Trong khi người dân thì tỏ ra lo lắng không yên, một mực khẳng định nguyên nhân tai nạn là do các cơ quan chức năng quản lý giao thông chưa tốt, chất lượng hạ tầng giao thông kém... thì các cơ quan chức năng lại cho rằng 80% tai nạn là do ý thức của người dân chưa tốt, thường xuyên có tình trạng không tỉnh táo khi lái xe, vượt quá tốc độ quy định...
Dường như những con số quá lớn của tình trạng tai nạn giao thông và việc phải chịu trách nhiệm đối với nó đã đẩy người ta đến việc tranh cãi, đỗ lỗi cho nhau. Tuy nhiên, nếu xét kỹ vấn đề, tai nạn giao thông là điều mà không một ai mong muốn, cũng như trẻ tử vong do vắc xin không hợp với cơ thể, khó mà quy trách nhiệm cho ai được ngoài ông trời.
Chính vì vậy, thiết nghĩ, thay vì tìm cách đổ lỗi cho nhau, chúng ta cần có những biện pháp hiệu quả hơn nữa để giảm thiểu tối đa tai nạn, bảo vệ tài sản và mạng sống cho người dân. Một trong số những biện pháp đáng chú ý được nhiều người đề xuất có thể kể ra đó là Bộ Giao thông nói riêng và các cơ quan chức năng nói chung cần thực hiện tốt công tác dân vận để người dân có thể ý thức được rằng mỗi người phải phát huy cao độ trách nhiệm của bản thân để có thể hạn chế tối đa tai nạn giao thông.
Nếu thực hiện tốt công tác dân vận thì những ổ gà như thế này trên đường sẽ nhanh chóng được xử lý (Ảnh Dân Trí) |
Trên thực tế chúng ta đã có những tấm gương tự vá đường như ông Nguyễn Văn Bảy, ở xứ cù lao thuộc ấp Long Bình (xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), và việc cần làm là phải nhân rộng mô hình đó trong cả nước, để cho mỗi người, mỗi nhà tự ý thức trách nhiệm của mình. Thậm chí, trong vấn đề này chính quyền địa phương, phố phường, làng xã có thể vào cuộc phân chia từng khu vực cụ thể để chỉ rõ trách nhiệm, ví dụ như đường trước cửa nhà ai thì gia đình đó phải có ý thức tự sửa chữa nếu có hư hỏng.
Chúng ta đã có đường phố phụ nữ tự quản, thanh niên tự quản... thì chẳng có lý do gì không thể biến thành đường phố người dân tự sửa. Nếu mỗi người đều có ý thức cao trong việc bảo vệ đoạn đường trước cửa nhà mình, khi thấy có ổ gà, ổ voi thì nhanh chóng tiến hành vá víu, sửa chữa, các hố ga đơn vị thi công quên chưa nắp thì phải nắp lại... thì chắc chắn hạ tầng giao thông của chúng ta sẽ được cải thiện rõ rệt, đường xấu cũng sẽ không còn là nguyên nhân dẫn đến tai nạn được nữa.
Còn với những đoạn đường không có người dân sinh sống thì trách nhiệm tất nhiên thuộc về các lái xe. Nếu mỗi lái xe đều tự chuẩn bị sẵn các công cụ vá đường trong xe, khi tham gia giao thông, thấy đoạn đường nào có vấn đề dừng lại cùng nhau sửa chữa bằng mọi vật liệu sẵn có như bê tông tự chuẩn bị hay đất đá ven đường...thì chắc chắn đường trên cả nước sẽ không còn ổ gà, không còn đường xấu.
Nếu Bộ giao thông có thể làm tốt công tác dân vận, chia việc cho từng người, từng gia đình để nâng cao ý thức của người dân thì chắc chắn tai nạn giao thông sẽ không còn nỗi ám ảnh của người dân hay khiến các cơ quan chức năng đau đầu tìm cách giải quyết.