Độc chiêu ngăn cản phi tần ngoại tình của Hoàng đế Trung Hoa
Các bậc quân vương khi nối ngôi đều có chung một suy nghĩ: Cuộc đời mỗi con người lại có hạn, nên dù muốn hay không, mỗi Hoàng đế cũng chỉ có thể bám trụ trên ngai vàng vài chục năm, sau đó buộc phải nhường lại cho hậu đế.
Điều khiến Hoàng đế lo lắng nhất chính là truyền ngôi “nhầm” cho người ngoài. Vì vậy, để trừ mối họa từ trong trứng nước, các vị Hoàng đế buộc phải tìm mọi cách ngăn chặn tình trạng các phi tần tìm cách “cắm sừng” mình.
Ngay từ thời xa xưa, người ta đã bằng nhiều cách “vô hiệu hóa” sinh thực khí của những người hầu là nam giới trong hậu cung, mà lâu nay người ta goi là “thái giám”.
Theo sử sách ghi chép thì thái giám là chế độ có từ thời Tây Chu, nghĩa là thế kỷ thứ 11 trước Công nguyên. Đây có thể nói là một đại phát minh của đàn ông Trung Quốc cổ đại và cũng là một chuyện kỳ quặc trong tiến trình phát triển của loài người.
Bằng việc cắt bỏ bộ phận sinh dục của nam giới, người Trung Quốc đã lần đầu tiên tạo nên giới tính thứ ba- không phải nam, cũng chẳng phải nữ. Tuy nhiên, vào thời bấy giờ, người ta không hề coi đây là một chuyện gì quá kỳ quặc, nếu không muốn nói là hoàn toàn bình thường.
Trong hậu cung Trung Quốc xưa, người ta có rất nhiều cách gọi khác nhau đối với những nam người hầu bị cắt bỏ bộ phận sinh dục, từ yêm nhân, thị nhân, lão công, trung quan, hoạn quan, vô căn nhân,…Tuy nhiên, có lẽ lưu hành thông dụng nhất chính là thái giám. Chức quan này chính là phát kiến của một ông vua đời Đường tên là Lý Trị.
Lúc bấy giờ khi Lý Trị đổi Điện Trung Tỉnh trong hậu cung thành Trung Ngự Phủ, đã phong cho các hoạn quan chức quan có tên gọi hẳn hoi là thái giám và thiếu giam. Hai chữ thái giám dùng để chỉ các hoạn quan phục vụ trong hậu cung bắt đầu sinh ra từ đó.
Việc cắt bỏ bộ phận sinh dục ở người đàn ông trước khi đưa vào cung để hầu hạ Hoàng đế và các phi tần, thực tế là cách mà các Hoàng đế dùng để ngăn chặn sự quấy nhiễu của các “thế lực bên ngoài” đối với các phi tần, cũng là cách để ngăn chặn những phi tần lăng loàn, tìm cách “vượt rào”, có ý định “cắm sừng” Hoàng đế.
Không chỉ bị "tịnh thân", thái giám trong hậu cung cũng chịu sự quản lý vô cùng nghiêm ngặt. Trong Giao Thái Cung, Nội Vụ Phủ, Thận Hình Ti của vua Thuận Trị còn treo một tấm bảng sắt ghi rõ thái giám không được can thiệp vào việc triều chính cũng không được rời khỏi kinh thành. Dưới triều Thanh, phẩm cấp của hoạn quan không được cao quá tứ phẩm (Thanh triều chia phẩm cấp quan lại làm 8 phẩm, đứng đầu là nhất phẩm).
Thực chất, tấm bảng sắt bên ngoài là đe dọa thái giám không được tham gia vào chuyện chính sự song ngầm ẩn bên trong là cảnh cáo không được tìm cách qua lại với các cung phi trong hậu cung.
Câu chuyện thông dâm để “trêu tức” hoàng đế
Phi tần của Lương Nguyên Đế Tiêu Dịch - Từ Chiêu Bội, tuy nhan sắc lộng lẫy, cũng có tài văn thơ nhưng là người đàn bà mạnh mẽ với tính cách nổi trội, thậm chí có phần hoang dã.
Bà ham mê uống rượu, chính những sự trái ngược đó đã khiến cho tình cảm của hai vợ chồng họ càng ngày càng bất hòa, xung đột. Theo ghi chép trong sử sách, cứ khoảng 2 - 3 năm Lương Nguyên Đế mới đến phòng bà một lần. Từ Chiêu Bội cũng cố gắng tìm mọi cách để có thể hòa hợp với chồng nhưng đều bị cự tuyệt.
Thân là phi tần bị ghẻ lạnh, từ yêu chuyển sang hận, bà tìm cách rửa hận, cuối cùng lún sâu vào sự hận thù và chịu cái kết bi thảm. Bắt đầu từ việc chọc tức chồng, mỗi lần gặp mặt chồng, bà đều trang điểm một nửa mặt để trêu ngươi, chế giễu Tiêu Dịch bị chột một mắt. Chính vì thế mối quan hệ vợ chồng của họ càng trở nên tồi tệ.
Từ Chiêu Bội không chịu nổi sự cô đơn nên đã cả gan cắm sừng lên đầu Tiêu Dịch. Bà đã thông dâm với một hòa thượng tên Trí Viễn ở hậu đường Kinh Châu. Hòa thượng vẫn là hòa thượng, Từ Chiêu Bội nhanh chóng chán ngán Trí Viễn và bắt đầu tìm mục tiêu mới. Người lần này được Từ Chiêu Bội để mắt tới đó chính là Ký Quý Giang - một thị vệ của Tiêu Dịch. Ký Quý Giang tuy có ngoại hình tương đối sáng sủa, nhưng không phải là người đàng hoàng. Gặp ai anh ta cũng rêu rao, chế giễu rằng: “Tuy Từ nương đã già nhưng vẫn đa tình”.