Bệnh lạ vô phương cứu chữa ở Mường Chiềng

10:28, Thứ sáu 12/08/2011

( PHUNUTODAY ) - Nếu có phép màu nhiệm, chắc chắn những sinh linh ấy sẽ ước ao mình chưa từng được sinh ra trên cõi đời này. Với họ, cuộc sống dương gian cũng chẳng khác gì địa ngục với trăm vạn nhục hình.

(Phunutoday) - Nếu có phép màu nhiệm, chắc chắn những sinh linh ấy sẽ ước ao mình chưa từng được sinh ra trên cõi đời này. Với họ, cuộc sống dương gian cũng chẳng khác gì địa ngục với trăm vạn nhục hình.
[links()]
Cách thành phố Hòa Bình mấy chục cây số nhưng Mường Chiềng xa xôi lắm. Muốn đến xã này phải vật lộn với không biết bao nhiêu đèo dốc cùng những khúc quanh co gấp tay áo. Tuy heo hút vậy nhưng thời gian gần đây, vùng đất này bỗng dưng nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi người. Sự nổi tiếng đó chẳng bởi chốn xa xôi này đang cất giấu những dị thảo kỳ hoa mà bởi một căn bệnh lạ lùng, quái ác xuất hiện đã lâu nhưng đến giờ mới được… công bố! Chứng bệnh ấy khiến những người không may dính phải bị biến dạng mặt mày, thịt da lở loét, rồi thê thảm tử vong.
 
r
Cháu Tâm và bố (anh Xa Văn Quan).
 
Đóng cũi nhốt con

Chúng tôi thấy thằng bé Xa Văn Tâm ở trung tâm xã Mường Chiềng trong một ngày hè hầm hập. Trời như đổ lửa nhưng nó cứ lê la khắp nơi. Khi thì ở chợ, khi thì vật vạ ở mấy quán cơm bình dân. Người ta đuổi nó như đuổi hủi. Mặt nó, cổ nó, vai nó là chi chít những vết lở loét. Thịt bóc ra từng miếng đỏ au. Ngày nào cũng thấy mặt nhưng nó vẫn khiến những người quen ấy khiếp sợ. Nó lâu ngày không tắm. Nó lem luốc, nhếch nhác từ đầu đến chân. Nó có gia đình, có bố có mẹ. Bố mẹ nó cũng thương nó, cũng khóc thảm thương trước nỗi đau vô bờ của nó. Thế nhưng, đến giờ, dường như nước mắt đã cạn, niềm đau đã sạn chai nên phó mặc nó cho số phận đẩy đưa.
   
Nhà Tâm ở xóm Chiềng Cang, cách trung tâm xã chừng 2 cây số. Ngôi nhà sàn chênh vênh trên sườn núi, trống huơ trống hoác. Thấy có khách lạ, anh Xa Văn Quan, theo như giới thiệu là bố của Tâm luống cuống mời chúng tôi vào nhà. Nói chuyện Tâm, anh Quan bùi ngùi. Một thoáng bối rối, anh giãi bày, thấy Tâm lang thang, nhiều người đã buông lời trách móc. Họ bảo, những người sinh ra cậu bé đáng thương ấy đã không làm tròn bổn phận làm cha, làm mẹ của mình. Trước những tiếng bấc tiếng chì ấy, anh chỉ biết nghe rồi nuốt nước mắt vào lòng chứ chẳng biết làm gì hơn. Trời bắt con anh khổ, bắt vợ chồng anh khổ thì đành cắn răng chịu vậy.

Theo anh Quan thì năm 1997, gia đình anh ngập tràn niềm vui sướng khi đón thêm một thành viên mới là Tâm. Niềm vui được làm bố khiến anh cảm thấy việc nương rẫy, đồng áng nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, niềm hân hoan đó đã nhanh chóng biến thành nỗi lo lắng, hoảng sợ khi trên thân thể con anh có nhiều biểu hiện lạ thường. Khi Tâm được vài tháng tuổi thì những nốt mẩn đỏ bắt đầu từ trán lan dần xuống ngực, xuống cổ và chạy khắp hai vai. Thằng bé ngứa, chân tay khua khoắng loạn xạ trông rất tội.
h
Vết lở loét trên người cháu Tâm.
 
Đem con ra trạm xá, rồi bệnh viện huyện, tỉnh các bác sĩ chỉ kết luận cháu bị bệnh ngoài da chứ cụ thể là bệnh gì thì không ai biết. Mua thuốc theo đơn, bôi mãi mà những vết mẩn đỏ, rồi lở loét trên không những không giảm mà càng lan rộng hơn, sâu hơn. Tây y bất lực thì viện đến đông y. Người Mường ở Hòa Bình có nhiều bài thuốc lạ, được truyền lại từ nhiều đời nay, hy vọng hợp thày hợp thuốc, bệnh ác hành hạ con mình sẽ hết, anh đã đưa con đi khắp nơi, gặp tất thảy những thày lang có tiếng trong vùng. Thế nhưng, đó là việc làm vô nghĩa.

Tây y, đông y đều bó tay, trong cơn tuyệt vọng, anh mời cả thầy mo về cúng để đuổi “con ma”, “con quỷ” đang hành hạ con mình. “Ngày ấy, vợ chồng tôi như phát điên phát dại, ai bảo gì thì nghe nấy, chỉ mong sao con mình được giống người ta. Thế nhưng, tất cả đều như muối bỏ biển!”. Mắt rơm rớm, anh Quan nghẹn ngào kể.
   
Tâm càng lớn bệnh tình ngày càng nặng thêm. Những mảng da thịt non nớt như bị cả ngàn đàn kiến gặm nhấm, mỗi ngày một sâu hoắm. Khổ nhất là những hôm trời nắng nóng, mồ hôi làm những vết đau bỏng rát, ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Những hôm như thế, Tâm như phát điên. Gào khóc chán, cậu bé hết đứng lại ngồi, chán thì vùng chạy như ma xua quỷ đuổi. Ngày ấy, cứ mỗi khi con bị “giời hành”, vợ chồng anh Quan phải cắt cử nhau trông con bởi sợ nhỡ không chịu nổi cơn đau hành hạ, thằng bé lại nhảy xuống ao, xuống suối thì nguy.
Em Xa Văn Thành buồn bã ngồi ngắm mọi vật qua khung cửa sổ
Em Xa Văn Thành buồn bã ngồi ngắm mọi vật qua khung cửa sổ.
Càng lớn, Tâm càng phản ứng dữ dội hơn với những cơn đau thể xác của mình. Nhà neo người, bởi mưu sinh, nên vợ chồng anh Quan cũng chẳng thể “trực chiến” suốt ngày bên con được. Thế nên, hễ thấy khó chịu trong người là Tâm vụt chạy. Mỗi lần con bỏ nhà đi, vợ chồng anh Quan lại nháo nhào khắp nơi tìm về. Tìm Tâm không phải dễ bởi thằng bé nhanh như con sóc, khi thịt da bỏng rát có thể liều mình đến bất cứ đâu. Khi thì vợ chồng anh thấy con mình ở chợ, ở bờ suối, có lúc thì ở tít ngọn cây.
   
Anh Quan kể, trước đây, anh đã đóng cũi và cùm thằng bé ở đó mỗi khi nó có ý định bỏ đi. Tuy nhiên, nhìn thằng bé giãy giụa, gào thét trong “buồng giam” ấy, vợ chồng anh không thể cầm lòng. Vậy là lại phải thả. Vậy là thằng bé lại tiếp tục lang thang. Chừng hơn một năm nay, Tâm thường bỏ đi đến cả tháng trời. Cứ khi nhớ, vợ chồng anh lại lặn lội tìm con về. Ở nhà được vài ngày, Tâm lại vụt đi.

Nỗi đau chất chứa

Căn bệnh quái ác này xuất hiện ở Mường Chiềng từ bao giờ, không ai biết! Bà Xa Thị Thành, Trưởng Trạm y tế xã cho biết, gia đình đầu tiên phải nếm trải nỗi đau đớn tuyệt vọng này là gia đình ông Xa Văn Mính, ở xóm Nà Mười. Ông Mính 62 tuổi, tóc bạc như cước. Có lẽ, những ngày lam lũ nuôi bày con bệnh tật, những đêm thức trắng bởi những dằn vặt khổ đau đã khiến ông già trước tuổi.
g
Cháu Xa Mạnh Cường cũng có những dấu hiệu của căn bệnh quái ác này.

Hôm chúng tôi đến cũng vừa lúc ông đi nương về. Theo chân ông là anh Xa Văn Mẫn, một người con cũng đang vật lộn với căn bệnh quái ác này. Anh Mẫn tay ôm bó rau rừng, thấy khách lạ cứ đứng trân trân với ánh mắt hoảng hốt, ngầu đục. Ông Mính bảo, tuy mang trên mình trọng bệnh nhưng 2 đứa con của ông rất chăm chỉ. Hôm nay, Mẫn giúp ông thả trâu. Khi rảnh, anh đi hái rau rừng, đi tìm nấm mối. Khi trâu căng bụng, gùi rau rừng trên lưng Mẫn cũng đầy ú hụ, lặc lè.

Mẫn và Nam, cậu em trai của mình, tuy hơn nhau vài tuổi nhưng giống nhau như hai giọt nước. Nếu không phải người trong gia đình thì khó có thể biết người nào là anh, người nào là em. Đau đớn thay, sự ưu ái về hình vóc bề ngoài ấy không phải do trời sinh ra thế mà do bệnh tật. Căn bệnh quái ác làm mặt mũi, hình dáng của hai anh em bị biến dạng, dúm dó như nhau.

Đi bộ đội về sau ngày thống nhất đất nước, ông Mính lấy vợ. Vợ ông là cô gái ngoan hiền cùng xã. Ngày ấy, hai vợ chồng trẻ đã tay trong tay ấp ủ bao nhiêu mộng ước đẹp đẽ để xây đắp hạnh phúc bền lâu sau này. Mảnh đồi chênh chếch sát bên con suối bốn mùa trong vắt là nơi đôi uyên ương dựng xây mái ấm ấy đã vỡ òa hạnh phúc khi đứa con đầu lòng cất tiếng khóc chào đời. Thế nhưng, niềm vui lớn lao ấy đã hóa thành nỗi đau tê tái.
 
Thằng bé Khoa, đứa con đầu lòng ấy mới đầy cữ thì mặt nổi đầy những nốt mẩn lạ. Thuốc thang khắp nơi nhưng chẳng ăn thua gì. Khi tuổi nó lên 3, nó đã mang một khuôn mặt đáng sợ. Những vết mẩn thủa nào bị nó cào cấu, ránh toe toét. Mặt nó méo xệch, thẹo này chưa liền da thì thẹo khác lại vỡ toác. Ông Minh thấy ruột gan mình đứt lìa từng khúc. Hàng xóm láng giềng thương thằng bé nhưng chẳng ai dám đến gần chứ đừng nói chi bế bồng, ve vuốt. Thậm chí, nhiều người còn ác mồm bảo, vợ chồng ông sinh ra quỷ. Ông Mính kể, khi ấy, có thời gian, chẳng ai dám đến nhà ông. Người ta sợ ma quỷ ám vào mình.

Như nhiều dân tộc khác, người Mường luôn khát khao có con trai nối dõi tông đường. Thế nên, cất gói nỗi sợ hãi, vợ chồng ông lại run rẩy đón đứa con thứ hai. Thằng bé tên Khe, kháu khỉnh vô cùng. Thế nhưng, cũng như anh nó, vừa đầy tháng là trên mặt, trên đầu nó lại xuất hiện những nốt, dấu lạ lùng. Khi ấy, vợ chồng ông cứ ôm nhau mà khóc. Khóc thương con, khóc thương mình, khóc để trách ông trời đã cay nghiệt gieo rắc tội tình. Tột đỉnh đau đớn khi những đứa con tội nghiệp đó đã rời bỏ vợ chồng ông trở về với đất với rừng. Khoa mất khi vừa tuổi vừa lên 7. Khe đoản mệnh hơn anh, giã từ cõi sống khi mới 3 tuổi, khi mới chập chững đi lại trong nhà.
   
f
Thành chỉ có chú chim làm bạn.
 
Mất con, vợ chồng ông hóa câm, hóa lặng. Hai người sống như một cái bóng lầm lũi. Khát khao có con, mong được nghe hai tiếng bố mẹ, vượt qua nỗi sợ hãi, vợ chồng ông tiếp tục gieo niềm hi vọng. Thế nhưng, đứa con thứ 3 (Xa Văn Mẫn), thứ 4 (Xa Văn Nam) đều mang trên mình chứng bệnh kỳ dị trên, duy chỉ có hai người con út là đến giờ chưa thấy triệu chứng đau đớn đó. Ông Mính bảo, cứ khi một đứa con chào đời là vợ chồng ông gầy rộc bởi mất ngủ quên ăn. Khi con còn ẵm ngửa, đặt trên nôi, nhưng làm bất cứ việc gì chỉ được vài phút là vợ chồng ông lại chạy vào hồi hộp ngắm nghía báu vật của mình. Mỗi lần như thế, hễ con bình thường thì thở phào nhẹ nhõm còn hễ thấy trên mặt con có biểu hiện gì khác thường là lại cuống cuồng đứng ngồi không yên, nước mắt đầm đìa vật vã.
   
Ông Mính không nhớ tuổi chính xác của hai người con bệnh tật của mình. Mẫn và Nam cũng không biết chính xác mình bao nhiêu tuổi. Từ khi sinh ra, bởi hình hài xấu xí, cả hai cứ lủi thủi trong nhà, hoặc trên rừng, trên nương vắng nên chẳng giao tiếp với ai. Ai gặp cũng ngượng ngùng, nói được vài câu rồi lại tìm chỗ khuất ẩn mình. Thương lắm!
   
Những sinh linh cô độc
 
Thằng bé Tâm lang thang khắp các ngóc ngách, xó xỉnh nhưng chẳng nói chuyện với ai. Cứ thấy người lạ nhìn mình thì giơ cánh tay khẳng khiu lên che mặt rồi ù té chạy. Đến bất cứ đâu, thấy có người, nó đứng xa cả mấy chục mét rồi ném về đám đông với ánh mắt thèm thuồng lẫn sợ sệt. Chị Hà Thị Lành, nhân viên Trạm y tế Mường Chiềng bảo, thằng bé Tâm hay lân la trước cổng trường học. Tuy nhiên, nó chỉ đến đó khi đám học sinh đã yên vị trong lớp. Có hôm nó đứng đó cả buổi, khi trường tan mới lũi cũi đi. Chắc nó thèm được tới lớp, thèm được ríu rít nô đùa cùng các bạn trang lứa.
 
v
Những vết ngứa đã lan xuống chân anh Xa Văn Nam, con ông Mính.

Chạc tuổi như Tâm, thằng bé Xa Văn Thành (ở xóm Chum Nưa) chỉ loay hoay ở chân cầu thang nhà sàn. Cầu thang có 9 bậc, nó thuộc từng vân gỗ. Mỗi sáng dậy, nó ngồi bệt ở đó, phóng mắt xuống đường, nơi có mấy đứa trẻ tung tăng qua lại. Ngồi chán ở cầu thang thì nó lại leo lên nhà, ngồi ở đầu chiếc giường mà bố mẹ dành riêng cho nó, nơi có bậu cửa không có chấn song. Ở đó, nó có thể nhìn thấy hết thảy mọi thứ. Nó thích ngắm bầu trời bao la, nơi có những đám mây cô độc. Nhà nó có 4 anh em. Nó là con thứ. Anh của nó, như bố mẹ kể, cũng bị bệnh như nó, đã chết trước khi nó được sinh ra. Nó ước anh nó còn sống. Mong muốn thế bởi nếu còn sống, chung cảnh ngộ như nó thì nó sẽ có bạn, không phải tối ngày lủi thủi một mình.
   
Mấy hôm nay bố mẹ đi nương. Mấy đứa em của Thành cũng theo bố mẹ lên đó cả. Nó ở nhà một mình, chơi với con chim chào mào mà bố nó bắt được. Con chim lông lá xõa xượi bởi bị nhốt trong chiếc lồng bé xíu. Nó thương con chim lắm bởi nghĩ con chim cũng chẳng khác gì mình. Con chim bị bố nhốt trong lồng còn nó thì bị bệnh tật nhốt trong ngôi nhà tuy rộng thênh thang nhưng chỗ nào cũng quen thuộc, nhàm chán. Mấy lần Thành định mở cửa lồng, thả tự do cho con vật đáng thương đó thế nhưng, nghĩ nó vụt bay sẽ bỏ lại mình cô đơn buồn tủi nên thôi.
   
s
Hai người con tội tình của ông Mính.
 
Cậu trai Xa Văn Hiệp ở cạnh nhà Thành. Năm nay đã hơn 20 tuổi nhưng cũng giống như Thành, Hiệp chẳng mấy khi ra khỏi ngõ. Ở nhà nhưng Hiệp mặc áo kín cổ. Chắc cậu không muốn ai phải thấy thân hình xấu xí của mình. Cúi gằm mặt, Hiệp bảo, Hiệp cũng chẳng thích ru rú trong nhà. Thế nhưng, mỗi khi ra ngoài, mọi người lại chỉ trỏ, có người còn sợ hãi bỏ chạy khi thấy mình thì tủi lắm. Thôi cứ trốn đời để níu giữ bình yên mong manh vậy.
   
Chờ ngày được… chết!

Tính tới thời điểm này, kể cả những người đã chết thì ở Mường Chiềng đã có 10 người mắc căn bệnh quái ác trên. Ban đầu nhiều người cho rằng, họ là nạn nhân của chất độc da cam. Ông Mính trước đây có đi bộ đội, đóng quân ở Tây Nguyên. Có thể trong thời gian đó, ông đã nhiễm chất độc diệt chủng này. Tuy nhiên, sau này, khi nhiều gia đình khác cũng có con mắc bệnh dù bố mẹ, ông bà không tham gia quân ngũ thì nguyên do này đã được loại trừ. 
     
Năm ngoái, khi biết tin về căn bệnh quái ác trên, Viện Da liễu quốc gia đã lên tận nơi tìm hiểu và đưa một số bệnh nhân ở xã này về Hà Nội chữa trị dài hạn. Người may mắn được đi lần đó là Xa Văn Hiệp. Bà Xa Thị Hạc, mẹ của Hiệp kể, ngày đưa con đi, gia đình bà đã gửi gắm theo bao nhiêu hi vọng. Trước đây, như nhiều gia đình có con bị bệnh ác này hành hạ, vợ chồng bà đã lặn lội khắp nơi để tìm thầy, tìm thuốc chữa trị cho con.
 
Thế nhưng, hết Tây y, đông y rồi cả cúng bái linh đình nữa mà bệnh của con chỉ thấy nặng thêm nên ai cũng thấy nản, thấy buồn. Nghe các bác sĩ nói, đưa về Hiệp về Hà Nội, chữa trị dài hạn, lại chẳng mất đồng nào nên hi vọng đã tắt ngấm từ lâu được nhen nhóm trở lại. Sau 3 tháng trời ăn trực nằm chờ ở thủ đô, dù được các y bác sĩ quan tâm, tận tình chạy chữa bằng các biện pháp tiên tiến, hiện đại, thế nhưng, con bà vẫn “chứng nào tật ấy”. Như sâu, như mọt gặm nhấm đêm ngày, những vết lở loét vẫn làm con trai bà đau điếng.
   

   
Bà Hạc kể, ngay hôm bà và Hiệp trở lại Mường Chiềng, nhiều người trong xã đã đến hỏi thăm. Đương nhiên, trong số ấy không thể thiếu những người có con có bệnh như Hiệp. Nghe bà Hạc truyền đạt lại những lời trên, ai cũng ôm mặt thở dài. Buồn nhất là ông Xa Văn Mính, bố của Mẫn và Nam. Theo người cha tội nghiệp này thì mấy năm nay, sức khỏe của hai con ông có nhiều phần giảm sút. Nhìn những bước đi run rẩy của chúng, ông biết, lá xanh sẽ rụng trước lá vàng, đau xót lắm nhưng như thế cũng là may. Thôi thì trời không thương, không cho chúng một thân xác khỏe mạnh, sống lay lắt, tủi buồn trên cõi đời thì sống để làm gì.
Theo chân chị Hà Thị Lành, nhân viên trạm y tế Mường Chiềng, chúng tôi tới xóm U Quan, thăm gia đình cháu Xa Mạnh Cường, mới được 2 tháng tuổi. Theo chị Lành, trên thân thể cháu Cường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu của căn bệnh quái ác trên. Nếu đúng cháu Cường lại tiếp tục nhiễm chứng bệnh này thì đây quả là chuyện vô cùng đau xót. Theo chị Lành, những đứa trẻ mắc chứng bệnh nan y này hiện giờ đều đã trên 10 tuổi. Trước đây, tham gia khảo sát, ai cũng nghĩ chứng bệnh quái ác trên đã không còn trở lại vậy mà…
  • Phóng sự của
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc