Theo báo Gia đình và Xã hội, đó là trường hợp của bé Triệu Thùy Nhâm, người dân tộc Dao (trú tại thôn Cốc Hát, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) mới nhập Viện Bỏng Quốc gia cách đây ít ngày và hiện vẫn nằm tại khoa cấp cứu. Xót xa hơn, đằng sau nỗi đau thể xác này còn là một hoàn cảnh éo le và thiệt thòi.
Bà Bế Thị Nhị (bà ngoại bé Nhâm) chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội về tai nạn xót xa đã xảy ra với cháu gái:
"Hôm ấy bố mẹ nó (bé Nhâm) về ngoại. Khoảng hơn 4h chiều 10/8, tôi đang đi làm thì mẹ nó gọi bảo "mẹ ơi, con ngã xuống nước rồi", tôi cứ nghĩ hai mẹ con đưa nhau qua suối đi đâu thì bị ngã, về đến nhà thì mới thấy là bị ngã xuống chậu nước sôi.
Mẹ nó ở nhà, đun nước để tắm cho con nhưng không biết sao cháu lại ngã vào được.
Vợ chồng nó đều không đi được nên tôi đành đưa cháu xuống. Hôm ấy đi vội vàng nên trong người cũng không có tiền, đến hôm nọ thì về vay được 10 triệu".
Các bác sĩ tại đây cho biết, đến nay thường chỉ có bà ngoại và bác thay nhau trông nom bé Nhâm. Trước đó, khi bé bị bỏng, do thiếu hiểu biết nên bố và mẹ đã cho bôi kem đánh răng cứu thương rồi chuyển đi trạm y tế xã.
20 tiếng sau, bé được chuyển vào Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng sốc bỏng và diện tích bỏng là 30%, bỏng ở nhiều phần trên cơ thể (đầu, mặt, cổ, thân và chi). Trong khi đó, đối với trẻ em, chỉ cần bị khoảng hơn 10% thì đã rơi vào tình trạng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng.
Vết bỏng của Nhâm chủ yếu ở vùng đầu, mặt, cổ, lưng và mông – những phần cơ thể gặp phải cọ xát nhiều, đồng thời do đã vô tình bị bôi kem đánh răng sơ cứu ban đầu nên khi chuyển đến viện thì các vết bỏng bị trầy xước nên rất đau và xót.
Nhìn bé gái 16 tháng tuổi vốn trắng trẻo, xinh xắn nhưng lại đang đau đớn nằm trên giường bệnh với nhiều băng, gạc, ai nấy đều xót xa. Bà Nhị cho biết, bé cũng đã ăn được cháo nhưng vẫn đau và run.
Bác sĩ cho biết, hiện tình trạng vết thương của bé Nhâm tuy có khá hơn nhưng vẫn sốt, phù nề và trong giai đoạn nhiễm trùng. Ngoài thuốc đắp thì bệnh viện cũng cố gắng xen kẽ các thuốc chữa trị trong bảo hiểm cùng các thiết bị máy móc và chỉ định tốt nhất cho bé.
Tuy nhiên, việc chữa trị vẫn cần phải nhờ vào một số thuốc điều trị tốt nhưng nằm ngoài bảo hiểm, trong khi điều kiện kinh tế của gia đình lại rất khó khăn, hơn nữa là cả bố và mẹ bé đều mắc phải bệnh mù lòa ở mắt.
"Cả bố và mẹ cháu đều bị bệnh tật từ bé, mắt mù lòa nên không nhìn được, chỉ thấy mờ một chút thôi. Bình thường thì cháu vẫn ở nhà với mẹ nó và cũng chưa xảy ra chuyện gì.
Con gái tôi là Lý Thị Hiểu, hồi còn bé bị bệnh gì đó mà chữa không khỏi, rồi dần bị mù lòa, còn chồng thì cũng chỉ nhìn được một chút. Lâu nay, vợ chồng chúng nó ở với bà nội đã già yếu, nhà cũng không làm lụng được gì mấy nên nhà thuộc hộ nghèo, cũng đi gánh nước, đi tuốt lúa được nhưng không đáng là bao" - bà Nhị chia sẻ.
Vốn là người dân tộc thiểu số, cuộc sống lâu nay rất thiếu thốn, lại thêm bố và mẹ đều mắc khiếm khuyết về mắt nên sự sống của bé Nhâm hiện giờ chỉ trông cậy vào bà và những người thân khác. Trong khi để chữa trị hoàn thiện những vết bỏng ấy thì sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, riêng chi phí đi lại để thay phiên trông nom cũng đã rất eo hẹp đối với những người trong gia đình bé.
Thời gian vừa qua đã xảy xa rất nhiều vụ tai nạn bỏng ở trẻ em, trong đó trẻ bị bỏng nhiều nhất là ở độ tuổi từ 1 đến 6. Dưới đây là những tai nạn bỏng thường gặp ở trẻ em:
1. Nồi nước, siêu nước, chậu nước, phích nước sôi vô ý đổ vào trẻ em. Ngã vào các chậu nước nóng sôi, nước gội đầu, nồi canh vừa nấu, nồi cháo, nồi cám lợn…
2. Ngã vào bếp lửa, nghịch lửa diêm, nghịch lửa nơi có xăng dầu.
3. Để đèn trong màn hoặc gần màn, trong lúc ngủ quên đổ đèn, lửa bén vào màn (thường bỏng cả mẹ lẫn con hoặc cả chị và em).
4. Để quạt điện trong màn, cánh quạt vướng vào màn không quay làm quạt cháy.
5. Chạy nghịch ngã vào các hố vôi tôi nóng.
6. Chơi nghịch các đồ điện, đụng chạm các nút, phích điện, dây điện đang dẫn điện.
4 lời khuyên khi xử lý bỏng tại nhà:
1. Nên làm mát vết thương bằng cách dội nước lạnh lên chỗ bị bỏng, sau đó che phủ vết bỏng bằng vải sạch và đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
2. Hiện nay trên thị trường có bán một số loại thuốc xịt vết bỏng có tác dụng làm lạnh, giảm đau nhưng sau khi xịt cho trẻ, các bậc cha mẹ cũng nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được băng bó, chăm sóc vết thương đúng cách. Không nên để trẻ ở nhà và xịt nhiều lần vì có thể tạo thành lớp màng che vết bỏng và gây nhiễm trùng.
3. Không nên dùng nước mắm, kem đánh răng... bôi lên vết bỏng, vì chẳng những không làm giảm tổn thương mà còn gây thêm đau đớn.
4. Chỉ sử dụng thuốc đông y, tây y ở giai đoạn đầu bị bỏng. Sau đó, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi và đánh giá vết bỏng. Nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ can thiệp ngoại khoa để hạn chế di chứng của bỏng.