Bộ chống vô cảm, thí sinh lúng túng nói điều tốt

06:43, Thứ hai 03/06/2013

( PHUNUTODAY ) - Sáng 2/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên toàn quốc. Kết thúc môn thi Văn, nhiều thí sinh và ngay cả giáo viên cũng khá bất ngờ với đề thi năm nay.

(Đời sống) Sáng 2/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên toàn quốc. Kết thúc môn thi Văn, nhiều thí sinh và ngay cả giáo viên cũng khá bất ngờ với đề thi năm nay.

Rõ ràng, năm nay đề thi đã thoát khỏi bó buộc của làm văn kiểu mẫu. Đề thi khiến nhiều người ấn tượng đó là “bày tỏ ấn tượng về hành động xả thân cứu người của em Nguyễn Văn Nam nam sinh lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương I (Nghệ An) qua đời khi dũng cảm cứu 5 em nhỏ thoát khỏi chết đuối trên dòng sông Lam vào chiều ngày 1/5 vừa qua.

Được đánh giá là một đề văn khá hay, phải chăng Bộ Giáo dục Đào tạo đang đi vào thực tế là lòng người đang vô cảm, thế hệ học sinh hiện nay liệu có bao nhiêu người biết đến hình tượng của em Nguyễn Văn Nam thay vì những tin bạo lực học đường.

Câu chuyện về em Nguyễn Văn Nam dũng cảm hy sinh sau khi cứu 5 em nhỏ thoát chết khỏi dòng nước xiết sông Lam đã làm lay động hàng triệu trái tim trên khắp cả nước cả tháng nay và hình ảnh của em đã đi vào một đề thi toàn quốc.

Sự ra đi của em Nguyễn Văn Nam đã khơi dậy trong lòng mỗi người về ý nghĩa và giá trị cuộc sống, về tình đồng loại, sự hy sinh quên mình của thế hệ trẻ Việt Nam trước những tình huống hiểm nguy. Cảm kích và khâm phục trước lòng quả cảm của em Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư động viên chia sẻ với gia đình em. Em Nam cũng được truy tặng danh hiệu 'Tuổi trẻ dũng cảm'.

Xã hội đang đau đáu với căn bệnh vô cảm, thấy chết không cứu đang diễn ra hàng ngày. Những câu chuyện như trường hợp của gia đình anh Đặng Trần Thi (SN 1986, trú tại thôn Trung Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội), khi bị một nhóm người mang theo 4 khẩu súng, dao, kiếm đến bắn vào cửa, rồi xông vào nhà, dùng súng bắn, dùng dao chém và đánh bà Nguyễn Thị Liên là mẹ đẻ của anh Thi. Ngay sau khi tỉnh lại trên giường bệnh, bà Liên nghẹn ngào kể lại câu chuyện gia đình bị hành hung.

Trong tiếng nấc của bà người ta càng ám ảnh hơn khi bà nhắc tới hai từ hàng xóm. Đã là hàng xóm thì tối lửa tắt đèn có nhau nhưng khi gia đình bà kêu cứu, hàng xóm vẫn im lặng, bịt mắt, bưng tai như không có chuyện gì xảy ra.

 

Thí sinh quên với cách viết nghị luận về những câu chuyện đạo lý nên lúng túng khi gặp hành động thực tế vừa diễn ra
Thí sinh quên với cách viết nghị luận về những câu chuyện đạo lý nên lúng túng khi gặp hành động thực tế vừa diễn ra


Hay cảnh ai cũng có thể bắt gặp là nạn nhân bị tai nạn giao thông, dù đang hấp hối nhưng người đi đường vẫn không cứu mà chỉ đứng nhìn. Mặc dù họ bao biện bằng những lập luận có chữ “sợ”, vậy trong trường hợp của em Nam, chắc lúc nhảy xuống cứu các em nhỏ đang vật lộn dưới nước, em cũng sợ hà bá nhưng lòng dũng cảm chiến thắng mọi suy nghĩ về sợ hãi.

Tấm gương của em Nam như ngọn đuốc dù lẻ loi nhưng cũng đủ nóng xé tan cái giá lạnh của lòng vô cảm, giúp cho con người ta trở về với giá trị tình người thực của mình mà từ rất lâu nó đã bị lãng quên. Sự ra đi của em Nam sẽ khiến hàng triệu học sinh PTTH trên cả nước nhớ và không chỉ thế, thế hệ học sinh tiếp theo, những người phụ huynh của các em cũng không ngoại lệ.

Phải chăng khi đưa hình tượng em Nam đưa vào đề thi tốt nghiệp phổ thông năm nay, Bộ Giáo dục Đào tạo đã biết được hiệu ứng của đề thi và sức nóng của câu chuyện. Rõ ràng, việc em Nguyễn Văn Nam vào đề thi là một hình ảnh đẹp khiến người ta phải khen ngợi, phải cảm ơn Bộ Giáo dục vì đã ra đề thi hay, hợp thời sự, hợp thực tế. Đúng là đề thi hay và người ra đề cũng rất sâu sắc và có cái tâm muốn thay đổi lối sống vô tâm của thế hệ trẻ hiện nay.

Những câu chuyện về bạo lực học đường, về học sinh bỏ học trốn trường đi chơi game đã bị khuất lấp trước hình ảnh của em Nam. Thế nhưng, việc bày tỏ ấn tượng của mình trước tấm gương cứu người cũng khiến các thí sinh bối rối bởi không phải ai cũng có "đất viết" về câu chuyện tốt ngoài thực tế không phải hư cấu.

Vài năm trở lại đây, học sinh chủ yếu phải làm những bài văn về bạo lực học đường, về lòng vô cảm, những bài viết nghị luận về đạo lý thay vì những bài viết thực tế với hành động chính vì thế học sinh lúng túng không biết làm thế nào.

Chia sẻ của một thí sinh tại TP.HCM "Đề Văn năm nay tương đối dễ, nhưng ở phần nghị luận xã hội thì có hơi khác so với đề thầy cô cho ở trên trường. Vì trường của mình thường cho ôn luyện các đề mang hướng tư tưởng đạo lý”.

Một thí sinh tại điểm thi Phan Đình Phùng, Hà Nội cho biết: "Đề thi môn Ngữ Văn năm nay phần câu 2 điểm không quá khó vì đây là một tác phẩm nước ngoài tiêu biểu trong môn Ngữ văn lớp 12. Câu 5 điểm cũng nằm trong phần ôn tập của chúng mình. Chỉ có phần 3 điểm năm nay hơi có sự khác biệt so với mọi năm vì đây là một câu chuyện có thật vừa xảy ra. Sự thay đổi này làm bản thân mình hơi lúng túng".

Với đề văn năm nay, Bộ Giáo dục Đào tạo được đánh giá “khôn” thay vì khua chiêng, đánh trống phát động phong trào học tập và noi theo tấm gương đoàn viên Nguyễn Văn Nam.
 

  • Khánh Ngọc
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc