Ngành điện, giao thông điều hành giỏi giang nhất VN

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Thế mới biết ở Việt Nam hiểu biết thị trường, buôn may bán đắt chưa chắc đã là thành công đâu nhé, quan trọng là phải biết làm cho số liệu linh hoạt, biến hóa liên tục mới là đỉnh cao của của đẳng cấp.

Theo Tuổi trẻ, kết luận thanh tra nêu rõ, theo quy định của Bộ Tài chính, thời điểm trích khấu hao đối với tài sản là thời điểm tài sản sẵn sàng sử dụng. Tuy nhiên, tổ máy số 1 của Nhà máy thủy điện Sơn La được xác định thời điểm khấu hao tài sản là thời điểm kết thúc thử nghiệm mang tải 72 giờ; tổ máy số 2, 3, 4 của Nhà máy thủy điện Sơn La, các tổ máy của Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, Nhà máy thủy điện An Khê - Kanak là thời điểm bắt đầu thí nghiệm đấu nối hòa đồng bộ tổ máy vào lưới điện quốc gia. Theo quy định, các nhà máy thủy điện phải tiến hành thí nghiệm mang tải 72 giờ, chạy thử thách 30 ngày và khắc phục các tồn tại, nếu đạt yêu cầu mới chính thức được các bên ký biên bản nghiệm thu để vận hành và phát điện thương mại (thời điểm tài sản sẵn sàng sử dụng). Việc tính khấu hao tài sản sớm của các nhà máy trên đã dẫn đến làm tăng chi phí sản xuất điện tại các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc.

Chỉ trong thời gian ngắn, giá điện đã tăng bảy lần và EVN đưa ra lý do là thua lỗ, giá đầu vào tăng... Trong ảnh: gắn điện kế cho khách hàng ở ấp 5, thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - Ảnh:TTO

Đáng chú ý, EVN đã hướng dẫn sáu đơn vị gồm Ban quản lý dự án thủy điện 1, 2, 4, 5, 6 và Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ hạch toán chuyển nguồn vốn của 11 dự án điện đã hoàn thành, đang phát điện vào lưới điện quốc gia từ nguồn vốn khấu hao cơ bản sang nguồn vốn do phát hành trái phiếu doanh nghiệp của EVN với tổng số tiền trên 1.600 tỉ đồng. Do thay đổi nguồn vốn hình thành tài sản nên lãi trái phiếu tương ứng số tiền 223 tỉ đồng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm, làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, nhằm hoàn thành mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2015 đạt khoảng 194-210 tỉ kWh, năm 2030 đạt khoảng 695-834 tỉ kWh (kể cả nhập khẩu điện từ Trung Quốc), trong giai đoạn từ năm 2005 đến tháng 7-2012, EVN đã và đang đầu tư 42 dự án nguồn điện với tổng mức đầu tư trên 425.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai có 20 dự án chậm tiến độ dẫn đến thiếu nguồn điện cung cấp cho an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh và làm tăng chi phí đầu tư dự án. Điều này cũng sẽ dẫn đến việc tăng giá thành điện khi dự án đi vào hoạt động.

Không những vậy, tại sáu dự án nguồn điện gồm Nhiệt điện Ô Môn 1, Nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Hải Phòng 1, Nhiệt điện Quảng Ninh 1 đều có hạng mục “Khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nằm trong giá trị đầu tư của dự án. Tuy nhiên, đây là đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis... với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỉ đồng. Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định.

Tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), đơn vị này đã xác định giá trị tài sản trên đất, giá trị quyền sử dụng đất của khu đất 90 Lý Thường Kiệt, phường 9, quận Tân Bình, tương ứng số tiền hơn 62 tỉ đồng để trích khấu hao là sai. Khu đất này trên thực tế là sử dụng để góp vốn dự án xây dựng cao ốc. Tương tự, EVN HCMC được cơ quan có thẩm quyền giao đất đầu tư dự án bất động sản tại vị trí Nhà máy nhiệt điện Chợ Quán nhưng lại hạch toán các chi phí liên quan đến thực hiện dự án với số tiền gần 7,5 tỉ đồng vào chi phí sản xuất kinh doanh điện mà không tổng hợp, hạch toán vào chi phí đầu tư của dự án.

Đối với việc quản lý, sử dụng ôtô, Thanh tra Chính phủ xác định EVN đã mua hai xe Toyota LandCruise với giá trị gần 5,1 tỉ đồng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chung. Tuy nhiên, theo quy định thì EVN chỉ được mua ôtô hai cầu với mức giá tối đa là 1,04 tỉ đồng/xe. Như vậy, EVN mua ôtô vượt mức quy định hơn 3 tỉ đồng. Tương tự, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã mua sáu xe Toyota Camry 2.4G để phục vụ hoạt động kinh doanh, vượt giá quy định hơn 2,2 tỉ đồng.

Sau khi những sai phạm nghiêm trọng của EVN bị thanh tra phanh phui, người tiêu dùng trong cả nước đã vô cùng bức xúc. Trong thời buổi kinh tế suy thoái, làm ăn khó khăn, thu nhập ngày càng giảm, việc ngành điện cứ thẳng tay 'móc' túi tiền của người dân quả thật là hành động rất khó chấp nhận và đáng lên án.

Tuy nhiên, trong cơn bão bức xúc đó vẫn có những ý kiến tích cực dành cho ngành điện khi cho rằng EVN quả xứng đáng là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam khi tính toán và tiến hành kinh doanh một cách linh hoạt, uyển chuyển.

Mọi người thử nghĩ mà xem, nếu EVN không tính các chi phí phát sinh và giá điện thì số tiền thua lỗ, lạm chi sẽ rất khủng khiếp. Doanh nghiệp hàng đầu Nhà nước chứ có phải loại vừa hay bé tí ti đâu, sao lại có thể để tình trạng thua lỗ thế được. Hơn nữa, EVN lâu nay vẫn nổi tiếng với việc lương thưởng cao, nếu để thua lỗ quá lớn thì sao mà lương cao, thưởng khủng như ý được.

Vậy cho nên có trách gì thì trách, mọi người cũng phải ghi nhận sự hơn người của ngành điện chính là làm cho những con số biến hóa khôn lường.

Mà sự linh hoạt này không phải chỉ ngành điện mới có đâu nhé, ngành giao thông nhìn thế thôi cũng giỏi giang không kém cạnh ai. Đấy, chẳng cần tìm bằng chứng đâu xa, chỉ cần nhìn việc Bộ GTVT trích quỹ Bảo trì đường bộ để trả lương, trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động sau khi họ nghỉ việc tại các trạm thu phí mới đây.

Ngành giao thông cũng linh hoạt không kém ngành điện khi trích quỹ Bảo trì đường bộ hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động

Vốn dĩ, theo quy định, quỹ Bảo trì đường bộ là để là nhằm huy động các nguồn tài chính có liên quan đến sử dụng đường bộ để cùng với ngân sách nhà nước dần từng bước đáp ứng nhu cầu vốn công tác quản lý, bảo trì đường bộ; quỹ trung ương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ; Quỹ địa phương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương. Thế nhưng mà đâu có quan trọng gì, Bộ GTVT đã không ngại ngần trích hàng tỉ đồng hỗ trợ thất nghiệp. Linh hoạt thế còn gì!

Đến đây, nếu có ai đó cho rằng đang có một cuộc cạnh tranh gay gắt về mức độ linh hoạt giữa ngành điện và ngành giao thông có lẽ cũng chẳng sai chút nào. Trong khi ngành điện liên tục kêu lỗ mà vẫn lương cao, thưởng khủng thì ngành giao thông cũng không ngại ngần bỏ qua chuyện cầu cạn đường vành đai 3 (Hà Nội) sau chưa đầy 1 năm thông xe đã bị lún vẫn quyết vay vốn ODA thưởng 180 tỷ cho nhà thầu thi công.

Thế mới biết ở Việt Nam hiểu biết thị trường, buôn may bán đắt chưa chắc đã là thành công đâu nhé, quan trọng là phải biết làm cho số liệu linh hoạt, biến hóa liên tục mới là đỉnh cao của của đẳng cấp.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn