Cách ngâm mơ không bị váng
Nước mơ là món đồ uống ngon giải nhiệt mùa hè đã được người dân Việt thưởng thức từ rất lâu. Tuy nhiên để ngâm được một bình mơ đường chuẩn, vừa có vị chua, mặn, ngọt lại vừa không bị váng và lên men thì lại cần mẹo trong quá trình làm.
Mơ tươi có ưu điểm nổi trội về hàm lượng beta caroten và lycopen, là hai hợp chất chống oxy hóa có vai trò quan trọng với con người. Beta caroten có vai trò cải thiện khả năng của thị giác, làm trẻ hoá làn da và làm lành mạnh hóa hệ miễn dịch tốt cho người mới ốm dậy. Bên cạnh đó, chất lycopen giữ cho làn da mãi tươi trẻ, ngăn ngừa những vết thâm nám và mẩn đỏ trên da, rất tốt cho chị em phụ nữ.
Mơ ngâm lâu sẽ giúp tiết hết toàn bộ các vi chất chứa trong quả mơ. Chính vì vậy, món mơ ngâm đường không chỉ là đồ uống giải khát mà còn rất tốt cho sức khoẻ. Dưới đây là hướng dẫn cách ngâm mơ đường chua chua ngọt ngọt mà không bị váng hay lên men như rượu.
Nguyên liệu:
1kg mơ
1,2kg đường
Muôi hạt
Lọ thủy tinh sạch
Lưu ý cách chọn mơ:
Chọn mơ ngâm mua loại quả tròn trịa mượt mà, vẫn còn lớp lông tơ phủ xung quanh, căng mọng, và có màu đỏ ửng hay vàng rộm đều, không bị dập hay bị sâu và quả mơ phải có vị chua ngắt chứ không bị đắng. Nếu bị đắng mơ ngâm sẽ không ngon và chọn những quả vừa chín tới còn hơi cứng thì mơ sẽ thơm hơn.
Cách ngâm mơ với đường:
- Lọ thủy tinh rửa sạch, tráng bằng nước nóng rồi úp xuống cho khô
- Mơ rửa sạch, Chọn những quả bị hỏng, dập vứt đi và chỉ giữ lại những quả nguyên vẹn. Nếu mơ còn cuống và lá, bạn cũng nhặt và loại bỏ. Ngâm vào nước có thêm một chút muối trong vòng 20-30 phút..
- Mơ ngâm xong phải để ráo nước. Vớt mơ ra một cái rổ to, để mơ khô tự nhiên. Sau khoảng 1 tiếng đến 1,5 tiếng sẽ thấy mơ khô ráo và nhìn thấy một lớp lông mịn như phấn trắng.
- Lót một lớp đường dưới đáy lọ thuỷ tinh, rắc vào một ít muối sau đó xếp mơ lên trên. Sau đó cứ cho vào lọ thuỷ tinh một lớp mơ một lớp đường (thêm một ít muối). Lớp trên cùng là một lớp đường. Tuy nhiên, không nên xếp mơ và đường đầy kín lọ mà để cách miệng lọ chừng 5cm, đậy nắp không nên kín quá mà có thể tạo một khe hở rất nhỏ để trong quá trình mơ lên men sẽ không tạo bọt hay khí ga. Khi đường đã tan và quả mơ đã bắt đầu tóp lại hãy đậy thật kín nắp lọ và để nơi thoáng mát. Nếu đường bị lắng dưới đáy lọ khó tan, dùng thìa to khuấy lên.
- Sau một tháng trở đi, quả mơ sẽ bắt đầu quắt lại và nước mơ đã tiết ra nhiều đồng thời chuyển sang màu nâu vàng, khi ấy đã có thể lấy nước mơ ra dùng.
Ngâm càng lâu mơ càng ngon. Còn nếu muốn nhanh thì cứ bổ đôi quả mơ, bỏ hạt đi rồi hãy ngâm. Lúc đó nước mơ có được nhanh hơn, nhưng lại không trong vì có thịt của quả mơ tan ra chứ không được giữ lại trong vỏ. Khi ngâm, tỷ lệ đường và mơ có thể là 1 đường : 1 mơ, hoặc 1,2 đường : 1 mơ hay tối đa là 1,5 đường : 1 mơ chứ không nên quá nhiều đường vừa lâu tan (hoặc gây lắng đường ở dưới) vừa làm cho nước mơ ngọt khắt kém ngon.
Bí quyết để mơ không váng chính là muối. Nhưng chỉ cần một chút thôi, nếu không mơ sẽ bị lợ. Để vài hôm thì mơ lên men, sủi bọt, nhưng đó chỉ là khí ga chứ không phải là váng. Không chỉ thế, khi ngâm mơ đường theo cách này, khi ăn quả mơ ngâm sẽ rất giống với ô mai với đủ các vị chua, ngọt và hơi mằm mặn hội tủ đủ cả.