Đã qua rất lâu thời những người mẫu sở hữu 3 vòng bốc lửa như Cindy Crawford, Eva Herzigová, Claudia Schiffer… được yêu chuộng trên sàn catwalk. Sau khi Kate Moss đề xướng cho trào lưu “heroin chic” với vẻ đẹp xanh xao, yếu đuối vật vờ như con nghiện thì từ NTK, đại diện các nhãn hàng cho đến các cơ quan quản lý người mẫu đều yêu chuộng chuẩn vẻ đẹp mới rất nguy hiểm này. Đây cũng là một trong những nguyên do đưa đến trào lưu chuộng người mẫu “da bọc xương” trong làng thời trang quốc tế, lẫn vấn nạn người mẫu phải ép cân khốc liệt để đạt được yêu cầu khắc nghiệt size 0.
Những bộ khung xương di động trên sàn catwalk. |
Hơn 15 năm làm việc trong ngành thời trang quốc tế, nữ biên tập viên Kirstie Clements đã tiết lộ nhiều bí mật gây sốc về nạn ép cân khốc liệt của giới người mẫu.
Là biên tập viên của Vogue Úc, một trong những tạp chí thời trang hàng đầu thế giới, biên tập viên Kirstie Clements có dịp tiếp xúc với rất nhiều người mẫu đến từ các quốc gia khác nhau, cả mẫu trẻ lẫn đã thành danh. Ấn tượng làm bà bị “sốc” nhất chính là cách duy trì cân nặng lẫn giảm cân rất khủng khiếp mà người mẫu phải áp dụng để trụ được trong làng thời trang quốc tế.
Chia sẻ với The Guardian, Kirstie cho biết: “Có lần tôi tham gia buổi chụp ảnh với 1 người mẫu gốc Mỹ. Tôi đã rất ngạc nhiên không hiểu sao đầu gối cô ấy lại có nhiều sẹo. Và tôi choáng đến mức chẳng biết nói gì khi nghe câu trả lời thờ ơ của cô ấy: “Mấy vết sẹo này là do tôi ngất xỉu quá nhiều lần vì nhịn đói”.
Thậm chí một người mẫu hàng đầu nước Úc còn chia sẻ với tôi rằng bạn cùng phòng của cô ấy hầu như vắng mặt suốt. Lý do đơn giản là vì cô ấy bận truyền dịch nhiều giờ trong bệnh viện do nhịn đói hoặc ăn thiếu chất”. Cũng theo biên tập viên kỳ cựu này, rượu và Coke Diet (1 loại nước uống có gas không chứa calo) đã trở thành thực đơn quen thuộc của người mẫu, vì chúng hầu như không cung cấp năng lượng mà lại giúp họ quên đi cảm giác đói.
Kirstie không thể quên các lần làm việc với những người mẫu tội nghiệp bị đày ải vì ngành công nghiệp chuộng ngoại hình “da bọc xương”. Đơn cử như vào năm 1995 bà đã sốc khi nghe một chân dài Nga từ chối bữa ăn. Cô gái mới tập tễnh bước chân vào làng thời trang quốc tế đã thành thực cho biết: “Ăn không phải là việc của tôi”, và đó là câu tiếng Anh duy nhất mà mẫu trẻ có thể nói. Lần khác, bà có dịp làm việc với một người mẫu có thân hình mỏng y chuẩn size 0.
Dù sau 1 ngày làm việc căng thẳng và vất vả, Kirstie vẫn không thấy cô gái chọn món khi tham gia buổi ăn tối cùng mọi người. Sau khi nài ép, chân dài này chỉ ăn duy nhất vài miếng salad nhỏ. Hậu quả là đến cuối chuyến đi, cô không còn đủ năng lượng để ngồi lên. “Mở mắt là việc duy nhất cô ấy còn làm được. Chúng tôi đã phải đặt cô ấy nằm cạnh đài phun nước để truyền nước biển”
Những bộ xương di động trên sàn catwalk khiến người xem xót xa. |
Qua hơn 15 năm làm biên tập viên cho 1 trong những tạp chí danh giá thế giới, tiếp xúc với hàng trăm người mẫu, vô tình Kirstie đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp “không giống ai”. Đó là có thể phát hiện nhanh chóng những ai đang trong giai đoạn chán ăn.
Cách kiểm tra đơn giản nhất là xem xét khuôn mặt hay bàn tay của các cô gái. Những người mẫu làm việc bên cạnh bà, nạn nhân của tệ ép cân, đã dần dần xuất hiện các nhóm lông tơ màu sáng trên mặt, cánh tay như một dấu hiệu chứng tỏ cơ thể đang phải đấu tranh giữ ấm vì lớp mỡ dưới da không còn đủ để cân bằng nhiệt. Sốc hơn, Kirstie còn cho biết bà chưa bao giờ nghe người mẫu nào phàn nàn “trời nóng quá” hay tương tự như thế, dù các cô nàng đang mặc áo lông và làm dáng trên sa mạc nắng cháy da.
Dù rất xót xa khi phải thường xuyên chứng kiến cảnh mẫu trẻ ốm tong teo lênh khênh trên đôi giày cao gót, dường như chực ngã bất cứ lúc nào. Nhưng bản thân Kirstie hay những đồng nghiệp có lương tâm như bà lại khó có thể ngăn chặn trào lưu dường như đã rất phổ biến này. Bởi dù muốn hay không, việc mẫu trẻ buộc phải ép cân cho đúng chuẩn đã trở thành vòng luẩn quẩn trong làng thời trang quốc tế.
“Khi một người mẫu bị tăng vài kilogram, cô ấy hoặc anh ấy khó có thể vượt qua vòng casting. Bị cơ quan quản lý mình khiển trách, họ buộc phải lao vào cơn lốc giảm cân vô tội vạ. Số cân càng giảm thì lại nhận được càng nhiều đánh giá tích cực. Rồi thay vì duy trì số cân vừa giảm được bằng cách tập thể dục kết hợp chế độ chế độ ăn lành mạnh, họ lại tiếp tục làm cho mình giảm cân nhiều hơn nữa để mong nhận được sự hài lòng từ công ty quản lý. Không ai bảo họ dừng lại, và đó là lối mòn khó thoát…”.
Một trong những thành tựu đáng tự hào của Kirstie và các đồng nghiệp ở Vogue là tạp chí này đã bắt đầu có những can thiệp để hạn chế việc sử dụng mẫu size 0. Bằng việc phát động chính sách không dùng mẫu trẻ dưới 16 tuổi, người mẫu đang bị rối loạn ăn uống, Vogue Úc nói riêng cũng như tạp chí Vogue quốc tế rất hy vọng sẽ phần nào can thiệp và làm giảm thiểu tình trạng mẫu trẻ gặp nguy hiểm vì giảm cân.
Và rất may đây không phải là những nỗ lực duy nhất ngăn chặn làn sóng ép cân khắc nghiệt trong làng mẫu quốc tế, nơi đã có rất nhiều mẫu trẻ phải mất mạng vì trào lưu chuộng size 0 trong thời gian qua.