Thay đổi chế độ cha truyền con nối
Vào thời nhà Thanh, việc truyền lại tước hiệu cho hậu duệ của các thành viên trong hoàng tộc tồn tại một điểm khác biệt rất lớn so với những vương triều trước đó.
Tất cả các nhân vật trong hoàng tộc Thanh triều mỗi khi truyền tước lại cho con trai mình thì tước hiệu này sẽ bị giáng xuống một cấp, duy chỉ có những nhân vật sở hữu công lao vô cùng hiển hách mới được giữ nguyên tước hiệu cho đời sau.
Những nhân vật may mắn nói trên cũng chiếm số lượng vô cùng ít ỏi, cả Thanh triều chỉ ghi nhận 12 trường hợp. Họ được gọi là 12 "Thiết mạo tử vương".
Còn đối với các Thân vương không có công lao to lớn, dù cho họ có là anh em ruột thịt với nhà vua thì tước vị mỗi khi truyền xuống một đời cũng vẫn bị hạ dần cấp bậc, cho tới khi truyền đến đời thứ tư, thứ năm thì con cháu cũng chẳng khác nào thường dân bách tính.
Cách duy nhất để các hậu duệ hoàng tộc duy trì tước hiệu và quyền lợi của mình chính là không ngừng cống hiến cho triều đình và lập được công lao. Chỉ một khi đem lại đóng góp cho Hoàng đế, con cháu đời sau của họ mới không bị loại trừ khỏi Hoàng tộc.
Theo nhận định của Qulishi, phương pháp quản chế này của Thanh triều đã hạ thấp khả năng tạo phản của các Thân vương xuống chỉ còn một phần ba so với những vương triều khác.
Chú trọng việc hoạch định các chính sách
Các hoàng đế nhà Thanh vĩ đại nhất thường tổ chức các buổi lên triều sớm, nhanh chóng và đều đặn. Chính trong thời gian thiết triều, hoàng đế sẽ tuyên bố những chính sách và ban hành các chiếu lệnh.
Các văn võ bá quan đại diện cho các cơ quan tư vấn khác nhau và các cơ quan triều đình sẽ đệ trình các báo cáo hoặc tấu chương lên hoàng đế, và ông sẽ đọc vào lúc ăn sáng. Sau đó hoàng đế sẽ triệu tập những vị quan đến để gặp riêng từng người trong danh sách các vị quan có sẵn do một thái giám trình lên. Sau đó hoàng đế sẽ thiết triều trong khoảng 1 giờ 30 phút.
Buổi chầu chỉ bắt buộc vào một vài ngày của Âm lịch và thường bắt đầu vào lúc 9h 30 phút sáng. Nhưng các hoàng đế siêng năng sẽ tổ chức các buổi họp thường xuyên hơn. Điển hình là buổi thiết triều của Hoàng đế Khang Hi (1654-1722) bắt đầu vào lúc 9h sáng và ông gặp các quan chức gần như hàng ngày.
Sau các buổi chầu, hoàng đế thường lui về thư phòng của mình để giải quyết các tấu chương. Một cây bút son chu sa được thiết kế riêng cho hoàng đế để ông để viết lời ghi chú hoặc phê chuẩn các tấu chương.
Vào những ngày bận rộn, hoàng đế có thể phải thức đến tận đêm khuya để xem lại các chính sách điều hành của mình.
Nghiêm cấm kết bè kéo cánh
Các Thân vương nhà Thanh muốn kết giao cùng các đại thần để gây dựng thế lực cho mình cũng là một điều hết sức khó khăn. Lý do là bởi hoàng thất của vương triều này đều do Tông Nhân phủ thống nhất quản lý, những hành vi kéo bè kéo cánh đều sẽ bị tiến hành phân xử nghiêm khắc.
Chưa nói tới việc thiết lập các mối quan hệ, tầng lớp Thân vương ngay tới chuyện nhận quà cáp của các đại thần cũng đều phải hết sức thận trọng. Cuộc sống của họ đang bị Hoàng đế ngày đêm nắm trong tay, một khi làm bất kỳ nhất cứ nhất động dễ gây hiểu lầm nào cũng đều phải cân nhắc tới hậu quả.
Đây cũng là một trong những lý do mà hầu hết các hoàng tử nhà Thanh sau khi đã thất bại trong cuộc chiến tranh đoạt ngôi Thái tử thường sẽ chọn cách sống an phận chứ không có dã tâm mưu phản.
Từ những dẫn chứng lịch sử trên đây, không khó để nhận thấy các thành viên trong hoàng tộc nhà Thanh đều phải chịu sự áp chế nghiêm ngặt từ triều đình.
Ngay tới những người sở hữu địa vị cao quý nhờ mang quan hệ máu mủ gần gũi với nhà vua như các Thân vương cũng chẳng có lấy chút binh quyền, hành tung ngày đêm bị kiểm soát, việc có dã tâm mưu phản chẳng khác nào tự tìm đường chết cho bản thân và hậu duệ.