Vũ Văn Quân, sinh năm 1990, từng tốt nghiệp đại học và làm việc tại một doanh nghiệp xây dựng công trình hàng không. Tuy nhiên, anh đã quyết định quay về quê nhà ở thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng cùng em trai để khởi nghiệp.
Anh Quân chia sẻ: “Gia đình tôi từ lâu đã có truyền thống nuôi cá thịt và cá vàng thả bể, vì vậy từ nhỏ tôi đã rất đam mê nuôi cá. Khi thấy nhiều diện tích đất nông nghiệp ở quê bị bỏ hoang, tôi đã bàn với em trai về quê, dồn đất và thuê đất để đào ao, cải tạo ao nuôi cá."
Với tổng số tiền khoảng 300 triệu đồng, số tiền mà hai anh em đã tích cóp suốt ba năm làm việc và dùng sổ đỏ của gia đình để thế chấp vay ngân hàng, anh Vũ Văn Quân đã đầu tư vào việc mua cá, xây dựng hệ thống xử lý nước, và đào, cải tạo ao nuôi cá.
Trong quá trình nuôi cá thịt, anh Quân nhận thấy cá Koi Nhật Bản đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam, nhưng ở khu vực miền Bắc lại rất ít nơi nuôi sinh sản loài cá này với số lượng lớn. Nhận thấy tiềm năng, anh quyết định đầu tư thêm 50 triệu đồng để mua 5.000 con cá Koi giống về nuôi thử nghiệm.
Thành công đến ngoài mong đợi khi lứa cá Koi đầu tiên mà anh Quân nhập về lớn nhanh chóng. Khi đàn cá đạt trọng lượng từ 0,8 đến 1kg mỗi con, khách hàng đã đặt mua hết với giá 150 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu về lợi nhuận 350 triệu đồng.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ việc nuôi cá Koi, anh Quân tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng để nhập khẩu cá Koi Nhật Bản về nuôi và nhân giống. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong việc nuôi cá Koi với số lượng lớn cũng như việc điều chỉnh nguồn nước và nhiệt độ chưa hợp lý, mà đàn cá mới nhập về lần lượt chết, gây thiệt hại lên tới 500 triệu đồng.
“Nhìn thấy cá chết nổi đầy mặt ao, tôi không thể ăn ngủ yên, phải ở lại trang trại cả ngày để tìm cách cứu số cá còn lại. Tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, đầu tư vào trang thiết bị và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn khác nhau để khắc phục tình trạng này,” anh Quân chia sẻ.
Dần dần, anh Quân nhận ra rằng, yếu tố quan trọng nhất trong việc nuôi cá Koi là phải có kỹ thuật vững vàng, biết cách điều chỉnh nhiệt độ và nguồn nước để tránh cho cá bị sốc nhiệt. Ngoài ra, khi thời tiết chuyển mùa, cá dễ mắc bệnh, do đó tránh nhập cá vào thời điểm này vì nếu không xử lý tốt, cá sẽ chết, gây thiệt hại lớn.
Sau khi thành thạo kỹ thuật nuôi cá Koi, anh Quân đã nuôi thành công nhiều lứa cá và xuất bán ra thị trường, thu về doanh thu lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Toàn bộ lợi nhuận này lại được anh tái đầu tư vào trang trại, giúp trang trại ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn.
Nhận thấy nhu cầu nuôi cá Koi ngày càng phát triển ở Việt Nam, đặc biệt là tại các khu đô thị mới, anh Quân - vốn là một kỹ sư xây dựng - đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp chuyên thiết kế và thi công sân vườn, hồ cá Koi trên toàn quốc.
Mỗi năm, công ty của anh hoàn thành từ 50 đến 100 dự án cảnh quan, sân vườn, và hồ cá Koi, bao gồm cả các quán cà phê cá Koi, với chi phí từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng cho mỗi công trình.
Bắt đầu từ 2ha đất gia đình, anh Quân đã mở rộng trang trại cá Koi của mình lên tới 5ha với 15 ao nuôi, trở thành trang trại cá Koi lớn nhất Hải Phòng.
Mỗi năm, anh cung cấp cho thị trường hàng chục vạn cá Koi, bao gồm các loại nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản, cá Koi F1 Nhật Bản và cá Koi được nuôi trong nước. Giá bán các loại cá Koi dao động từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi con, tùy thuộc vào giống và chất lượng. Tổng doanh thu hàng tháng của trang trại, trước khi trừ chi phí, đạt khoảng 1 tỷ đồng.
"Mỗi tháng, chỉ riêng chi phí thức ăn cho cá đã tiêu tốn khoảng 400 triệu đồng, thêm vào đó là 150 triệu đồng cho tiền nhân công và khoảng 100 triệu đồng cho các chi phí phụ khác. Tôi dùng phần lợi nhuận thu được để tiếp tục đầu tư trở lại vào trang trại." Đến nay, tổng vốn đầu tư của tôi đã lên tới khoảng 40 tỷ đồng," anh Quân chia sẻ.
Để chủ động về nguồn thức ăn và giảm bớt chi phí nhập khẩu, anh Quân đã nuôi thêm sâu canxi, kết hợp với cám nhập khẩu để nuôi cá Koi. Trong tương lai, anh dự định nghiên cứu công thức chế biến và hợp tác với các đơn vị liên quan để đóng gói sâu canxi, đồng thời xây dựng nhà máy sản xuất cám chuyên dụng cho cá Koi. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương và tạo thêm việc làm cho người lao động.