Trong buổi đánh giá của các thành viên Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ qua 9 tháng hoạt động, Bộ trưởng Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quỹ BTĐB Trung ương nhấn mạnh: "Chi 1 đồng cũng phải thông qua Hội đồng Quỹ, từng khoản chi phải có địa chỉ rõ ràng, kiểm tra thẩm định trên thực tế trước khi quyết định chi. Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm kiểm tra các dự án sử dụng tiền Quỹ. Dịch vụ QLBT phải được xã hội hóa, đấu thầu rộng rãi, do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện. Đồng thời, phải xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở hạ tầng, khuyến khích áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật...”.
Chi một đồng trong QBT cũng phải minh bạch |
Số tiền được chi theo kế hoạch năm 2013 của Quỹ Trung ương là 4.100 tỷ đồng, gồm chi 1.196,41 tỷ đồng để bảo trì thường xuyên 102 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài gần 18.000km và chi trên 2.664 tỷ đồng để sửa chữa định kỳ 904 dự án.
Năm 2013 cũng là năm đầu tiên các tuyến đường địa phương có được nguồn kinh phí khá lớn và ổn định cho quản lý bảo trì. Ngoài nguồn thu từ xe máy, dự kiến nếu thu đủ sẽ đạt tới 2.600 tỉ đồng, các Quỹ BTĐB địa phương còn được tiếp nhận 35% của Quỹ BTĐB Trung ương chuyển về, từ nguồn thu phí trên đầu ô tô.
Phần kinh phí Quỹ Trung ương chi hỗ trợ cho các địa phương được Bộ trưởng Đinh La Thăng - Chủ tịch Hội đồng Quỹ BTĐB Trung ương chỉ đạo: Phải sử dụng đạt hiệu quả cao nhất. Tiền chi phải có tiêu chí rõ ràng, các dự án phải có đầu mục, không chi chung chung. Quan tâm đến các tuyến đường miền núi trọng yếu, hỗ trợ các tỉnh mà đường sá đi lại của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Toàn bộ các nội dung chi từ Quỹ BTĐB được Kho bạc Nhà nước kiểm soát tương tự các khoản chi từ ngân sách, song với tính linh hoạt của mình, Quỹ đã phát huy tác dụng lớn trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp bảo vệ đường sá.
Trước đó, đầu tháng 10 vừa qua, báo Đất Việt dẫn lời ông Nguyễn Di Thái, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý khai thác cầu Cần Thơ, cho biết đã trả hết số tiền trên 2,2 tỉ đồng cho 31 cựu nhân viên Công ty quản lý khai thác cầu Cần Thơ bị thất nghiệp. Số tiền này được trả từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ. Cùng trả đợt này còn có 38 cựu nhân viên của Công ty quản lý sửa chữa cầu đường 715 (Mỹ Thuận) với số tiền trên 3,4 tỉ đồng.
Trước đó, 31 cựu nhân viên Công ty quản lý khai thác cầu Cần Thơ đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng yêu cầu được giải quyết thỏa đáng quyền lợi người lao động sau khi thất nghiệp đúng theo luật lao động.
Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương - cho biết hiện nay Quỹ Bảo trì đường bộ đã tạm cấp hơn 20 tỉ đồng để chi trả trợ cấp mất việc đối với thời gian người lao động làm việc tại trạm thu phí.
Còn hơn 20,78 tỉ đồng trợ cấp mất việc đối với thời gian người lao động làm việc tại các công ty nhà nước trước khi chuyển sang làm việc ở trạm thu phí thì phải rà soát, làm rõ các trường hợp được trợ cấp theo đúng quy định.
Được biết, mục đích thành lập Quỹ bảo trì đường bộ nhằm huy động các nguồn tài chính có liên quan đến sử dụng đường bộ để cùng với ngân sách nhà nước dần từng bước đáp ứng nhu cầu vốn công tác quản lý, bảo trì đường bộ; thực hiện nguyên tắc theo cơ chế thị trường, người sử dụng các dịch vụ phải trả tiền để nhận được dịch vụ ngày càng tốt hơn.
Quỹ bảo trì đường bộ trung ương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ; Quỹ bảo trì đường bộ địa phương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương.
Trong khi đó, tai nạn giao thông do đường xấu, không đảm bảo an toàn vẫn thường xuyên xảy ra với con số thống kê khá lớn. Tổng kết 6 tháng đầu năm 2013, Bộ trưởng Thăng cho biết tình hình tai nạn giao thông rất phức tạp, số vụ giảm song số người chết tăng, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng tăng cao.
Chưa kể thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn gây chết người mà lý do chủ yếu nằm ở chất lượng đường. Tối 27/4, chị Kiều Thị Ngọc Ánh (20 tuổi, quê Đồng Nai) đang lưu thông từ TPHCM - Bình Thuận thì bất ngờ gặp vũng nước ở giữa đường khiến tay lái loạng choạng ngã vật ra đường.
Cùng lúc đó, xe tải do Nguyễn Đức Bình (43 tuổi, quê Phú Thọ) điều khiển trờ tới cán qua người chị Ánh khiến chị tử vong tại chỗ.
Theo nhiều người dân bán nước giải khát tại khu vực, cứ khi trời mưa thì đoạn đường này xuất hiện vũng nước lớn ứ đọng ngập phần đường xe máy. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra ngay tại vũng nước này.
Trước đó, vào trưa ngày 8/4 tại Thọ Xuân - Thanh Hóa, một bé trai cũng bị chết thảm trên đường đi học về vì...đường xấu.
Hiện trường vụ tai nạn làm hai bé gái học lớp 4 tử vong vì đường xấu tại huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa. |
Theo đó, hai chị em họ Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Thị Phương (học lớp 4, Tiểu học Thị trấn Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa) trên đường đạp xe về thì đi lên phải ụ đất ở mé đường rồi trượt ngã.
Đúng lúc đó có chiếc ô tô tải chở mía đi từ phía sau vượt lên, cán vào khiến 2 em tử vong tại chỗ.