nhận thêm những trận đòi từ bố đẻ, mẹ kế, cháu K. đã bỏ trốn bằng xe buýt về nhà ông bà nội cầu cứu. “Chiều ngày 5/12, tôi có dùng đũa vụt mạnh vào mặt cháu do cháu mở khóa cửa vào phòng lấy trộm đồ. Nhưng lúc đó tôi nghĩ tôi đánh để bố cháu không đánh cháu. Vì tôi biết bố cháu có đánh sẽ không kiềm chế được mà đánh cháu đau hơn…”, một đoạn trong bản tường trình của người mẹ kế.

Công an quận Cầu Giấy thông tin, sau khi bỏ trốn về nhà ông bà nội ở ngõ 55 đường Hoàng Hoa Thám, cháu K. được đưa tới trung tâm y tế thăm khám. Tại đây, các bác sĩ xác định cháu K. bị rạn xương sườn phải ở các vị trí xương số 7, 8, 9.

Bên sườn trái cháu T.G.K. cũng bị rạn các vị trí xương số 6, 7 và 8. Tổng cộng cháu T.G.Kh. bị rạn 6 xương sườn. Chưa hết, trên người cháu Kh. có rất nhiều vết thương do những vật cứng gây ra. Hiện cháu T.G.Kh. đang sống cùng với mẹ đẻ trong căn nhà trên phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).

Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, ngoài chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, UBND quận Cầu Giấy sẽ tạo mọi điều kiện để cháu K. sớm ổn định tâm lý, đi học trở lại.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Vi Văn A - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi đánh trẻ em gây thương tích, cho dù người gây ra là bố mẹ, người thân trong gia đình, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì vẫn sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật. Theo đó, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình có thể bị xem xét xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 49, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Nếu hành vi đánh đập, hành hạ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự như tội cố ý gây thương tích, tội hành hạ người khác… Theo điều 104 Bộ luật Hình sự hiện hành, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% thuộc một trong các trường hợp: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Đối với trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Điều 110 về tội hành hạ người khác quy định, người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc