Các nhà nghiên cứu sử dụng 13 yếu tố, bao gồm thu nhập, việc làm, dịch vụ y tế, giáo dục, môi trường… để xác định GAWI. Theo đó, Thụy Điển (89,9 điểm), Na Uy (89,8 điểm) và Đức (89,3 điểm) là ba nước dẫn đầu bảng xếp hạng GAWI.
Tiếp theo là Hà Lan, Canada, Thụy Sĩ, New Zealand, Mỹ, Iceland và Nhật. Đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng GAWI là Afghanistan (8,3 điểm), Tanzania (4,6 điểm) và Pakistan (3,3 điểm) .
Trong bảng xếp hạng Chỉ số Giám sát độ tuổi toàn cầu 2013, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 53 với 49,4 điểm.
Trong một viện dưỡng lão ở Thụy Điển - Ảnh: BBC News |
Sự giàu có không phải là một yếu tố được Quỹ Dân số LHQ và HelpAge International tính đến. Một số nước nghèo như Sri Lanka, Bolivia, Mauritius được xếp trên nhiều quốc gia giàu có hơn.
Quỹ Dân số LHQ cho biết đến năm 2050, số người già sẽ lần đầu tiên vượt qua số trẻ em dưới 15 tuổi. Phần lớn người tập trung ở các nước đang phát triển.
Vị trí thứ 53 của Việt Nam trong bảng xếp hạng năm nay dù không phải thứ hạng cao so với thế giới nhưng quả thật cũng đã nằm ngoài tầm tưởng tượng của không it người.
Có thể nói, sau hàng loạt những hành động bất hiếu khiến dư luận vô cùng phẫn nộ ở nước ta diễn ra trong thời gian vừa qua, kể cả những người lạc quan nhất có lẽ cũng chẳng dám tin Việt Nam lại có thể đứng ở những vị trí đầu của nửa sau bảng xếp hạng.
Đầu năm 2013, dư luận cả nước đã vô cùng xôn xao trước việc ông Nguyễn Tấn Lộc (61 tuổi) ở xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang phải mắc võng, che bạt ở gốc cây để sống. Căn nhà của ông đã bị con chiếm. Còn bà Nguyễn Thị Non (vợ kế của ông, không đăng ký kết hôn) cũng về nhà mẹ ruột sinh sống sau trận đòn khủng khiếp của các con ông Lộc.
Hồi cuối tháng 12/2012, dư luận cũng xôn xao, náo loạn vì con thuê côn đồ, xe ba gác về vây, đuổi mẹ xảy ra tại nhà 153, ngõ 151, Láng Hạ (phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội). Theo đơn của cụ Nguyễn Thị Muộn (82 tuổi, chủ sở hữu số nhà 153 Láng Hạ) gửi cơ quan chức năng tố cáo nhóm côn đồ này là do hai người con trai thuê đột nhập vào nhà cụ cắt khóa, sinh sống trong nhiều ngày. Nhóm này còn đổ cả dầu nhớt, phân, mắm tôm trước cửa nhà để bẫy cụ Muộn đi ra trơn ngã mà chết.
Nguồn cơn vụ việc cũng xuất phát từ việc tranh chấp đất đai giữa 5 người con của cụ Muộn, muốn đuôi mẹ ra khỏi nhà để giành lấy nhà đất. Còn con cụ thì nói rằng họ làm vậy vì lo cho mẹ. Cụ Muộn cho biết, rất đau xót, mấy ngày nay cụ mất ăn mất ngủ. “Chỉ vì ngôi nhà, tiền bạc mà con cái phủ nhận cả bố mẹ đẻ, kiện cả người đã chết (chồng bà - PV)”, cụ Muộn ngậm ngùi.
Ông Lộc (trái) bị các con đuổi ra sống ở chuồng lợn, cụ N. (phải) vừa ra viện bị các con đặt nằm vỉa hè. |
Trước đó, một vụ việc khác cũng khiến dư luận lên án gay gắt đó là vào ngày , ông N.V.N. (87 tuổi) sau 2 tháng nằm viện được các con ông đưa tới đầu phố Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) và đặt ông nằm ở vỉa hè, ngay trước cửa của nhà cô con dâu cả (con trai cả của ông N. mất cách đây hơn 2 năm), các con đẻ cụ N. cho rằng đây là nhà của cụ nên cụ có quyền vào ở, còn con dâu cả lại lo cho cụ vào sẽ mất nhà, các con cụ N. sẽ chiếm mất, vì đây là âm mưu của các con đẻ cụ N. nên con dâu cả nhất quyết không mở cửa để đưa cụ N.vào nhà. Còn vợ ông N. ở phía trong nhà cũng không ra mặt. Tới khoảng 20h, ông N. mới được các con đưa về nhà người con gái thứ 2.
Với nhiều người, những vụ việc kể trên là hành vi bạo hành với cha mẹ không thể chấp nhận được và đáng bị xử phạt cũng như cả xã hội lên án gay gắt. Tuy nhiên vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng dường như phản ánh chúng chưa hẳn đã tệ so với nhiều nước trên thế giới?