Một trong 100 người giàu có nhất Việt Nam
Năm 2010, trong bản danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam, với số cổ phiếu ACB có trong tay, tài sản của “bầu Kiên” được đánh giá là 805,9 tỷ đồng, ít hơn năm 2008 gần 200 tỷ một phần do giá cổ phiếu, phần sang nhượng cho người thân đứng tên. Tổng giá trị tài sản của gia đình ông Kiên, tính theo thị trường chứng khoán năm 2010 là khoảng 2.000 tỷ đồng.
Biệt thự của ông Kiên tại khu vực hồ Tây. Ảnh: Hà Anh
Ông Kiên có cổ phần trong các ngân hàng, từng tham gia Hội đồng Quản trị Công ty Liên doanh dầu nhờn Caltex (Mỹ), Công ty Liên doanh KFC Việt Nam, rồi có chân trong Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn và Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh, chưa có thông tin nào cho thấy ông là nhà quản trị doanh nghiệp trực tiếp.
Ngoài số cổ phiếu tại Ngân hàng ACB, ông Kiên còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác là Kiên Long, Đại Á (được cho là cổ đông lớn nhất). Bên cạnh đó, có nguồn tin cho biết bầu Kiên còn sở hữu cổ phần của VietBank, Eximbank và Sacombank.
Việc điều hành các doanh nghiệp tư nhân trong nước và liên doanh không phải là mục tiêu của bầu Kiên. Xu hướng đầu tư của ông cho thấy ông thích nắm cổ phần lớn trong ngân hàng và doanh nghiệp hơn là ngồi ghế lãnh đạo.
Siêu xe bầu Kiên thường dùng để tới sân Hàng Đẫy
Nói chính xác, bầu Kiên thuộc dạng nhà đầu tư thầm lặng phục vụ bản thân và một số cổ đông lớn có tiềm lực tài chính, có thể can thiệp vào các doanh nghiệp khi cần thiết để doanh nghiệp đó làm ăn tốt hơn. Tại các thị trường phát triển trên thế giới, đó là một nghề. Tuy vậy, nghề này đòi hỏi nhà đầu tư phải hội đủ nhiều yếu tố như tầm vóc và tầm nhìn, năng lực tài chính, kiến thức và uy tín.
"Bầu" Kiên thời huy hoàng vừa là đại gia ngân hàng, vừa là ông bầu quyền lực trong làng bóng đá.
Ông gây ấn tượng với ánh mắt "sắc lẹm".
Cướp diễn đàn, đánh tơi tả VFF
Trong hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của VFF chủ tịch VFF, Ông Nguyễn Trọng Hỷ quyết định “cấm cửa” giới truyền thông, thế nhưng bất ngờ bầu Kiên thông qua chánh văn phòng VFF Lê Hoài Anh đã gửi cho ông Hỷ một mẩu giấy với nội dung bằng mọi giá phải cho giới truyền thông vào tác nghiệp.
Khi giới truyền thông được tham dự hội nghị, bầu Kiên bất ngờ “cướp diễn đàn”, nói sa sả về những điều tồi tệ của bộ máy VFF, của BTC V-League, của đội ngũ trọng tài. Vụ “tung bom” trên đã giúp ông chủ của CLB Hà Nội ACB nổi danh như cồn, trở thành tâm điểm của các trang báo thể thao.
"Bầu" Kiên có giọng nói sang sảng, đầy uy quyền. Trong ảnh là hình ảnh "bầu" Kiên "cướp diễn đàn" tại lễ tổng kết mùa giải của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VEF) 2011.
Sau cú ra đòn bất ngờ trên, bầu Kiên tiếp tục tấn công dồn dập, đẩy VFF rơi vào cảnh thất thế. Bầu Kiên đòi phải thành lập một công ty cổ phần bóng đá để thay VFF điều hành các giải đấu trong nước. Nói là làm, bầu Kiên bắt tay cùng các đối tác hùng mạnh khác như bầu Thắng, bầu Đức, bầu Trường…, buộc VFF phải xuống nước, cho ra đời công ty VPF.
Sự ra đời của VFP thực sự đã mở ra một bước ngoặt mới cho bóng đá Việt Nam. Đặc biệt, trong công ty này bầu Thắng là người giữ ghế CT HĐQT nhưng thực tế quyền lực của bầu Kiên mới là nhất. Kể từ ngày thành lập cho tới nay, đa phần các phát ngôn hay công văn của VPF đều xuất phát từ ông bầu tóc bạc này.
Cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội, nuôi mộng vô địch
Trong lĩnh vực thể thao, ông Nguyễn Đức Kiên không chỉ là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, ông còn là Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội.
Bầu Kiên mua lại Hòa Phát Hà Nội, sát nhập hai đội lại để cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội. Tiếp theo, ông trùm ngân hàng gây chấn động dư luận khi chiêu mộ thành công ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam - Công Vinh. Bầu Kiên luôn miệng khẳng định ông không phá giá, nhưng ai cũng hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Công Vinh lật kèo Hà Nội T&T để về đầu quân cho CLB bóng đá Hà Nội.
Với những cầu thủ chất lượng như Công Vinh, Thành Lương, Timothy… CLB Hà Nội sở hữu lực lượng hùng hậu thuộc hàng số một Việt Nam.
Vướng vào vòng lao lý
18h30 ngày 20/8/2012, gần 60 trinh sát ập vào Ngân hàng ACB, vây bắt Bầu Kiên. Ông Kiên bị cáo buộc không có giấy phép và đăng ký hợp lệ cho ba công ty mà ông là giám đốc. Những công ty này có thể đã có những hoạt động thương mại trái phép.
"Bầu" Kiên thời oai hùng sở hữu những thứ mà nhiều người mơ cả đời cũng không được. Đến khi hầu tòa, hình ảnh ông với đôi dép tổ ong khiến nhiều người không khỏi bất ngờ...
Hình ảnh bầu Kiên với đôi dép tổ ong.
Sáng nay 27-5, ngày thứ 7 phiên xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với các bị cáo. Theo đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị 30 năm tù cho cả 4 tội danh. Cụ thể:
18-24 tháng tù về tội kinh doanh trái phép, phạt tiền 25-30 triệu đồng sung công quỹ, đề nghị tịch thu sung quỹ số tiền đã sử dụng vào việc kinh doanh trái phép; 4-5 năm tù về tội trốn thuế, truy thu gần 25 tỉ đồng số thuế đã trốn, tuyên phạt từ 2-3 lần số thuế đã trốn để sung công quỹ Nhà nước; 16-18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cấm điều hành quản lý chức vụ ở các tổ tức tín dụng từ 3-5 năm.
Và những giọt nước mắt mặn chát của một người chồng, người cha
Kìm nén những giọt nước mắt, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói lời sau cùng trước toà
Sáng ngày 2/6, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Bước vào ngày làm việc thứ 10, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghị án.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói rằng, lúc này đây tôi đang cần sự giúp đỡ của những người bạn thân để giúp đỡ gia đình tôi mà cụ thể là vợ tôi để vượt qua khó khăn. Khác với hình ảnh cứng rắn thường thấy, nói đến gia đình mình, "bầu" Kiên đã không kìm được cảm xúc và rơi nước mắt.
Ông gửi lời tới, mẹ, các em: “Tôi không cho em tôi kinh doanh, giữ vị trí tại ngân hàng vì không đủ trình độ, năng lực để giữ vị trí tại ngân hàng. Kiên mong các em không hận mình vì kinh doanh ngân hàng nhiều rủi ro”.
Ông khẳng định không bỏ trốn và nhận trách nhiệm về những gì mình làm. Ông cũng kìm nén để không bật khóc khi dặn dò con: Để làm người tốt phải làm gì, mong muốn các con lập nghiệp như thế nào và mong muốn con sẽ thay ông làm người đàn ông trong gia đình để làm chỗ dựa cho mẹ, cho gia đình.