Xuất khẩu than giảm mừng với nỗi buồn doanh nghiệp

( PHUNUTODAY ) - (Đời sống) - Trả lời trên báo Tiền Phong ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, xuất khẩu than đang giảm mạnh nên doanh thu và kết quả kinh doanh thấp.

Trả lời trên báo Tiền Phong ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, xuất khẩu than đang giảm mạnh nên doanh thu và kết quả kinh doanh thấp.

Theo ông Biên, trong tháng 7, Vinacomin chỉ tiêu thụ 2,1 triệu tấn than (trong nước 1,85 triệu tấn và xuất khẩu 0,25 triệu tấn). Lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 23,6 triệu tấn than (trong nước 16,35 triệu tấn; xuất khẩu 7,25 triệu tấn). Do sản lượng than tiêu thụ thấp nên doanh thu, kết quả kinh doanh cũng thấp theo.

Xuất khẩu than đang giảm, một tín hiệu đáng mừng

Nguyên nhân là mùa mưa nên than bán cho điện giảm (tháng 7 than bán cho điện chỉ đạt 0,9 triệu tấn). Trong khi đó, xuất khẩu than cả tháng 7 chỉ được 250 ngàn tấn. Nếu tính từ thời điểm tăng thuế xuất khẩu than lên 13%, từ ngày 7/7 đến 7/8: sản lượng than xuất khẩu một tháng trung bình chỉ đạt 0,12 triệu tấn, bằng 1/10 bình quân tháng khi áp dụng thuế suất 10%.

Do tiêu thụ than chậm nên lượng than tồn kho tăng, việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng, thu nộp ngân sách giảm (dự kiến cả năm giảm trên 1 ngàn tỷ đồng so với kế hoạch).

Hiện, khoảng 30% sản lượng than phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Từ khi tăng thuế xuất khẩu, để nộp thuế 13% không bị lỗ, Vinacomin đã phải tăng giá bán tương ứng, trong khi nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng chậm, giá than giảm.

Nếu thuế xuất khẩu than không được điều chỉnh và tình hình thị trường như hiện nay, dự kiến 6 tháng cuối năm, Vinacomin có thể chỉ xuất khẩu tối đa được khoảng 1 triệu tấn (giảm 6 triệu tấn so với 6 tháng đầu năm).

“Thuế xuất khẩu cần điều chỉnh hợp lý, không nên tăng thuế trong lúc thị trường còn nhiều khó khăn để tiêu thụ sản phẩm, ổn định sản xuất, việc làm và tăng thu ngân sách”, ông Biên nói.

Hai ngày nay, dư luận cả nước vui mừng khi hay tin Chính phủ đề nghị tăng thuế xuất khẩu với một vài mặt hàng khoáng sản.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức thuế với sắt tăng từ 10% lên 13%; titan tăng từ 11% lên 16%; vàng tăng từ 15% lên 22%; vonfram, Antimoan tăng từ 10% lên 18%; đồng tăng từ 10% lên 15%; niken tăng từ 10% lên 12%; đất làm gạch tăng từ 7% lên 10%; cát tăng từ 10% lên 11% (cho phù hợp với mức thuế suất của cát làm thủy tinh);

Nhóm khoáng sản phi kim, Chính phủ đề xuất tăng thuế suất đối với đá, sỏi từ 6% lên 7% (cho phù hợp với mức thuế suất của đá nung vôi và sản xuất xi măng); apatit tăng từ 3% lên 5%; than tăng từ 5-7% lên tương ứng là 7-9%.

Với đề xuất này nhiều người cho rằng đây là một biện pháp tốt lẽ ra phải làm từ lâu. Việc khai thác khoáng sản bừa bãi, tài nguyên trong đất cứ đào lên đem xuất khẩu đã diễn ra công khai ở các địa phương. Trong khi đó, cơ quan chủ quản cấp phép lung tung.

Tại phiên họp chiều 20/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phần phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho rằng: “Việc cấp phép mà 50% vi phạm là không ổn. Có khi tham nhũng, tiêu cực là đây, ảnh hưởng và ô nhiễm cũng là đây. Do đó các đại biểu địa phương cũng phải tăng cường giám sát. Lãng phí, tài nguyên, vi phạm cấp phép như thế mà chưa thấy xử lý được ai, chưa thấy bên trong có tiêu cực. Tôi cho là có đấy. Vai trò quản lý Nhà nước ở đâu. Cứ để như thế thì những tài nguyên sẽ mất đi, môi trường bị phá hoại, nên cần thực hiện nghiêm minh hơn”.

Tình trạng chảy máu khoáng sản của Việt Nam hiện nay đang là rất nghiêm trọng; ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của nền kinh tế đất nước trong tương lai. Tâm lý "máu xuất khẩu" của các doanh nghiệp vẫn hiện hữu, hơn nữa doanh nghiệp nào cũng lấy xuất khẩu làm trọng tâm chính vì thế mới có chuyện than đá được đào đem bán hết.

Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, nếu chúng ta cứ xúc than từ lòng đất đem bán thô cho nước ngoài như hiện nay thì nguồn khoáng sản này sẽ không còn đủ cho sử dụng trong nước. Đến đời sau này, chúng ta cắn răng mà chịu nhập khẩu đắt từ nước ngoài.

Với than thở của ông Biên, người ta chia buồn cùng doanh nghiệp và hạnh phúc thầm vì lỗ nhiều doanh nghiệp sẽ nói không với xuất khẩu than đá. Nguồn than còn lại chỉ để sử dụng cho nhu cầu trong nước. Như thế, khoáng sản mới còn lại cho thế hệ sau.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn