Bệnh truyền nhiễm: Doanh nghiệp "dọa" Nhà nước?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Thời gian gần đây người ta liên tiếp được chứng kiến những vụ việc doanh nghiệp 'dọa' Nhà nước, khiến không ít người cho rằng đây đang là một thứ bệnh lây lan rất nhanh trong nền kinh tế của nước ta.

Doanh nghiệp 'doạ' ngưng xuất vì thuế VAT

Tại hội nghị bàn giải pháp xuất khẩu càphê niên vụ 2013 – 2014 của nhóm 20 nhà xuất khẩu càphê hàng đầu diễn ra hôm 24/9 tại TP.HCM, các doanh nghiệp đã tỏ ra vô cùng bức xúc vì bị cơ quan thuế “ngâm” quá lâu hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào, khiến họ lâm cảnh thiếu tiền, mà thiếu tiền thì chẳng ai giữ được bình tĩnh, lịch lãm nên họ đổ quạu là đương nhiên: dọa ngưng xuất khẩu, chết thì thôi, cóc cần đi buôn nữa…

Hoàn toàn không phải là chuyện vợ chồng giận nhau, không làm gì được nhau nên chửi đổng hoặc lôi con ra quật cho mấy roi theo kiểu giận cá chém thớt đâu nhé, đây là kiểu dằn dỗi theo cách "tao nhịn ăn cho mày chết đói..." rất chi là kỳ cục nhưng cũng rất chi là hiệu quả đấy nhé. Đừng có mà đùa!

Phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, doanh nghiệp đã 'dọa' ngưng xuất khẩu càphê nếu Nhà nước không hoàn thuế VAT

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch thường trực hiệp hội Càphê Việt Nam (Vicofa), cho biết niên vụ vừa qua ngành càphê Việt Nam gặp không ít khó khăn, xuất khẩu giảm cả về sản lượng lẫn giá trị khi chỉ đạt 1,4 triệu tấn (giảm 23,7%) và 2,8 tỉ USD (giảm 22,8%) so niên vụ trước.

Đi kèm với tình hình xuất khẩu giảm sút là giá càphê trong nước liên tục biến động theo chiều hướng xấu, từ trên dưới 40.000 đồng/kg hồi năm ngoái, nay chuẩn bị vào vụ mới còn 36.000 đồng. Khó khăn vẫn chưa hết đâu nhé, liên tiếp trong hai năm gần đây, kinh doanh xuất khẩu càphê rất khó khăn, doanh nghiệp mua cao bán thấp, thua lỗ triền miên, hàng loạt công ty lớn phá sản, vỡ nợ liên tục xảy ra, nợ xấu chưa trả của toàn ngành còn trên dưới 8.000 tỉ đồng. Thấy chưa, kinh doanh buôn bán có phải chuyện đùa đâu! Mà đi buôn thì ai chả mong có lãi lớn, nhưng các đại gia buôn cafe đã cắn răng mua đắt bán rẻ làm phúc cho dân cho nước này nhiều rồi, lỗ to rồi...Y như các đại gia vinacomin, EVN, VPN...triền miên ca bài ca đi buôn lỗ vốn mà dân ta chẳng biết điều tẹo nào!

Tuy nhiên, bức xúc lớn nhất được cộng đồng doanh nghiệp càphê phản ánh đó là việc chậm được hoàn thế VAT đầu vào. Thông thường, doanh nghiệp xuất khẩu càphê mua hàng qua khâu trung gian và phải trả thuế VAT 5% trực tiếp trên giá mua khi xuất hoá đơn và người bán hàng (khâu trung gian) có trách nhiệm nộp lại khoản thuế này cho cục thuế địa phương. Điều kiện được hoàn thuế là doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu hàng đi nước ngoài. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay hầu hết đều bị cơ quan thuế “ngâm” hồ sơ khiến họ không thể thu hổi được tiền thuế VAT đã bị thu trước đó. Tình trạng này, theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa, đang trở nên phổ biến ở các doanh nghiệp. Có doanh nghiệp đã gần nửa năm nay không được hoàn lại hàng chục tỉ đồng thuế VAT, nên khả năng phải ngưng xuất khẩu trong niên vụ tới là rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu nông sản Packsimex, TP.HCM bức xúc: “Nếu công ty chúng tôi không được giải quyết hoàn thuế thì ngay trong tuần tới chúng tôi sẽ gửi công văn lên bộ Công thương, Thành uỷ, UBND TP.HCM, Tổng cục Thuế xin ngưng xuất khẩu càphê, đồng thời thực hiện biện pháp giảm người, đẩy lao động ra đường”.

Chà, đanh thép làm sao, kiên quyết làm sao chứ! Ý tứ của lời đe dọa này chả khác nào nói huỵch toẹt ra rằng: dân trồng cafe và cả một khối nhân lực đang làm việc trong chính các công ty, tập đoàn cafe là dân của....Bộ Công thương, của Thành ủy, của Tổng Cục Thuế Việt Nam chứ không phải là nhân công, nhân lực của ngành cafe đâu nhé. Các đại gia buôn cafe đang nuôi hộ, gánh hộ, bảo hộ hay cái quái gì đó tương tự như nuôi osin không công cho nhà nước này đấy. Nói một cách khác giản dị và dễ hiểu hơn thì là: Nhưng người lao động thấp cổ bé họng trong ngành cafe sống dưới bóng các đại gia buôn cafe cũng như nàng dâu khốn khổ sống trong nhà mẹ chồng đã giàu lại còn khó tính và lời "dọa" của các đại gia này tương tự như lời đe dọa tống cổ nàng dâu ra khỏi cửa của bà mẹ chồng vậy. Con ai người nấy xót, xót con thì liệu mà...sống thoáng đi, nôn tiền ra đi...

Sở dĩ các đại gia buôn cafe đổ quạu, đe dọa như thế là cũng có lý do lý trấu thật, hãy nghe Bà Mai trần tình nỗi khổ thì thấy ngay thôi: Packsimex xuất khẩu nhiều mặt hàng, kim ngạch trung bình khoảng 45 triệu USD mỗi năm, trong đó có khoảng 1/3 là càphê, nhưng từ khi có công văn quy định hoàn thuế mới của bộ Tài chính thì công ty không thể nào được hoàn thuế VAT. “Chỉ cần 12 tỉ đồng của chúng tôi không được hoàn sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền luân chuyển, cho dù lãi suất bây giờ đã hạ nhưng vẫn phát sinh thêm vào kết cấu giá thành, làm giảm đáng kể tính cạnh tranh với hàng hoá thế giới”, bà Mai nói.

Doanh nghiệp cho biết trước đây sau khi xuất khẩu xong họ chỉ cần nộp hồ sơ, hoá đơn là được hoàn thuế (hoàn trước, kiểm sau) nhưng từ ngày 1/7/2013, công văn 7527 của bộ Tài chính quy định cơ quan thuế phải tiến hành kiểm tra đầy đủ hoá đơn đến người bán hàng đầu tiên, nếu đạt thì doanh nghiệp mới được hoàn thuế (kiểm trước, hoàn sau). Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp càphê mua hàng qua trung gian, có khi hàng hoá đó đã được mua đi bán lại qua nhiều tầng nấc nên nếu chờ để cơ quan thuế truy đến người bán đầu tiên thì phải mất cả năm trời. Thậm chí, nếu có một khâu nào đó trong mắt xích bán hàng gian lận, trốn thuế thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng không được hoàn thuế.

Petrolimex hờn dỗi dọa bỏ độc quyền kinh doanh xăng

Và doanh nghiệp mở đầu cho làn sóng 'dọa' Nhà nước chính là Petrolimex. Nhắc đến xăng dầu Việt Nam tất nhiên phải nhắc đến Petrolimex, doanh nghiệp chiếm 50% thị phần xăng dầu cả nước. Mặc dù lợi nhuận lớn khi được hưởng chênh lệch từ giá xăng trong nước với thế giới, được thống lĩnh thị trường là vậy nhưng trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimnex cho biết ông cảm thấy quá mệt mỏi.

Liên tục bị dư luận yêu cầu giải thích tình hình kinh doanh, các khoản lỗ lãi, Petrolimex đã dọa thoái vốn kinh doanh xăng dầu

Ông Năm nói rằng: "Thực sự tôi không muốn nói về vấn đề này nữa. Bởi như thế nào là lãi cao, lãi thấp? Doanh nghiệp (DN) cũng chỉ làm theo quy định vì lợi nhuận định mức DN được hưởng là như thế. Tôi thấy rất thất vọng về cách một số tờ báo nhìn nhận vấn đề này. Còn nếu mọi người muốn xăng dầu không có lãi thì có thể kiến nghị với Chính phủ để nhà đầu tư họ thoái vốn chứ đừng để Petrolimex suốt ngày rơi vào tình trạng phải đi giải thích.

Vì ngay từ sau khi công bố lợi nhuận định mức, Petrolimex đã có giải thích rất rõ ràng và đăng tải trên website của mình. Trong đó, đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu sáu tháng đầu năm 2013 tại Việt Nam của Petrolimex chỉ đạt bình quân 94 đồng/lít, kg. Như vậy đã chứng minh có chu kỳ DN đầu mối có thể đạt được lợi nhuận định mức tối đa theo quy định tại Thông tư 234 (300 đồng/lít, kg), có chu kỳ không đạt, thậm chí có chu kỳ kinh doanh lỗ. Nhưng việc có chu kỳ kinh doanh lỗ không có nghĩa toàn bộ giai đoạn kinh doanh của DN phải lỗ. Vì vậy, tôi khẳng định không có gì mâu thuẫn trong câu chuyện lỗ, lãi của Petrolimex đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Chúng tôi rất mệt mỏi về vấn đề này. Hôm vừa rồi, Bộ Công Thương đã giải thích, sau đó lại có một làn sóng nhảy vào phân tích".

Việc ông Năm tỏ ra hờn giận với dư luận, 'dọa' Nhà nước thoái vốn, không muốn nhận trách nhiệm kinh doanh xăng dầu quả nhiên đã khiến nhiều người tỏ ra lo ngại.

Thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Petrolimex mập mờ về giá và không đảm bảo minh bạch. Nếu bình chọn các doanh nghiệp tiền hậu bất nhất thì Petrolimex đứng đầu về điều này. Dư luận cho rằng, việc Petrolimex lỗ, lãi thế nào, cơ quan kiểm toán cần sớm vào cuộc. Về lâu dài, phải làm sao để Petrolimex và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không viện cớ giá xăng dầu thế giới tăng để đẩy giá xăng dầu trong nước tăng theo, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tác động đến đời sống người dân.

Có lẽ những nhận định như trên về Petrlimex và làn sóng dư luận đã khiến Petrolimes thấy hờn dỗi, dọa  trả lại nghiệp kinh doanh xăng dầu cho Nhà nước.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đòi hạ giá

Gần đây, dư luận không khỏi xót xa khi người nông dân đua nhau bỏ ruộng, nhiều người đã mặn chát mồ hôi, nước mắt cả đời bên cây lúa giờ đành từ bỏ vì càng làm càng lỗ. Giá lúa gạo ngày càng giảm tới mức 3kg thóc không bằng 1 kg ốc bươu vàng.

Trong khi đó, Chính phủ chi hàng nghìn tỷ để hỗ trợ người nông dân thông qua chính sách mua tạm trữ lương thực thì người nông nhân chỉ nhận được vài đồng lẻ từ chính sách này. Câu chuyện tạm trữ lương thực khiến người dân càng thêm bức xúc. Bởi trong khi nông dân không có khả năng trữ lúa thì việc triển khai mua để tạm trữ lại được VFA triển khai chậm chạp và tồn tại quá nhiều bất cập.

Tại cuộc tiếp xúc với báo chí vào đầu tháng 6/2013, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng, sở dĩ không kéo dài thời gian tạm trữ sang tháng 8 là vì phải mua trong thời gian ngắn thì giá lúa mới có thể nhích lên, nếu kéo dài thời gian sẽ khiến các DN “mua đủng đỉnh”. Tuy nhiên, đến nay, chính VFA lại là đơn vị kiến nghị kéo dài thời gian tạm trữ đến hết ngày 15/8 vì cho rằng đến hết tháng 7 chỉ có thể hoàn thành được khoảng 85% chỉ tiêu.

Động thái này của VFA đã khiến không ít người thắc mắc đặt câu hỏi, phải chăng doanh nghiệp đang muốn 'dọa' người nông dân và cả Nhà nước hòng kéo giá xuống thấp? Thực tế, đầu tháng 7/2013, các DN XK gạo đang tồn kho khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Lãnh đạo VFA thừa nhận rằng, các DN trong nước rất khó khăn trong việc tìm kiếm và ký hợp đồng mới. Đối với một số thị trường, như Trung Quốc chẳng hạn, ông Trương Thanh Phong còn khẳng định: “Muốn bán được thì phải kéo giá xuống thấp nữa”.

Trong khi đó, cũng tại thời điểm đầu tháng 7, thống kê của NHNN cho thấy các DN đã nhận được khoản vay khoảng 2.600 tỷ đồng. Rõ ràng ở đây, không có gì đảm bảo rằng với số tiền hàng nghìn tỷ này các DN thành viên VFA không tận dụng để mua rẻ-bán rẻ nhằm thanh lý tồn kho.

Bởi khi được Nhà nước hỗ trợ tài chính, các DN có chỉ tiêu mua tạm trữ sẽ giảm được chi phí cho việc thu mua gạo, tức là mua được giá rẻ và, đương nhiên, họ cũng sẵn sàng XK với giá rẻ hơn mà lợi nhuận không bị suy giảm.

Chính vì vậy một số chuyên gia cho rằng chính cách thực hiện hỗ trợ tạm trữ gạo hiện nay vô tình đẩy giá xuất khẩu gạo Việt Nam xuống thấp. Cho dù với giá thấp như vậy, lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu không hề suy giảm, còn người nông dân phải cắn răng chịu mọi thua thiệt.

Khá khen cho cách thực hiện kinh nghiệm dân gian con có khóc mẹ mới cho bú của các đại gia đi buôn, cứ khóc toáng lên, gào càng to thì càng mau được cho bú sớm...và còn phải khen nhiều hơn cho cách dọa dẫm nhà nước của các đại gia này theo cách "tao nhịn ăn cho mày chết đói..", đúng thật là...đội váy nát mẹ...cấm có sai!

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn