Trần Bảo Ngọc là một trong những ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị vô địch Bước nhảy hoàn vũ nhí mùa đầu tiên. Cô bé sở hữu kỹ thuật dancesport khá điêu luyện, lại được về đội của Đoan Trang - Phan Hiển, hai huấn luyện viên mạnh nhất của cuộc thi.
Trong đêm chung kết với chủ đề Đêm thần tượng, Trần Bảo Ngọc được huấn luyện viên dàn dựng tiết mục cá tính và đặc sắc để hóa thân thành nữ ca sĩ "quái" Lady Gaga. Bảo Ngọc đã hoàn thành xuất sắc phần trình diễn này với biểu cảm gương mặt tuyệt vời cũng như tự tin và điêu luyện với những động tác mạo hiểm.
Nhưng đáng tiếc là lại có một cây cột được dựng trên sân khấu.
Cận cảnh màn múa cột của Bảo Ngọc
Về mặt giải trí, vài giây múa cột của Bảo Ngọc khá đẹp mắt và gây "ép phê" cho khán giả. Nhưng xét các yếu tố nhân văn khác, đây là một lỗi quá lớn về biên đạo của Đoan Trang - Phan Hiển khi đưa một nội dung không phù hợp vào bài nhảy của cô học trò mới 8 tuổi. Trong văn hóa Việt, múa cột vẫn là một thể loại nhạy cảm, nó vẫn tồn tại và phát triển trong không gian riêng chứ không phải lúc nào cũng có thể trưng ra biểu diễn. Hơn nữa, múa cột vẫn được gọi là "sexy dance", không phải là thể loại để trẻ em thử nghiệm.
Các động tác múa cột của Bảo Ngọc dù đã được tiết chế đi nhiều tạo hình gợi cảm song vẫn cứ là... múa cột. Nó gây ra một sự phản cảm lớn cho người xem truyền hình.
Đêm Chung kết của Bước nhảy hoàn vũ nhí có thể xem là thành công rực rỡ về phần nhìn với sân khấu lộng lẫy và những tiết mục được đầu tư hoành tráng, đẹp mắt của ba đội chơi. Song, khán giả không khỏi băn khoăn khi một sân chơi khiêu vũ dành cho trẻ nhỏ mà toàn những bài nhảy đậm màu sắc gợi cảm thì có phù hợp hay không?
Yến Nhi hóa thân thành Hồ Ngọc Hà để nhảy trên nền nhạc My Apology với 90% là những vũ đạo gợi cảm. Linh Hoa, cô bé Quán quân, hóa thân thành Beyonce, một DIVA người da màu vốn nổi tiếng bởi những màn trình diễn bỏng mắt, đương nhiên không thể không gợi cảm.
Yến Nhi hóa thân thành Hồ Ngọc Hà với những động tác gợi cảm y hệt như vũ đạo của bài My Apology
Khi xem các chương trinh khiêu vũ của nước ngoài, không khó để nhận ra các huấn luyện viên luôn biên đạo những bài nhảy rất hồn nhiên, vui vẻ dù là thể loại nào. Ngược lại, chương trình khiêu vũ trên truyền hình dành cho thiếu nhi ở Việt Nam lại chẳng khác gì người lớn, có chăng là tiết chế những động tác khó, còn giữ gợi cảm vẫn giữ nguyên.
Thì đành là giải trí, nhưng người xem truyền hình tối qua không khỏi trăn trở: Dùng trẻ em như một kỹ nghệ giải trí có được không?