Bộ Công an sai đâu sửa đấy, sửa đấy sai đâu?

10:33, Chủ nhật 21/07/2013

( PHUNUTODAY ) - Đại diện ban soạn thảo Cục tham mưu cảnh sát quản lý hành chính - Bộ Công an đã xin ý kiến Hội đồng thẩm định hủy bỏ một số quy định do chồng lấn, không có tính khả thi.

(Đời sống) - Ngày 19/7, Hội đồng thẩm định do Bộ Tư pháp chủ trì họp thẩm định lần 2 với Dự thảo Nghị định: “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật  tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chưa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” của Bộ Công an.
 
 
Đại diện ban soạn thảo Cục tham mưu cảnh sát quản lý hành chính - Bộ Công an đã xin ý kiến Hội đồng thẩm định hủy bỏ một số quy định do chồng lấn, không có tính khả thi.
 
"Thế này thì chết"
 
Tại Mục 4, quy định về Vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình trong đó có nhiều quy định hành vi: Kiểm soát chặt nguồn tài chính của các thành viên gia đình; bắt thành viên trong gia đình phải đóng góp vượt quá khả năng; chửi bới, chì chiết thành viên trong gia đình... sẽ bị phạt từ 500-2 triệu đồng. Nhiều câu chuyện dí dỏm, hài hước được các nhà chuyên môn đưa ra phân tích, mổ xẻ.
 
Bà Nguyễn Thị Nga Phó vụ trưởng Vụ pháp luật Văn phòng Quốc hội trăn trở "có thể moi ra được các cái hành vi này rồi phải mô tả nó, rồi áp nó với các mức phạt thì phải thừa nhận Ban soạn thảo đã quá vất vả rồi. Vì đó là những hành vi hết sức trìu tượng, không có gì cụ thể, không thể miêu tả được". 

 

Bộ Công an hủy quy định ’chì chiết’, ’thả rông’
Bộ Công an hủy quy định ’chì chiết’, ’thả rông’
 
Dẫn chứng một số ví dụ như: quy định về xử phạt những lời nói, cử chỉ thô bạo... "ôi thôi, thế này thì có mà phạt cả ngày vì giờ ra đường có chỗ nào không thấy chửi bậy, nói bậy đâu", bà Nga nói.
 
Bất ngờ bà lại thốt lên, với cái quy định xử phạt động vật thả rông bị phạt từ 100-300 ngàn đồng bà lại dính như chơi. "Nhỡ may con chim nhà tôi mà xổng chuồng bay mất thì tôi cũng bị phạt à. Thế thì chết", bà lo lắng.
 
Nói về những quy định trong "phòng, chống bạo lực gia đình", đa số các nhà chuyên môn đều cho rằng quy định này rất "viển vông, khó mà thực hiện’.            
 
Dẫn chiếu một loạt các quy định hành vi xử phạt, đặc biệt trong phòng, chống bạo lực gia đình như “quản lý tài chính; chì chiết, xúc phạm; xua đuổi người thân;…”, ông Trung - Vụ pháp luật Văn phòng Quốc hội kể khổ:
 
“Sáng ra đi làm, nghe xăng tăng giá, thực phẩm tăng giá, con đòi tiền học phí… lương thì chỉ có vậy mà vợ cứ kỳ kèo xin 10.000 đi xe ôm. Thế này thì cũng phạt vợ tôi à. 
 
Nếu con tôi 13 tuổi đòi đi xem phim, nhưng chưa học xong, chưa làm xong bài tập tôi không cho đi thì thì tôi cũng bị phạt à?
 
Đấy là còn chưa nói đến một số hành vi cho là xúi giục, kích động mà xảy ra giữa quan hệ mẹ chồng, nàng dâu thì chưa biết chừng còn dẫn đến tan cửa nát nhà chứ chẳng chơi đâu. Tôi lo quá”, ông Trung chia sẻ.
 
“Tôi thấy phản cảm lắm các đồng chí ạ. Thôi bỏ đi”, ông Trung nói sau khi phân tích hàng loạt những hành vi mà ông cho rằng nó không phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. 
 
Khó xác định hành vi
 
Không chỉ là những hành vi cá biệt, mang tính tế nhị mà trong thực tế để xác định được hành vi này là rất khó, không có bằng chứng để chứng minh, mà có bằng chứng người làm chứng cũng không sẵn sàng. 
 
TS Lê Hồng Sơn - Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp đồng cảm cho rằng đây là lĩnh vực rất khó, rất nhạy cảm. Phân tích về tính hợp pháp của Dự thảo, ông Sơn nhấn mạnh còn một số điểm chưa phù hợp cần phải được sửa đổi, nếu cần thì hủy bỏ về phạm vi thẩm quyền, xử phạt hành chính...

 

TS Lê Hồng Sơn - Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp
TS Lê Hồng Sơn - Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp
Tuy nhiên, ông Sơn đặc biệt nhấn mạnh về tính thống nhất và tính khả thi trong mô tả hành vi thể hiện trong văn bản. Thứ nhất về tính thống nhất giữa các Bộ, ngành có nội dung liên quan chưa được tốt dẫn đến có sự chồng lấn, vênh váo mà nếu có sự thảo luận kỹ sẽ có được tính thống nhất cao. 
 
Thứ hai về tính thống nhất nội tại của 4 nội dung cơ bản trong Dự thảo còn thiếu sự căn chỉnh, thiếu sự điều phối tổng quát để đưa ra mức phạt phù hợp.
 
Ông Sơn cũng cho rằng, một số hành vi, nhóm hành vi miêu tả chi tiết quá mức cần thiết, có những hành vi không cần đưa vào quy định xử phạt hành chính. Đặc biệt trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, ANTT-ATXH, PCCC... như “chì chiết; gây thương tích; không cho ăn; không cho mặc; đuổi ra khỏi nhà ban đêm, mưa bão…”.
 
Đó là còn chưa nói tới mức phạt, có nhiều nội dung chênh nhau tới 10-20 triệu trong một điều mô tả hành vi. Nghĩa là có vấn đề cá biệt hóa hành vi để đưa ra mức phạt cho phù hợp với từng hành vi, không nên để tình trạng tùy tiện, tự thỏa thuận mức phạt, ông Sơn nói.
 
Một điều nữa, là những hành vi mới mang tính định tính, chưa thể hiện được tính định lượng. Trong khi đó tính định lượng là cơ sở để xác định cho được hành vi, rồi từ đó xác định được mức phạt thì lại quá hạn chế. Dẫn đến có thể hiểu phạt thế nào cũng được, có thể là hình sự, có thể là hành chính cũng có thể là gia đình tự điều chỉnh mà không cần phải đưa ra phạt. 
 
 “Bỏ”
         
Qua ý kiến phân tích, đại diện ban soạn thảo Cục tham mưu cảnh sát quản lý hành chính - Bộ Công  đã xin ý kiến Hội đồng thẩm định được bỏ nhiều quy định cụ thể như sau: hành vi kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính trong gia đình, nhằm tạo cho thành viên trong gia đình sự phụ thuộc về tài chính; hành vi buộc thành viên trong gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ, đại diện Bộ công an cho rằng, đây là quy định đã được quy định tại văn bản pháp luật trước đó tuy nhiên qua rà soát , nhận thấy hành vi này khó thực hiện trong thực tế, không phù hợp với điều kiện kinh tế  xã hội và mức thu nhập của người dân hiện nay. Bên cạnh đó việc chứng minh hành vi này là rất khó để xử phạt... do đó ban soạn thảo xin ý kiến hội đồng thẩm bỏ hai quy định này.
 
Hành vi buộc thành viên trong gia đình chứng kiến cảnh sinh hoạt tình dục; hành vi bạo lực trong sinh hoạt trong tình dục mà người vợ hoặc chồng không muốn với hành vi này ban soạn thảo nhận định khó xác định trong quan hệ vợ chồng, quan hệ huyết thống, việc chứng minh, xác định hành vi vi phạm cũng rất khó về tâm lý, khai báo, bằng chứng vì vậy ban soạn thảo cũng xin ý kiến hội đồng bỏ hai quy định này. 
 
Ngoài ra còn có các hành vi, bất hợp lý của các hành vi; dọa nạt người thân bằng hình ảnh, con vật.. làm hoảng sợ hoặc ép người khác xem, nghe những hình ảnh kinh dị; lăng mạ, chì chiết thành viên trong gia đình... những hành vi này mang tính cá nhân, tính khả thi không cao - xin ý kiến hội đồng xem xét.
 
Tại quy định ép buộc kết hôn, ly hôn - phạt từ 100-300 ngàn được đề xuất xem xét vì chồng chéo với điều 7, Nghị định 87/2001, xử phạm hành chính về luật hôn nhân gia đình sau đó được quy định lại trong quy định xử phạt bạo lực trong gia đình.
 
Trước đó, Bộ Công an cũng đã rút quy định phạt hành vi mua dâm có tính chất đồi trụy từ 5 đến 10 triệu đồng. Do vậy, chỉ còn lại nội dung phạt người mua dâm từ 500.000 đến một triệu đồng. Nếu mua dâm nhiều người cùng một lúc, tiền phạt tăng thành 2-5 triệu đồng. Mức phạt với người bán dâm trong các trường hợp này lần lượt là 100.000-300.000 đồng và 300.000-500.000 đồng...
 
Người "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm" hay "dùng vũ lực để bảo vệ" sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng. 
 
Đại diện Bộ Công an cũng thừa nhận những hành vi này được quy định quá cụ thể, chi tiết, chỉ mang tính định tính chưa mang tính định lượng sẽ rất khó thực hiện, khi thực hiện cũng khó áp dụng để xử phạt.
  • (Theo ĐVO)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc