Băng nhóm trốn chạy tội ác bằng chiêu ẩn mình trong trại giam

07:39, Thứ hai 15/08/2011

( PHUNUTODAY ) - Với sự tinh ranh của loại tội phạm gây án chuyên nghiệp, cách trốn chạy tội ác cũng tỏ ra khác người, Phong lẩn trốn tội ác man rợ bằng cách chui vào trại giam để “rửa tội” bằng một hành vi phạm tội nhẹ nhàng khác. Đó là cách mà bọn tội phạm từ trước đến nay ít nghĩ đến.



Chấn động miền quê

Đến nay, Nguyễn Đăng Phong và đồng bọn đã phải trả giá cho tội ác của mình, hồ sơ vụ án đã khép lại. Thế nhưng vụ án vẫn được nhiều điều tra viên CA Bình Phước nhắc đi nhắc lại để rút kinh nghiệm phá án.   

Cuối tháng 5/2003, vùng trung du xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước vốn yên bình bỗng trở nên xôn xao, nổi sóng bởi 1 vụ án táo tợn. Nửa đêm nghe tiếng đập cửa, người làm công Hoàng Văn Hay giật mình thức giấc. Anh vừa mở cửa đã bị ba người lao vào trùm kín mặt, dùng dao khống chế, buông tiếng đe dọa: “Muốn sống thì không được kêu la”.

Nghe tiếng ồn ào trong nhà, ông Phí Văn Vàng thức giấc thì bị 2 bóng đen áp sát, kề dao vào cổ và hạ lệnh: “Khôn hồn thì đưa hết tiền vàng đây”. Ông Vàng kháng cự theo phản xạ tự nhiên thì bị đâm chết tại chỗ. Trói anh Hay dưới nhà bếp, bọn cướp lục soát nhưng không tìm thấy tiền vàng nên đã cướp 2 xe máy trong nhà rồi tẩu thoát. Nghe tiếng kêu la của anh Hay, bà con xung quanh chạy đến cởi trói cho anh đồng thời cấp báo sự việc cho CA xã. Ngay sau đó, cơ quan điều tra CA huyện và tỉnh có mặt tại hiện trường.

Sau khi khám nghiệm hiện trường và điều tra ban đầu, xác định vụ án có tính chất nghiêm trọng, một Ban Chuyên án được thành lập do Trung tá Nguyễn Ngọc Thân - Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) lúc bấy giờ làm Trưởng Ban, Thiếu tá Văn Quang Tiến - Phó phòng PC45, làm Phó Ban, toàn bộ trinh sát, điều tra viên giàu kinh nghiệm được tung vào cuộc.

Tại cuộc họp án, Thượng tá Phạm Văn Bé - Phó Giám đốc CA tỉnh chỉ đạo nhanh chóng làm rõ các mối quan hệ của nạn nhân và người làm công Hoàng Văn Hay. Ông Vàng là nông dân sản xuất giỏi, kinh tế khá giả, có cho nhiều người vay mượn tiền, liệu ai đó trong số các con nợ vì không có khả năng chi trả đã ra tay giết ông này để quỵt nợ, chuyện cướp tài sản chỉ là thứ yếu? Hay vợ ông Vàng (bà Lê Thị Lanh) giết ông vì mâu thuẫn tiềm ẩn đã lâu? Bởi khi khám nghiện hiện trường, cơ quan điều tra thu được lá thư của cha ông Vàng là Phí Đình Huân gởi vào từ xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có nội dung vô cùng kinh ngạc, một trong số đó có dòng chữ “con coi chừng Lanh nó giết”. Nhiều nghi vấn đã được Ban Chuyên án đặt ra.

Theo hồ sơ điều tra, khoảng 10 năm trước, khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, bà Lanh đem con gởi nhà chị ruột ông Vàng ở TX. Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Vào dịp hè, bà Lanh thường đi Bình Định thăm con. 15 giờ ngày 26/5, bà Lanh ở lại nhà chị ruột ông Vàng ở Bình Định, đến ngày 28/5 thì nghe tin chồng bị giết, bà tức tốc về nhà. Sự thật khách quan trên có đủ cơ sở loại bà Lanh ra khỏi diện nghi vấn.

Những người em của bà Lanh cũng có mâu thuẫn với ông Vàng nhưng qua điều tra cho thấy họ ngoại phạm. Đến đây, Ban Chuyên án tập trung vào nhận định hung thủ giết anh Vàng, cướp tài sản là bọn tội phạm ngoài xã hội. Việc sàng lọc đối tượng được trinh sát, điều tra viên tỉnh, huyện tiến hành liên tục nhưng bóng dáng hung thủ vẫn còn là ẩn số.

Trong cuộc họp án lần thứ 2 sau đó, Trưởng Ban Chuyên án Nguyễn Ngọc Thân chỉ đạo trinh sát và điều tra viên, cứ “lặn” sâu trong dân dứt khoát sẽ có tin tức quý giá. Thực hiện chỉ đạo trên, một tuần sau, trinh sát được quần chúng cho biết nguồn tin mong manh là Phạm Văn Tình - đối tượng có tiền án hay tụ tập bạn bè sinh hoạt bất minh và ngay sau cái chết của anh Vàng, Tình bỏ địa phương đi đâu không rõ. Phạm Văn Tình được đưa vào diện truy xét khẩn cấp.
   
Độc chiêu của băng nhóm tội phạm ranh mãnh

Do đã được trinh sát CA tỉnh Bình Phước trao đổi thông tin về vụ án nên CA thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cũng đặc biệt chú ý về các đối tượng nghi vấn, trong đó có Phạm Văn Tình. Bốn tháng sau, từ biện pháp nghiệp vụ, CA Bảo Lộc có được nguồn tin về hai thanh niên Vũ và  Phong – những đối tượng có quan hệ thân thiết với Tình - khi chúng từng đã “chui” vào trại tạm giữ CA Bảo Lộc vì trộm cắp xe máy, riêng tên Tình không rõ lẩn trốn ở đâu.

Ngày 20/10, Trưởng Ban Chuyên án Nguyễn Ngọc Thân cùng một tổ trinh sát đến thị xã Bảo Lộc. Qua xác minh, được biết tên Tình chính là Phạm Văn Tình, ngụ cùng ấp với nạn nhân Phí Văn Vàng, còn Vũ có tên đầy đủ là Lê Từ Hoàng Vũ (SN 1980), Phong là Nguyễn Đăng Phong, (SN 1980, cùng ngụ tại TP. Đà Nẵng).

Là những kẻ đã có tiền án, Phong, Vũ rất ranh mãnh trong việc đối phó với cơ quan điều tra, bọn chúng một mực không khai nhận liên quan vụ giết cướp tài sản của ông Vàng ở Bình Phước. Nhiệm vụ khẩn cấp lúc này là phải bắt bằng được Phạm Văn Tình. Truy theo những nguồn tin nóng, trinh sát đã lần ra nơi ở của hắn tại TP. HCM. 1h30 ngày 23-10-2003, trinh sát tỉnh Bình Phước đã còng tay Phạm Văn Tình tại căn nhà trên đường Đoàn Văn Bơ, phường 4, quận 4. Phạm Văn Tình khai nhận đã cùng Phong, Vũ và Trần Xuân Dũng thực hiện vụ giết - cướp trên.

1
Những chân dung đen ranh mãnh trốn vào trại giam bằng các hành vi gây án nhẹ để “rửa tội” cho hành vi cướp – giết dã man gồm: Nguyễn Đăng Phong, Lê Từ Hoàng Vũ  và Nguyễn Đăng Phong (từ trái qua phải)
Việc khai nhận của tên Tình đã buộc hai tên Vũ, Phong hết đường chối cãi. Phong đã khai ra nơi ở của Trần Xuân Dũng tại quận Gò Vấp, TP. HCM. Xác minh tại Gò Vấp, trinh sát nhận được một bất ngờ nữa là Trần Xuân Dũng đang ẩn mình trong trại tạm giữ CA quận Gò Vấp về hành vi cướp giật tài sản. Khi trinh sát hỏi về vụ sát hại ông Vàng, Trần Xuân Dũng giả bộ ngơ ngác không biết.

Nhưng khi biết ba tên đồng bọn là Tình, Phong và Vũ đã vào trại giam trước rồi, đã khai báo toàn bộ hành vi phạm tội thì Dũng bủn rủn chân tay xin khai nhận. (Tên Dũng chết do lâm trọng bệnh, trước khi vụ án này được TAND tỉnh Bình Phước xử).

Cùng một lúc, 4 tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm đã được đưa về trại tạm giam CA tỉnh Bình Phước. Qua đấu tranh khai thác, bọn chúng đã khai nhận toàn bộ quá trình đột nhập vào nhà ông Vàng gây tội ác nửa đêm ngày 27/5/2003.

Thế nhưng nhập trại chưa được bao lâu thì giữa tháng 3/2004, Nguyễn Đăng Phong trở bệnh được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước và đến ngày 16/3 thì hắn mở còng tẩu thoát khỏi bệnh viện. Chuyên án truy nã Nguyễn Đăng Phong được xác lập do Thiếu tá Ngô Tấn Hưng - Phó Trưởng Phòng PC45 làm Trưởng ban. Các mối quan hệ của Nguyễn Đăng Phong ở Đà Nẵng, TP. HCM, An Giang, Lâm Đồng… tiếp tục được xác minh nhưng vẫn không tìm thấy đối tượng này.

Sau gần 1 tháng đeo bám tại TP. Đà Nẵng không kết quả, các trinh sát, điều tra viên quyết định rời Đà Nẵng đi Lâm Đồng thì được tin CA phường Bắc Mỹ An, TP. Đà Nẵng vừa bắt Nguyễn Đăng Phong khi y đang nhờ một người thợ hàn làm cây đoản mở khóa xe để chuẩn bị hành nghề trộm cắp.

Bị di lý về CA tỉnh Bình Phước lần thứ 2, Nguyễn Đăng Phong khai, sau khi trốn tại Bệnh viện Bình Phước, Phong vào một nhà dân lấy trộm quần áo và 30 ngàn đồng rồi vào vườn điều ngủ. Sáng 17/3, Phong đón xe đò về TP. HCM rồi lên Tây Ninh, sang chợ Ôsây, Campuchia làm thuê kiếm sống.

Được một tháng, Phong quay về TP. Đà Nẵng tiếp tục thực hiện 2 vụ trộm xe máy mang vào TP. HCM và đưa ra Huế bán. Nguyễn Đăng Phong không ngờ việc liên tiếp gây ra 2 vụ trộm nóng xe máy của y đã vô tình là cái bẫy tự sát của chính mình bởi CA địa phương đang giăng lưới và cuối cùng hắn đã sa lưới nhờ cảnh giác cao độ của người thợ hàn mà hắn nhờ thiết kế cái đoản khóa.

Trong số các đối tượng bị bắt, Nguyễn Đăng Phong là kẻ “đen đúa” nhất: năm 1996 bị TAND tỉnh Lâm Đồng xử phạt 3 năm tù về 2 tội “sử dụng trái phép vũ khi quân dụng” và “trộm cắp tài sản”. Phong bỏ trốn khi ở tù chưa đầy một năm để rồi khi bị bắt hắn cõng thêm 9 tháng tù về tội “trốn khỏi nơi giam giữ” do TAND huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng tuyên phạt.

Năm 1998, một lần nữa Phong bị Tòa án này tuyên phạt 15 tháng tù cũng với tội danh trên. Vừa mới ra tù năm 2000, Nguyễn Đăng Phong lại nhận tiếp bản án 24 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”. Chính thành tích này mà Phong quy tụ được dưới trướng mình những đàn em du thủ du thực, trong số đó có Lê Từ Hoàng Vũ.
   
Cuối tháng 8/2005 Phong và đồng bọn đã ra trước vành móng ngựa của TAND tỉnh Bình Phước. Với vai trò cầm đầu và trực tiếp gây án Nguyễn Đăng Phong nhận mức án tử hình, Lê Từ Hoàng Vũ và Đặng Văn Tình lần lượt đeo trên mình bản án 12 và 9 năm tù. Một kết cục tất yếu của những tên tội phạm ranh mãnh và gây án táo bạo.


Thanh Nghị
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc