Chị Bùi Thị Thanh Trúc (Q.11, TP.HCM), chủ thuê bao số 0948942... bức xúc, dù đã bổ sung đủ thông tin, bao gồm ảnh chân dung theo yêu cầu trước ngày 24/4 nhưng đến ngày 28/4 chị bị mất liên lạc với mọi người. Khi thử dùng một số khác gọi vào số điện thoại của mình, chị phát hiện đầu bên kia lại là một người khác sống tại Đắk Lắk.
Ngay trong ngày, chị đã tới cửa hàng giao dịch trình báo và đưa các giấy tờ, cung cấp thông tin cuộc gọi để chứng minh chủ thuê bao và được Vinaphone cấp lại sim nhưng chỉ mở chiều nghe. Sau khi xác minh, Vinaphone cho biết đây là lỗi của giao dịch viên đã sai sót trong quy trình cấp lại sim cho khách hàng. Đến ngày 1.5, nhà mạng này đã cấp lại sim cho chính chủ và hoàn lại tiền trong tài khoản.
Việc bỗng nhiên bị mất số điện thoại không còn là vấn đề mới, trước đây nhiều số điện thoại “đẹp” cũng xảy ra tình trạng tương tự. Một số kẻ gian giả chứng minh nhân dân để khai báo lấy lại số điện thoại. Tuy nhiên, sau khi yêu cầu cung cấp các số điện thoại thường xuyên liên lạc và hình ảnh chính chủ thấy không khớp với thông tin đã lưu, nhà mạng mới phát hiện người đến yêu cầu lấy lại số điện thoại là giả mạo…
Việc bị mất số điện thoại không chỉ ảnh hưởng tới vấn đề liên lạc mà nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân, mất tiền là vô cùng lớn. Thông thường, số điện thoại di động được sử dụng nhận mã OTP xác thực cho nhiều tài khoản ngân hàng, ví điện tử... khi giao dịch chuyển tiền. Khi kẻ gian có được số điện thoại thì nhiều khả năng các thông tin liên quan về số tài khoản ngân hàng, số ví điện tử cũng sẽ bị lộ, từ đó tiền trong tài khoản sẽ bị đánh cắp.
Ngoài ra, một số khách hàng cũng phản ánh, khi kiểm tra thông tin cá nhân (soạn TTTB gửi 1414 với tất cả các mạng) vô tình phát hiện mình là chủ thuê bao "ma", dù không hề đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao trên. Nhiều khách hàng bày tỏ lo lắng, việc vô tình làm chủ số lạ sẽ khiến họ vướng vào rắc rối nếu số thuê bao kia được sử dụng vào mục đích xấu như đe dọa, tống tiền người khác...
Các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone cho biết họ đã nhận được phản ánh của khách hàng về việc bỗng dưng đứng tên nhiều thuê bao lạ. Các nhà mạng cho thấy họ đang quyết liệt triển khai các biện pháp thu hồi và hạn chế SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Nhưng thực tế họ vẫn chưa đơn giản hóa các thủ tục nhằm hỗ trợ khách hàng xóa bỏ thông tin bị đăng ký cho thuê bao "ma", càng chưa nói đến việc đền bù cho những người "bị hại".
Hệ quả, những người "vô tình" là chủ SIM lạ, SIM rác, hay hàng triệu thuê bao từng nhiều ngày phải nhận tin nhắn rác vẫn phải liên hệ với các tổng đài của nhà mạng, ra điểm giao dịch (mang theo SIM gốc, chứng minh nhân dân/hộ chiếu/thẻ căn cước) để đi xác nhận thông tin và hủy số thuê bao không phải của mình.
Nguyên nhân chính của nạn SIM rác là do các đại lý, nhà mạng đã sử dụng thông tin cá nhân của người dùng để đi kích hoạt thêm hàng loạt SIM khác (SIM kích hoạt sẵn). Lỗi trước hết nằm ở nhà mạng do họ đã không bảo đảm bảo mật cho thông tin của người dùng. Những SIM kích hoạt sẵn này được kẻ xấu sử dụng để phát tán tin nhắn rác khắp nơi. Ngoài ra cũng không thể bỏ qua đối tượng phát tán lượng tin nhắn nhiều nhất chính là… các nhà mạng.
Theo nghị định 49 được ban hành thể hiện quyết tâm loại bỏ nạn SIM rác và tin nhắn rác của Bộ TT&TT quy định phạt từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng trên mỗi số thuê bao đối với doanh nghiệp viễn thông (tổng số tiền phạt không quá 200 triệu đồng) nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin không đúng; thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định. Như vậy nhà mạng sẽ chỉ phải đối mặt mức phạt hành chính cao nhất là 200 triệu đồng, và liệu mức phạt này đã tương xứng với những hậu quả mà SIM rác, tin nhắn rác đã gây ra cho xã hội?