Tiến sỹ Trần Công Trục tiếp tục chia sẻ về những động thái mới của Trung Quốc trên Biển Đông, về âm mưu, toan tính của nước này ở Biển Đông trong ván bài quốc tế, cũng như những khả năng kiện Trung Quốc của Việt Nam.
Theo ông mục đích của Trung Quốc đưa Hải Nam 09 xuống cửa Vịnh Bắc Bộ là gì?
Tiến sỹ Trần Công Trục: Tôi cho rằng Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Nam 09 xuống vùng chồng lấn ở cửa Vịnh Bắc Bộ đương nhiên là với mục đích để khoan thăm dò. Nhiều người cho rằng việc Trung Quốc triển khai giàn khoan này chỉ là động thái nhằm đạt mục đích về quân sự, chính trị là chính, gây sức ép, chứ không phải về kinh tế vì cho rằng khu vực không có dầu lửa.
Tôi không đồng ý hoàn toàn như vậy. Tôi đồng ý rằng họ làm để hiện thực hóa yêu sách "đường lưỡi bò" với tham vọng độc chiếm Biển Đông, để họ vươn ra thành một cường quốc biển. Nhưng nói rằng việc triển khai giàn khoan không phải vì lý do kinh tế, thì tôi không đồng tình. Qua việc họ đóng giàn khoan hàng tỉ đô, đưa một lực lượng hộ tống và di chuyển tới một số vùng, với chi phí tốn kém, đây không chỉ nhằm mục đích về chính trị, quân sự mà chính là đang làm thật về kinh tế. Vì đây là vùng đặc quyền kinh tế, phạm vi không gian không có giá trị nhiều về khía cạnh chiến lược quân sự, vì thời đại hiện nay là thời đại quân sự hiện đại, không cần phải một không gian lớn để làm chủ. Muốn làm chủ khu vực này chính là phải khống chế làm chủ được tài nguyên. Mà tài nguyên ở đây gồm dầu khí, khoáng sản nằm ở đáy biển, nguồn lợi thủy sản, hàng hải qua lại. Nếu ba điều đó Trung Quốc làm chủ được, thì họ đã biến thành "ao nhà" của họ rồi.
Cái thứ hai theo thông tin tôi được biết và từ động thái của Trung Quốc, chúng ta không nên quên rằng khu vực quần đảo Hoàng Sa ẩn chứa nguồn tài nguyên rất giá tr, đó là băng cháy mà người ta cho rằng đây là nguồn năng lượng của tương lai. Muốn khai thác được phải có trình độ cao, do nằm dưới độ sâu khoảng 3.000m. Mà giàn khoan Hải Dương-981 được thiết kế khai thác ở độ sâu này. Trung Quốc đang tính đến bước đó. Họ đóng giàn khoan hàng tỷ đô không phải để chơi, mà để thỏa mãn "cơn khát" năng lượng của họ.
Tiến sĩ Trần Công Trục. |
Trong tương lai ông có nghĩ Trung Quốc sẽ đưa nhiều giàn khoan nữa xuống Biển Đông?
Theo tôi đây là mục tiêu chính của Trung Quốc trong lúc này, tranh giành những khu vực chúng ta đang khai thác. Còn chuyện băng cháy có thể họ chưa khai thác ngay, họ để dành đó. Cái cần trước mắt là họ cướp vùng biển của ta.
Việc đưa giàn khoan xuống với mục đích chính trị thì quá đơn giản. Nếu đạt được mục đích chính trị, Trung Quốc không cần phải đưa giàn khoan lớn đến vậy, và không cần phải huy động một lực lượng lớn đến vậy.
Vậy Trung Quốc âm mưu gì ở Biển Đông thưa ông?
Câu hỏi Trung Quốc muốn gì không phải là câu hỏi của riêng tôi đặt ra.
Xuất phát tại sao có câu hỏi đó, các bạn biết rồi, là bởi Trung Quốc "muôn hình vạn trạng". Trên mặt trận tuyên truyền ngoại giao họ nói thế này, nhưng trong thực tế họ lại làm thế khác, giai đoạn này họ làm chỗ này, giai đoạn khác họ làm chỗ khác, cho nên người ta khó khiểu, không biết Trung Quốc muốn gì, định làm gì? Tất nhiên, nhiều người đã thừa biết, nhưng vẫn đặt ra câu hỏi để tất cả mọi người cùng suy nghĩ, để hiểu rõ bản chất của Trung Quốc, cách thức, đường hướng của Trung Quốc.
Có giáo sư đã ví Trung Quốc như một con voi ở những vị trí khác nhau thì nhìn nhận nó có hình dạng khác nhau. Và thậm chí với con voi mà với những người không nhìn rõ như thầy bói mù đoán voi của Việt Nam, thì sờ cái chân nói con voi giống cột đình, sờ cái tai nói voi giống cái quạt mo.. Trong thực tế, những hoạt động biến thiên muôn hình vạn trạng và thủ thuật của Trung Quốc khiến nhiều người hiểu nhầm, ngay chúng ta cũng có sự hiểu nhầm. Cũng có lúc dư luận cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu xuống thang, bắt đầu ngồi vào đàm phán, có thiện chí vào cuối năm 2013, đầu năm 2014, nhưng "đùng một cái" họ kéo giàn khoan xuống, gây ra tất cả sự bị động trong quá trình nhận thức, đánh giá.
Vấn đề chúng ta phải xem bản chất của con voi này là gì. Theo ý kiến của tôi, thì chủ trương của Trung Quốc trong việc vươn ra đại dương, dùng Biển Đông làm cửa ngõ duy nhất để vươn lên thành một siêu cường trên biển. Biển Đông là con đường duy nhất của họ, còn Hoa Đông chỉ là những động thái có tính chất "rung cây dọa khỉ", "giương đông kích tây".
Có phải là do ở Biển Đông họ chỉ phải đối mặt với các nước Đông Nam Á nhỏ bé, còn ở Hoa Đông họ đối mặt với các nước lớn như Nhật Bản?
Đúng, một phần là như vậy, ở Hoa Đông họ vấp phải những nước lớn như Nhật, Hàn Quốc, và đảo Đài Loan, nằm dưới hiệp ước an ninh của Mỹ. Đây cũng là điều họ phải tính toán.
Điều quan trọng hơn nữa, Biển Đông có giá trị chiến lược hơn Hoa Đông, vì là một trong những đường hàng hải lớn nhất thế giới, có nguồn tài nguyên được cho là rất lớn, thị trường của khu vực Đông Nam Á cũng lớn...Tức về mặt kinh tế và địa chính trị của vùng này có ý nghĩa nhiều hơn so với Hoa Đông.
Biển Đông đã được xác định từ khi Cộng Hòa hòa nhân dân Trung Hoa ra đời và thậm chí còn trước đó nữa và họ không thay đổi. Họ quyết thực hiện "giấc mơ Trung Hoa", biến Trung Quốc thành một cường quốc biển trước khi trở thành siêu cường quốc để cạnh tranh với vai trò của Hoa Kỳ. Đại Hội lần thứ 18 vừa rồi của Trung Quốc càng khẳng định điều đó và quyết tâm của giới lãnh đạo mới của Trung Quốc càng mạnh mẽ hơn nhiều. Chúng ta biết ngay sau khi ông Tập Cận Bình lên làm Chủ tịch Trung Quốc thì đã có một cuộc họp của Bộ chính trị về vấn đề này. Có nghĩa là họ đã chuẩn bị một quyết tâm chiến lược, một quyết tâm chính trị trong vấn đề này. Và họ làm với sự tính toán bài bản, tinh vi. Trên thực địa, họ tính toán làm đến đâu và từng bước họ làm như thế nào, tính toán thời cơ ra sao. Trên mặt trận ngoại giao họ nói gì, họ có sự phân công bài bản. Và tôi xin đảm bảo rằng họ không thay đổi quyết tâm đó, họ sẽ làm mạnh, theo tùy thời cơ, tùy tình hình quốc tế và khu vực, tùy lợi ích của họ và tùy nội bộ của họ.
Hiện nay tôi cho rằng họ đang thực hiện bước đi của mình trong một ván bài quốc tế, chứ không chỉ dựa vào tình hình Việt Nam với Trung Quốc. Vừa rồi, Trung Quốc đã đi một sớm một nước cờ để họ chờ thời cơ của tình hình quốc tế nhằm thực hiện giấc mơ của mình.
Có phải là do tình hình hình ở châu Âu, cụ thể là Ukraine, và Trung Đông hiện nay không thưa ông?
Đúng như vậy. Nó có liên quan mật thiết đến nhau và đấy mới là mối quan tâm của họ. Tức là họ nghĩ Hoa Kỳ, các nước phương Tây, Nga đang tập trung vào điểm nóng mà nhân loại đang hết sức chăm chú theo dõi, nơi mà người ta đánh giá là đang ở bên miệng hố của một chiến tranh mới. Ví dụ chuyện Nga, họ biết rằng Nga muốn tìm kiếm một đối tác (năng lượng) mới, cân bằng lại với phía Mỹ và các nước phương Tây, nên Nga cần đến Trung Quốc.
Mong rằng chúng ta không tạo ra một mồi lửa, tạo ra cái cớ để làm cho ngọn lửa này có điều kiện bùng lên. Đây là âm mưu của Trung Quốc. Mà tình hình hiện nay còn diễn biến phức tạp, kéo dài, không thể giải quyết ngay được những vấn đề ở Trung Đông và Ukraine.
Hi vọng sau 15/8 giảm căng thẳng là hi vọng trẻ con!
Do Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt quanh khu vực giàn khoan tới 15/8, nên nhiều người đã hi vọng tình hình cho tới sau 15/8 sẽ giảm bớt căng thẳng. Từ tình hình quốc tế hiện nay, theo ông điều này có thể xảy ra được không?
Nếu ai còn hi vọng, vui mừng với thời hạn 15/8 để giảm căng thẳng, thì đây là hi vọng trẻ con. Có thể thời tiết sẽ gây ảnh hưởng, nhưng chắc chắn quyết tâm chiến lược của họ không thay đổi. Hơn nữa các bạn nên nhớ rằng giàn khoan khổng lồ (Hải Dương-981) chịu được sức bão cấp 12.
Chúng ta cần phải nhìn tới thái độ, sức lực của chúng ta và nhân loại đối với chiến lược của Trung Quốc như thế nào. Đấy mới chính là niềm hi vọng. Chúng ta hi vọng vào sự đoàn kết của dân tộc mình, sự quan tâm của các thế hệ người Việt Nam trong và ngoài nước. Chúng ta kiện việc giải thích và áp dụng sai các quy định có liên quan đến hiệu lực của đảo và quần đảo.
Kiện về mặt nghĩa vụ phải đạt được thỏa thuận tạm thời trong vùng có tranh chấp khi mà các bên đang còn đàm phán để hoạch định vùng chồng lấn, thì không được quyền đơn phương đưa ra các hoạt động. Ví dụ vùng cửa Vịnh Bắc Bộ, là vùng hai bên đã có cơ chế giải quyết và còn đang ngồi với nhau để giải quyết về vùng chồng lấn. Vì vậy trong quá trình đang đàm phán, không có lý gì mà Trung Quốc có thể tự nhiên đơn phương hoạt động trong vùng hai bên đang còn xem xét giải quyết. Ở đây cụ thể Trung Quốc đã vi phạm khi đưa ra lệnh cấm đánh bắt hải sản hàng năm, và hiện nay họ đưa một giàn khoan thứ hai lớn không kém giàn khoan Hải Dương-981, nằm trên vùng cửa Vịnh Bắc Bộ mà hai bên đang đàm phán. Đây là hành động xem thường thỏa thuận của đôi bên trong khi đàm phán, xem thường luật pháp quốc tế. Chúng ta có quyền kiện ở những khía cạnh đó.
Biển Đông là tuyến đường hải hải được xem là nhộn nhịp nhất thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế khu vực và toàn cầu. Mục tiêu của Trung Quốc khi đưa giàn khoan xuống cũng là nhằm cản trở hoạt động hàng hải quốc tế, vi phạm quyền tự do hàng hải của các quốc gia. Việc họ đã làm này là tiếp nối của quá trình họ đã đưa ra trước đó, ví dụ như họ đã ra quyết định cho phép lực lượng của thành phố Tam Sa kiểm tra các tàu. Đây là một trong những mục tiêu họ đặt ra trong mục tiêu về kinh tế. Riêng quy định cấm tàu bè quanh giàn khoan cũng đã là sai Công ước Luật biển. Theo quy định của Công ước, nếu Trung Quốc muốn khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, chứ ở đây tôi chưa nói là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì chỉ có thể đưa ra vùng an toàn 500m bao lấy công trình giàn khoan. Nhưng trong trường hợp này, Trung Quốc đưa ra vùng cấm ban đầu là 3 hải lý, rồi sau đó 5 hải lý rồi thậm chí khi tàu bè của chúng ta đi vào vùng cách giàn khoan hơn chục hải lý đã bị tàu Trung Quốc ra ngăn chặn, húc rồi. Chúng ta hoàn toàn có thể kiện Trung Quốc áp dụng sai công ước, chưa tính đến việc chúng ta có thể kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực, vi phạm hiến chương Liên hợp quốc, để đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, dùng vũ lực để ngăn cản các hoạt động bình thường của chúng ta, trong đó có việc gây khó khăn cho hoạt động hài hải quốc tế.
Từng là trưởng ban Biên giới quốc gia, ông có lưu ý hay kiến nghị gì trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc?
Tôi rất ủng hộ phát biểu của Thủ tướng khi nói chúng ta không được đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ lấy bất kỳ một quan hệ chính trị hữu nghị viển vông nào. Tôi nghĩ đây là một định lý, một chân lý mà chúng ta cần phải tiếp tục phát huy. Tức là vấn đề chính trị, ý thức hệ tạo ra môi trường có thể ngồi làm việc được với nhau, giúp thúc đẩy quá trình đàm phán, nhưng không thể chỉ dựa vào các vấn đề chính trị để giải quyết vấn đề lãnh thổ, mà phải có những nguyên tắc cần thiết, bất di bất dịch, tức là các quyền và lợi ích chính đáng của mình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế mà loài người đã thừa nhận. Tôi cho rằng đây mới là cách xử lý văn minh, hiện đại, mới tạo ra được quan hệ bền vững, cho muôn đời.
Đây là điều tôi muốn chia sẻ, mà chính tôi đã từng áp dụng nó và muốn thế hệ nay mai của chúng ta làm vậy. Nếu như ai đó vẫn còn nặng về vấn đề chính trị, tư duy chính trị, lý tưởng hóa về mặt ý thức hệ, sẽ dẫn đến hậu quả là làm khó khăn hơn quá trình đấu tranh các quyền và lợi ích chính đáng của chúng ta.
Băng cháy và cuộc chiến năng lượng mới ở châu Á E ngại đang ngày càng gia tăng về việc băng cháy (methane hydrate), được coi là nguồn năng lượng mơ ước, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh năng lượng mới tại châu Á. Tạp chí Chính sách đối ngoại Mỹ gần đây chỉ ra rằng: Thực tế một số lượng lớn băng cháy nằm sâu ở trung tâm lãnh thổ tranh chấp của châu Á lại là một bất hạnh lớn với các nước xung quanh. Điều đó có nghĩa là nguồn năng lượng mới rất có thể là nhân tố làm tồi tệ hơn các xung đột lãnh thổ giữa những nước nhập khẩunăng lượng quy mô lớn như Hàn Quốc, TQ và Nhật Bản. Băng cháy là một loại nhiên liệu an toàn cho môi trường. Khí này tồn tại ở dạng rắn, hình thành từ khí thiên nhiên và nước, ở dưới điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp. Băng cháy có tên khoa học là natural hydrat hoặc gas hydrat. Khi hàm lượng methane vượt quá 75% thành phần của gas hydrate thì nó thường được gọi là methane hydrate. Dạng tồn tại của chúng cũng giống như khí gas. Có thể sử dụng nó để làm nhiên liệu cháy. Thông thường ở những vùng có dầu mỏ thì có khí này. Mặc dù chưa có quốc gia nào khai thác băng cháy ở quy mô công nghiệp nhưng đây được xem là nguồn năng lượng mới được rất nhiều quốc gia quan tâm vì trữ lượng khổng lồ và khả năng tác động tới biến đổi khí hậu toàn cầu của nó. Khoáng sản năng lượng mới này dự báo lớn gấp 3 lần tổng tài nguyên năng lượng hóa thạch được biết đến trên toàn thế giới. Hiện có hơn 90 nước trên thế giới đang tiến hành các chương trình nghiên cứu điều tra băng cháy ở các mức độ khác nhau. |