Giám đốc CA Hòa Bình nói gì về nguồn gốc phát hiện gian lận điểm thi do lá đơn nặc danh

( PHUNUTODAY ) - Những nghi vấn về việc gian lận điểm thi tại Hòa Bình không phải do lãnh đạo tỉnh này và Bộ GD&ĐT phát hiện mà nó bắt nguồn từ một lá thư giấu tên của người dân gửi lãnh đạo tỉnh.

Liên quan đến vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, Đại tá Phạm Hồng Tuyến - Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, sự việc được phát hiện thông qua lá thư nặc danh được gửi đến lãnh đạo tỉnh để nói về việc một số học sinh học kém mà điểm thi cao.

Theo Đại tá Tuyến, ban đầu, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình nhận được một lá đơn liên quan đến kết quả thi. Lúc này, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo Sở Nội vụ, ngành Công an, Giáo dục.

Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình

Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình

Trong cuộc họp tại văn phòng UBND, Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo bàn giao sự việc cho Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình phối hợp đơn vị nghiệp vụ rà soát kỹ, làm rõ các vấn đề liên quan. Từ đây, những dấu hiệu sai phạm trong việc can thiệp điểm bài thi dần lộ ra và những người liên quan được triệu tập lên làm việc.

Trước đó, ông Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình cũng cho biết, nguồn gốc xuất phát những nghi vấn của kỳ thi THPT năm nay là từ một lá đơn của người dân liên quan đến kết quả thi. 

Ngay sau khi nhận và nghiên cứu lá đơn, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo Sở Nội vụ, ngành công an, giáo dục. Trong cuộc họp tại văn phòng UBND, chủ tịch tỉnh chỉ đạo bàn giao sự việc cho Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình làm rõ các vấn đề liên quan.

Sau đó, Sở GD&ĐT kiểm tra và báo cáo đến Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT sau đó cử đoàn về chấm thẩm định các bài thi THPT ở Hòa Bình. Sau khi chấm thẩm định, kết quả điểm chấm thẩm định công bố ngày 23/7 trùng khớp với điểm công bố ngày 11/7.

Mặc dù vậy, sau khi Bộ GD&ĐT ra công văn 3060 yêu cầu 63 tỉnh thành rà soát lại tất cả các bài thi của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, tỉnh Hòa Bình vẫn tiếp tục cho kiểm tra và ngành công an vào điều tra. Sau đó, phát hiện nhiều điểm bất thường và ngành công an đã vào cuộc làm rõ.

Nguồn gốc gian lận điểm thi ở Hòa Bình là từ một lá thư của người dân

Nguồn gốc gian lận điểm thi ở Hòa Bình là từ một lá thư của người dân

Sau khi củng cố tài liệu, sáng 3/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận hồ sơ và chỉ đạo Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự.

Chiều cùng ngày, Cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 2 bị can:

Đỗ Mạnh Tuấn (39 tuổi, Phó hiệu trưởng Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình).

Nguyễn Khắc Tuấn (37 tuổi, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình) về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự. 

Trước đó, theo phân tích dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT cho thấy, số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên của tỉnh này là 27 em, chiếm 4,8% cả nước dù số thí sinh chỉ chiếm chưa đến 1%. Trong khi với đề thi Toán năm 2017 được đánh giá dễ hơn nhiều so với năm nay, tỉnh này chỉ có 100 em đạt 9 điểm trở lên, chiếm 0,46% cả nước.

Năm 2018, số lượng bài thi Toán đạt từ 9 trở lên ở Hòa Bình gần tương đương TP. HCM (thí sinh ở TP.HCM nhiều gấp 10 lần Hòa Bình) và gấp đôi Nam Định - tỉnh có số thí sinh dự thi môn Toán gấp đôi Hòa Bình.

Tỷ lệ bài thi Toán đạt từ 9 trở lên tại Hòa Bình đạt 0,3%, gấp mức chung của cả nước 5 lần, gấp Hà Nội 3 lần và TP.HCM 7,5 lần. Hòa Bình đứng thứ hai cả nước, sau Hà Giang (trước khi điều chỉnh điểm), vượt Sơn La - tỉnh cũng có điểm thi bị can thiệp.

Theo một nguồn tin, dấu hiệu sai phạm trong chấm thi ở Hòa Bình cũng giống như ở Sơn La, đó là bài thi được tẩy xóa, chỉnh sửa trước khi đưa vào máy quét nên việc trả về điểm thực của những bài thi này sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian. 

Tuy nhiên bất thường trong những bài thi bị chỉnh sửa, tẩy xóa đáp án ở Hòa Bình hầu như chỉ tập trung ở một điểm thi dành cho thí sinh thí sinh tự do.

Một "đặc điểm nhận dạng" là những bài thi bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án thì trước đó thí sinh đều chọn duy nhất một đáp án cho tất cả các câu trả lời. (Ví dụ, câu nào cũng chọn đáp án trả lời là D).

Sau khi tẩy xóa đáp án mà thí sinh đã chọn và sửa bằng đáp án khác thì những bài thi này đều có kết quả từ 8 điểm trở lên.

Cũng chính vì việc chỉnh sửa, tẩy xóa trên phiếu trả lời trắc nghiệm được thực hiện trước khi đưa vào máy quét nên dù hội đồng chấm thẩm định đã rút toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm gốc các bài thi đạt từ 8 điểm trở lên đối với các môn thi trắc nghiệm để tổ chức chấm thẩm định nhưng kết quả cho thấy 100% bài thi đã chấm thẩm định trùng khớp với kết quả chấm thi, không thay đổi điểm so với kết quả do hội đồng thi Sở GD-ĐT Hòa Bình đã công bố.

Tuy nhiên, các thành viên trong hội đồng chấm thẩm định trong quá trình làm việc đã phát hiện lập biên bản tất cả những dấu hiệu bất thường này và sau đó báo cáo Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia. 

Sau đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc vì những dấu hiệu bất thường này chỉ có thể được điều tra, làm rõ bởi cơ quan có nghiệp vụ.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn