Bị kiểm điểm vì khoe … “chiến tích”

07:54, Thứ hai 20/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Và thay vì là lời khen như anh Hải nghĩ, “món quà” đầu đời mà người chỉ huy điềm đạm dành cho anh sau “sáng tạo” này là: “Bác khen ngợi vì cháu đã phá vụ án hóc búa này khá nhanh, nhưng với việc đã làm, cháu phải viết bản kiểm điểm!”

(Phunutoday) - Gần 40 năm trong lực lượng Công an, thì quá nửa thời gian ấy, Thượng tá Ngô Tuấn Hải (hiện là Trưởng Công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) theo nghiệp hình sự với vai trò là Đội trưởng Đội trọng án của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên nhiều năm liền.

Có rất nhiều vụ án khó đã được anh khám phá, rất nhiều tên tội phạm sừng sỏ đã phải tra tay vào còng, trả giá cho tội lỗi của chúng. Nhưng trong hành trình phá án ấy, bên những thành công và niềm tự hào, Thượng tá Ngô Tuấn Hải cũng gặp không ít tình huống nhớ đời. Vì nó đủ … gây cười mỗi khi nhớ lại, nhưng lại cũng là những bài học kinh nghiệm sâu sắc đến mức chẳng thể nào quên.

1. Hồi mới ra trường, anh trung sĩ Ngô Tuấn Hải đã được giao thụ lý vụ án “hấp diêm” ở huyện vùng cao Định Hóa, Thái Nguyên. Lợi dụng đôi nam nữ đi chơi ở chỗ vắng, 2 thanh niên đã dùng dao uy hiếp chàng trai, rồi thay nhau hãm hiếp cô gái.

Sau nhiều ngày phối hợp với Công an địa phương điều tra, xác minh, anh Hải đã làm rõ được 2 tên tội phạm là Nông Văn Tuần và Hoàng Đình Thinh. Trước những chứng cứ cũng như lời tố cáo của đôi nam nữ, chúng đều nhận tội hiếp dâm cô gái.

Nhưng khi hỏi kẻ nào đã cầm dao khống chế anh người yêu cô gái thì cả 2 tên đều không nhận, mà đổ tội cho nhau. Vì chúng biết, thêm tội này nữa thì mức án sẽ nặng hơn. Chỉ có 1 trong 2 tên mà mất nhiều ngày đấu tranh, 2 đối tượng vẫn đứa nọ đổ cho đứa kia.

Cứ thế này thì làm sao có thể kết thúc vụ án cho được? Linh cảm nghề nghiệp thì mách anh Hải rằng, Hoàng Đình Thinh chính là kẻ vừa cầm dao uy hiếp nạn nhân, vừa hiếp dâm, nhưng hắn không chịu nhận thì cũng chưa thể kết luận được.

Dù rất bực tức vì vụ án cứ giậm chân tại chỗ, nhưng là người vừa rời ghế nhà trường cảnh sát chưa lâu, anh Hải thừa biết không được phép đánh phạm nhân. Nhưng rồi, “cái khó ló cái khôn” với anh cảnh sát hình sự trẻ tuổi. Ngô Tuấn Hải liền nghĩ ra cách: cho 2 tên tội phạm … tát lẫn nhau, lần lượt mỗi đứa một cái. Vốn là người rất thích đọc sách, nên anh Hải có được  “chiêu” này chính là anh đọc được đâu đó ở một cuốn sách về cách xử án của người xưa.

Được “giao” tát trước, nhưng Hoàng Đình Thinh tát Nông Văn Tuần khá nhẹ. Nhưng đến khi Nông Văn Tuần tát trả, thì anh ta lấy hết sức cho Thinh cái tát trời giáng. Rõ ràng là cái tát chứa đầy sự uất hận vì bị đổ oan. Cùng với linh cảm, hành động của Nông Văn Tuần cũng củng cố thêm lòng tin cho anh Hải rằng thủ phạm là ai.

Đến lượt Thinh tát lại, lần này thì hắn cũng tức giận nên tát mạnh hơn và cuối cùng, cả 2 tên đều vì cay cú nhau mà tát nhau khá mạnh. Đến lúc không chịu nổi nữa, Hoàng Đình Thinh quyết định nhận tội. Sau khi xác minh thêm, mọi chứng cứ hoàn toàn khớp với lời khai nhận của Thịnh cũng như của Tuần, việc điều tra vụ án cơ bản được hoàn tất

Phấn khởi vì “sáng tạo” của mình đã giúp kết thúc nhanh được vụ án, về đến cơ quan là chàng trung sĩ trẻ tuổi tìm gặp ngay Đại úy Nguyễn Lãng, Phó phòng phụ trách Phòng Cảnh sát hình sự khi đó, để “khoe” chiến tích.

 Cứ tưởng phen này sẽ được thủ trưởng khen, rồi kể lại cho bố nghe (bố anh và bác Lãng là đồng đội thân thiết), để bố sẽ được tự hào về cậu con trai cả của bố mới vào nghề đã giỏi giang, thông minh khi sáng tạo ra phương pháp phá án hiệu quả và không mất thời gian như thế.

 Ai dè, nghe xong, bác Nguyễn Lãng trợn mắt lắc đầu: “Trời! Cái thằng này! Sao cháu lại làm thế hử? Không được phép đánh người phạm tội như thế!” Anh cảnh sát trẻ cố cãi: “Nhưng cháu không đánh phạm nhân! Chỉ là chúng tự đánh nhau, mà không thế, thì làm sao kết luận được điều tra ạ?” Đại úy Nguyễn Lãng cố nén cơn giận lại để giảng giải cho cậu lính trẻ: “Dù cháu không đánh, thì đó cũng là hành động không được phép.

Cháu phải nhớ rằng, với người chiến sĩ Công an, phải khám phá án bằng trí thông minh, biện pháp nghiệp vụ, chứ không phải bằng cách như cháu đã làm. Tuyệt đối không được xúc phạm đến thân thể người khác, dù là tội phạm.”

Và thay vì là lời khen như anh Hải nghĩ, “món quà” đầu đời mà người chỉ huy điềm đạm dành cho anh sau “sáng tạo” này là: “Bác khen ngợi vì cháu đã phá vụ án hóc búa này khá nhanh, nhưng với việc đã làm, cháu phải viết bản kiểm điểm!”

Bị bất ngờ, nhưng anh chàng trung sĩ vẫn phải ngoan ngoãn ngồi viết bản kiểm điểm. Chính sự nghiêm khắc của người chỉ huy lớn tuổi cùng những lời giảng giải của ông đã giúp anh ngộ ra thật nhiều. Hóa ra, không phải cứ phá án bằng mọi giá là được. Lời dạy của người chỉ huy từ năm ấy đã trở thành bài học đầu tiên, theo anh suốt cuộc đời làm cảnh sát.

Đã gần 40 năm, dù những lúc khó khăn nhất, bế tắc nhất và cả tức giận nhất trước tội ác, anh cũng chưa bao giờ có hành động xúc phạm đến thân thể tội phạm. Dường như mỗi lúc bắt tay vào hỏi cung đối tượng, ánh mắt nghiêm khắc của bác Nguyễn Lãng năm nào vẫn hiện lên nhắc nhở: “Cháu nhớ rằng, người chiến sĩ Công an phải khám phá án bằng trí thông minh và biện pháp nghiệp vụ”.  

2. Có thời điểm, một số đoạn đường vắng trên tuyến đường Đại Từ – Tuyên Quang thường xuyên xảy ra các vụ cướp, khiến dư luận nhức nhối. Chính mẹ của anh Hải cũng từng bị cướp trong một lần đi chợ sớm, khiến bà không chỉ bị mất toàn bộ tiền bạc mà còn bị thương.

Lần ấy, lại xảy ra một vụ cướp xe đạp ở xã Tiên Hội, huyện Đại Từ. Vì là trọng án nên Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh phải vào cuộc. Dù lúc này anh Hải đang là Bí thư Đoàn Công an tỉnh Thái Nguyên, nhưng vốn quí trọng tài năng và kinh nghiệm của Đội trưởng trọng án Ngô Tuấn Hải như người em, nên Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Mai Thế Dương (nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương), tin tưởng rủ anh Hải đi phối hợp với Công an Đại Từ phá án.

Sau khi điều tra, xác minh, anh Hải và anh Triệu Bình Lực, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Đại Từ (hiện là Phó Trưởng Công an huyện Đại Từ) đã xác định được thủ phạm là Lý Văn Khánh, ở xã Tiên Hội. Các nhân chứng cũng khẳng định, Lý Văn Khánh là người cùng đi xem biểu diễn kịch ở sân vận động cùng với họ, rồi đi qua nơi xảy ra vụ án vào thời điểm đó.

Nghĩa là mọi việc đều khớp nhau không còn gì để nghi ngờ. Lệnh bắt và khám xét khẩn cấp được đưa ra và ngay lập tức, được tiến hành tại nhà của Lý Văn Khánh. Lý Văn Khánh ngoan ngoãn chấp hành và bình tĩnh ký vào biên bản. Khánh cũng khai nhận, vào thời điểm xảy ra vụ án, Khánh có đi ra ngoài đánh bạc với một số người.

Chính thái độ không hề hốt hoảng của Khánh đã khiến anh Ngô Tuấn Hải linh cảm có điều gì bất thường, nhưng không có cơ sở gì nên anh vẫn tiến hành đúng qui trình. Khi mọi việc chuẩn bị kết thúc thì bất ngờ, một người bước vào nhà, khiến anh Hải giật thót người.

Một thanh niên khác giống y chang Khánh bước vào. Mọi người cho biết, đó là Lý Văn Thanh, anh trai song sinh của Khánh. Linh cảm nghề nghiệp cho biết, mình vừa đọc lệnh bắt nhầm người rồi.

Anh Hải liền bình tĩnh kéo riêng Thanh ra dưới gốc cây đào, hỏi xem tối hôm xảy ra vụ án, Thanh đi đâu. Thấy Công an, lại nghĩ việc của mình bại lộ, nên Lý Văn Thanh vội vàng khai nhận, mình đi xem văn nghệ với mấy người trong xóm và đúng là có đi qua nơi xảy ra vụ án vào giờ đó.

Hắn cũng chính là thủ phạm gây ra vụ cướp xe đạp. Lúc này, anh Hải mới biết chính Lý Văn Thanh mới là thủ phạm của vụ cướp, còn người bị đọc lệnh bắt và khám xét khẩn cấp khi nãy là … bé cái nhầm.

Anh Hải liền gọi Đội trưởng Triệu Bình Lực ra một góc hội ý riêng về sự cố bất ngờ này.

Nghe xong, Đội trưởng Triệu Bình Lực không giấu được lo lắng: “Trời ạ, làm sao bây giờ? Không đúng luật thì chết, vì ông Lý Dìn (bố của Lý Văn Thanh và Lý Văn Khánh) là người nổi tiếng về chuyên kiện cáo ở huyện này.

 Vớ vẩn là chết cả lũ!” Chỉ trong tích tắc, anh Hải quyết định xử lý rất nhanh tình huống khẩn cấp này: Cho đưa cả 2 về trụ sở Công an huyện Đại Từ với lý do: Lý Văn Thanh về tội cướp tài sản, còn Lý Văn Khánh về tội đánh bạc. Có điều, thay vì khóa tay Lý Văn Khánh, chiếc còng số 8 được chuyển sang tay Lý Văn Thanh.

Sau đó, Công an huyện làm các thủ tục lập biên bản, xử lý hành chính Lý Văn Thanh về tội đánh bạc rồi cho về. Chỉ Lý Văn Khánh là bị giữ lại. Lệnh bắt và khám xét với Lý Văn Thanh cũng được đổi tên sang … Lý Văn Khánh! Vụ án được làm rõ và gia đình Lý Văn Thanh cũng không có ý kiến gì về việc bắt giữ 2 con họ, vì trên thực tế, cả 2 đều vi phạm pháp luật.

Trực chỉ đạo ở Công an huyện Đại Từ, mới nghe kể lại có chuyện nhầm lẫn khi đọc lệnh bắt khẩn cấp, Trưởng phòng Mai Thế Dương cũng giật nảy người. Nhưng khi nghe xong chuyện, anh Dương đã thở phào và cười lớn, khen ngợi cách xử trí thông minh và nhanh nhạy của cấp dưới. Quả là không phụ sự tin cậy của người chỉ huy đã dày dạn kinh nghiệm ứng phó với các tình huống này.

Chuyện qua đã rất lâu rồi, nhưng mỗi lần nhớ lại, Thượng tá Ngô Tuấn Hải vẫn còn buồn cười chen bối rối: Lúc đó, nếu Lý Văn Thanh không tò tò về, thì việc bắt nhầm sẽ diễn ra thật khó tránh khỏi.

 Hóa ra, chính các nhân chứng cũng nhầm vì 2 anh em Lý Văn Thanh và Lý Văn Khánh quá giống nhau. Còn trinh sát thì không biết là Thanh còn có một người em song sinh, cũng như Khánh cũng không biết anh trai là thủ phạm vụ cướp, nên cứ đinh ninh công an đến bắt mình vì tội đánh bạc và ngoan ngoãn chấp hành.

Ngọc Thanh

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc