Bẫy lãi suất từ ưu tiên vay tiền mua nhà

10:13, Thứ năm 09/05/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) – Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc cho vay mua nhà nhưng chỉ quy định lãi suất thấp trong 3 năm đầu còn sau đó thả nổi sẽ nguy cơ đẩy người dân vào bẫy tài chính.

Đời sống) – Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc cho vay mua nhà nhưng chỉ quy định lãi suất thấp trong 3 năm đầu còn sau đó thả nổi sẽ nguy cơ đẩy người dân vào bẫy tài chính.
[links()]
Thị trường bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh nhà đất đang trông ngóng từng ngày gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ đi vào cuộc sống, theo Dự thảo Thông tư về cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước đề xuất lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà là 6% trong 3 năm đầu và thả nổi các năm sau đó theo lãi suất thị trường.

Trả lời trên tờ VNE về quy định lãi suất này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, 6% là một mức lãi suất hấp dẫn nhưng nếu chỉ cố định trong 3 năm rồi thả nổi sau đó sẽ vô cùng bất ổn. Không có gì đảm bảo lãi suất sẽ không vọt lên 19-20% như từng xảy ra. 6% họ còn chịu được nhưng nếu cao hơn thì có thể rơi vào bẫy tài chính.

khong-cuu-bat-dong-san-Phunutoday.vn
Khi vay vốn ưu đãi để mua nhà nhưng lãi suất lại thả nổi người thu nhập thấp có nguy cơ "rơi tư do" cùng với bất động sản. Ảnh VnEconomy.

“Nhiều người dân sẽ vỡ nợ, việc bị siết nhà và ra đường là chuyện có thể tính tới”, ông Hiếu cảnh báo.

Ông Hiếu lo ngại sẽ có nhiều người sẽ liều mạng vay tiền để có một căn nhà. Họ cứ chậc lưỡi sau 3 năm tính tiếp, lãi suất thả nổi đến mức nào và trả được không thì họ chưa nghĩ đến. Như vậy là rất phiêu lưu, mạo hiểm và nhiều người Việt Nam sẽ làm vậy.

Hậu quả, theo ông Hiếu, lại là nợ xấu và ngân hàng sẽ siết nợ, thu hồi lại tài sản đó. Lúc này cả hai bên đều “thua”, ngân hàng dù lấy lại tài sản bán đi cũng chưa chắc bù lỗ được còn người dân thì mất nhà.

“Đừng để không chỉ bất động sản rơi tự do mà người dân cũng “rơi tự do” vì không có tiền trả nợ”, ông Hiếu cảnh báo.

Vì vậy, theo ông Hiếu, Nhà nước nên tính toán để cho vay với lãi suất từ 5-10% nhưng phải là lãi suất cố định. Thời gian trả nợ ít nhất 20, thậm chí 30 năm thì người dân mới chịu được. Nếu lãi suất thả nổi thì nên quy định rõ việc điều chỉnh sẽ dựa trên những chỉ số cụ thể nào (ví dụ như CPI) thay vì chỉ nói chung chung “dựa theo thị trường”.

Với người có nhu cầu vay vốn mua nhà, theo ông Hiếu, cần tính toán thu nhập của mình trong 3 năm vừa rồi có ổn định không. Nếu phải trả gốc và lãi cho ngân hàng quá 50% thu nhập mỗi tháng thì không nên vay.

Cũng cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cho rằng việc quy định mức lãi suất 6% cố định trong 3 năm đầu, còn những năm sau đó sẽ thế nào? Bài học về đại nạn cho vay bất động sản bên Mỹ đã có, nhưng chính chúng ta lại đi vào vết xe đổ của họ.

Người ta cho vay với lãi suất ba năm đầu rất thấp để tiếp thị, kể cả những người không có khả năng chi trả dài hạn cũng vay mua nhà vì lãi suất quá thấp. Sau ba năm họ cho vay với lãi suất cao hơn, có thể cao hơn 50% so với lãi suất ban đầu. Những người đi vay mua bất động sản không có khả năng chi trả, phải phá vỡ hợp đồng. Những hợp đồng cho vay thành nợ xấu không thu hồi được, ngân hàng ôm nợ xấu, cả nền kinh tế bị ảnh hưởng theo.

Ngân hàng Nhà nước giải thích, cho vay với lãi suất 6% vì hiện mức lạm phát là 6%. Giải thích đó càng khiến chúng ta lo ngại vì lỡ 3 năm nữa lạm phát lên 10% thì người dân sẽ chống đỡ thế nào? Thời hạn cho vay mua nhà thường là 10 – 20 năm, lại căn cứ vào lạm phát thì khác nào đặt cả người vay và ngân hàng thương mại vào rủi ro.

Tôi xin nhắc lại, ông Thành nói, cho vay mua bất động sản với lãi suất không cố định chẳng khác nào nhử người ta vào cái bẫy lãi suất thấp. Khi người ta vào bẫy rồi, chui vào rọ rồi thì lãi suất có thể đẩy lên tới mức nào tùy thích, điều đó là không thể chấp nhận được.

“Không thể chấp nhân một hợp đồng cho vay mua bất động sản với lãi suất không cố định. Rủi ro ở đây không chỉ đối với người mua mà còn cả ngân hàng và rộng hơn là cả nền kinh tế. Nói cụ thể hơn, người mua nhà chết, hệ thống ngân hàng chết thì sẽ kéo cả nền kinh tế chết theo”, ông Thành cảnh báo.

Tóm lại, ông Thành chốt, vấn đề hiện nay là hàng triệu người dân Việt Nam cần mua nhà chứ không phải chỉ vài trăm nghìn căn nhà đang bị kẹt.

  • P.V (Tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc