BĐS rơi tự do, nhà môi giới đổi nghề làm bảo vệ, bán... bia hơi?

( PHUNUTODAY ) - Thị trường nhà đất ế ẩm, thu nhập từ công việc môi giới BĐS gần như bằng không khiến nhiều nhà môi giới BĐS phải đi làm gia sư, bảo vệ, hầu bàn để... chờ thời!

(Phunutoday)- Thị trường nhà đất ế ẩm, thu nhập từ công việc môi giới BĐS gần như bằng không khiến đội ngũ nhà môi giới – “cò”  BĐS tại Hà Nội, từ trung tâm thành phố đến ngoại thành phải vật vã với đủ thứ nghề để mưu sinh.
[links()]
  Đổi nghề, mở quán bia hơi và đi buôn đồ gỗ

Sau hơn một năm bỏ làm công nhân xây dựng nay đây mai đó để chuyển hẳn sang làm môi giới BĐS, anh Nguyễn Văn Chí, ở xã Vân Côn (huyện Hoài Đức, Hà Nội) trở thành nhà môi giới BĐS số 1 trong xã.
Thị trường BĐS trầm lắng khiến nhiều nhà môi giới BĐS khốn đốn. Không thể sống được nhờ môi giới, nhiều người chuyển sang làm gia sư, bảo vệ hoặc thậm chí đi làm phục vụ bàn trong các quán ăn.
Anh kể, sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, thị trường nhà đất vùng ven Hà Nội sôi động khủng khiếp khiến người dân đua nhau đi làm môi giới BĐS. Và sự thật thì nhiều người làm môi giới BĐS vốn chỉ mất ít nước bọt đã thu về cả chục triệu đồng sau mỗi hợp đồng mua bán thành công.

Nhưng, làm nghề môi giới như đi câu, có người làm môi giới cả năm, dẫn vài chục lượt khách đi xem đất, tiền điện thoại mất rất nhiều nhưng cũng chả môi giới thành công vụ nào. Ấy vậy mà riêng anh, tuần nào cũng môi giới thành công ít nhất một vụ mua bán.

Mấy tháng đầu năm nay, thị trường BĐS bắt đầu có những dấu hiệu khó khăn, nhiều nhà môi giới BĐS ngao ngán bỏ nghề thì tháng nào anh Chí cũng môi giới thành công 2-3 vụ và điện thoại của anh lúc nào cũng bận vì khách hỏi thăm giá cả và đòi đi xem đất.

Thế nhưng đến mấy tháng trở lại đây, thị trường BĐS đóng băng, chẳng còn khách hỏi mua khiến người bán hàng số 1 như anh cũng khóc dở mếu dở vì không có việc làm.
Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, mới đây, anh Chí mở một quán bia cở cùng vợ bán hàng và chờ cơ hội quay lại nghề môi giới BĐS khi nào thị trường có dấu hiệu ấm trở lại. Song theo anh Chí, chắc anh sẽ phải bán bia dài dài, vì tình hình thị trường từ giờ đến cuối năm  khó mà hồi phục.

Cũng là một nhà môi giới BĐS thành công có tiếng trong khu vực, nhưng khi thị trường BĐS xuống dốc, anh Nguyễn Danh Tuấn, nhà môi giới BĐS khu vực An Khánh- An Thượng  cũng khốn đốn khi tạm phải nghỉ làm “cò” BĐS để chuyển nghề sang kinh doanh đồ gỗ.

Anh Tuấn cho biết, khi thị trường BĐS đang sốt nóng, anh là một “cò” môi giới có tiếng “mát tay, mát mồn” nên chẳng cần biển hiệu quảng cáo, người ta vẫn tìm đến anh nhờ môi giới.

Thế nhưng, tham vọng của anh là muốn mở một công ty chuyên môi giới BĐS nên anh đã quyết định thuê hẳn ngôi nhà mặt đường liên xã để lập ra văn phòng môi giới BĐS khá hoành tráng, với bàn ghế, máy tính nối mạng internet và rất nhiều bản đồ các dự án đô thị.

Tuy nhiên, ngay sau khi lập văn phòng môi giới, thị trường BĐS lao dốc không phanh và đóng băng giao dịch, văn phòng nhà đất mới mở chẳng có ai đến hỏi thông tin mua bán, cũng chẳng có giao dịch nên suốt ngày đóng cửa. Trong khi đó, anh Tuấn phải vùi đầu làm việc  ở cửa hàng kinh doanh đồ gỗ, chẳng còn thời gian ngó ngàng đến văn phòng môi giới BĐS anh mới mở.



Cũng giống với “cò” BĐS ở vùng ven, những “cò” BĐS tại các quận trung tâm Hà Nội, đặc biệt là những “cò” BĐS có xuất thân là người ngoại tỉnh cũng đang lâm vào cảnh khốn đốn khi thị trường BĐS trầm lắng. Nhiều “cò”, vì muốn tiếp tục làm môi giới BĐS và muốn trụ lại ở Hà Nội vẫn vật vã với nghề, trong khi rất nhiều người khác đành chấp nhận làm đủ thứ nghề để có thu nhập chờ cơ hội quay lại với nghề môi giới BĐS.
Nhiều nhà môi giới BĐS vẫn vật vã với nghề. Nhưng dù có trở thành nhân viên "đa năng’, họ cũng không có nhiều thu nhập vì thị trường quá trầm lắng.
Anh Nguyễn Việt Dũng, quê Thái Bình, hiện làm nhân viên môi giới cho một văn phòng môi giới BĐS trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết: đã mấy tháng nay anh không kiếm được một đồng nào từ nghề môi giới BĐS. Để tiếp tục cùng vợ bám trụ tại Hà Nội, anh phải đi làm gia sư kín cả tuần.

Theo anh Dũng, “cò” nhà đất, gọi sang hơn là nhân viên môi giới hoặc nhân viên kinh doanh làm việc tại các văn phòng môi giới hoặc sàn giao dịch BĐS, nếu được công ty trả lương, họ phải là những người kiếm được rất nhiều tiền về cho công ty. Song đa số nhân viên kinh doanh làm việc đều chỉ có thu nhập theo phần trăm hoa hồng của hợp đồng họ kiếm được.

Trong hoàn cảnh thị trường BĐS khó khăn, nhân viên kinh doanh không thể kiếm được hợp đồng, cũng không có lương, nhiều người đã phải bỏ nghề và làm đủ các nghề, từ gia sư, bảo vệ, cho tới nhân viên phục vụ bàn trong quán ăn.

Anh Nguyễn Văn Thủy, quê Nam Định, hiện sống tại quận Cầu Giấy cho biết: Chuyển sang làm môi giới BĐS hơn 1 năm nay, nhưng chỉ thời gian đầu tập tọng vào nghề, khi thị trường BĐS còn sốt nóng, cuộc sống của anh và gia đình còn tương đối dễ chịu vì thu nhập từ môi giới BĐS cũng rất khá.

Thế nhưng, khoảng 5,6 tháng trở lại đây thị trường đi xuống, anh quay cuồng đến chóng mặt khi nhảy qua làm việc không lương tại ngót chục văn phòng, công ty môi giới BĐS.

Không chỉ liên tục chuyển công ty, mà thị trường khó khăn khiến nhân viên kinh doanh như anh cũng đa năng khi liên tục phải chuyển phân khúc môi giới.

Theo anh Thủy, thời gian qua, thay vì chuyên sâu vào một phân khúc BĐS nào đó như nhiều nhà môi giới BĐS trước đó vẫn làm, anh bất đắc dĩ trở thành “chuyên gia” môi giới của rất nhiều phân khúc.

Chẳng hạn khi thị trường căn hộ, đất dự án trầm lắng, anh chuyển ngay sang lĩnh vực căn hộ cho thuê. Đến khi căn hộ cho thuê khó khăn thì lại phải chuyển sang đất thổ cư hoặc môi giới cho thuê nhà xưởng…

Chuyển qua nhiều công ty và môi giới nhiều phân khúc nhưng anh Thủy phải thú nhận, suốt mấy tháng qua, số tiền anh kiếm được nhờ môi giới BĐS chỉ vẻn vẹn mấy triệu đồng hoa hồng môi giới thành công một hợp đồng cho thuê căn hộ. Và, số tiền ấy không đủ tiền thuê nhà vợ chồng anh đang phải trả.

Theo anh Thủy, hiện ở Hà Nội, hầu hết nhà môi giới BĐS còn bám trụ với nghề cũng nhảy việc như cào cào và cũng phải trở thành nhân viên kinh doanh đa năng mới may nắm tìm được khách hàng.

Thế nhưng, thị trường BĐS vẫn trầm nắng và tiếp tục đi xuống khiến nhiều nhà môi giới BĐS tại Hà Nội, dù có gắn bó với nó đến mấy cũng phải bỏ nghề. Nhiều người, không biết làm gì hoặc chưa kiếm được việc làm khác, vẫn phải làm “cò” thì cuộc sống rất khó khăn và trở thành những… chúa nợ!
  • Nguyên Minh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn