Một trong những vấn đề quan trọng ở vùng lũ lụt hiện tại đó chính là thiếu hụt nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt. Việc thiếu nước khiến cuộc sống của người dân càng trở nên khó khăn. Trong hoàn cảnh này, người dân có thể tiến hành một số bước xử lý để biến nước lũ lụt thành nước sinh hoạt trong lúc chờ khôi phục lại nguồn nước sạch.
Theo VTC News, PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh - Giảng viên Đại học Y tế Công cộng chia sẻ rằng người dân ở vùng bão lụt có thể sử dụng một số hóa chất để làm sạch nước, giúp có nguồn nước an toàn để sử dụng tạm thời, phòng chống dịch bệnh do sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn.
Để làm sạch nước, người dân cần có phèn chua và viên khử khuẩn làm sạch nước Aquatabs hoặc viên Cloramin B.
Đầu tiên, lấy 1 gram (khoảng 1 thìa cà phê) phèn chua tán nhỏ hòa với một bát nước cho tan. Đổ từ từ nước phèn chua đã pha vào thùng nước 20 lít và khuấy đều. Sau khi cho phèn chua, thùng nước đục sẽ trong trở lại trong vòng vài phút. Để nguyên như vậy cho các cặn bẩn lắng xuống đáy thùng trong khoảng 30 phút.
Nếu không có sẵn phèn chua, người dân có thể dùng vải để lọc bỏ cặn bẩn trong nước. Nên lọc vài lần đến khi nước trong.
Khi đã lọc được phần nước trong, hãy cho 1 viên khử khuẩn Aquatabs vào thùng nước và chờ 30 phút để viên khử khuẩn tan giúp tiêu diệt các vi khuẩn trong nước.
Nếu không có Aquatabs, người dân có thể sử dụng viên Cloramin B 250mg. Lưu ý, 1 viên Cloramin B 250mg dùng cho 25 lít nước. Với thùng 20 lít nước, chỉ dùng khoảng 4/5 viên Cloramin B.
Với cách này, người dân có thể có nguồn nước sạch tạm thời để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt cơ bản như đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân.
Để dùng tạm trong ăn uống, người dân phải đun sôi phần nước đã qua xử lý hóa chất.
Theo hướng dẫn xử lý nước mùa lũ của Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế được chia sẻ trên Báo Tin Tức - TTXVN, người dân ở vùng ngập lụt sau bão cần tiến hành thau rửa, khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn nước sinh hoạt bằng các chế phẩm khử khuẩn do Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực.
Việc khử khuẩn nước giúp đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt.
Để khử trùng nước, người dân có thể sử dụng Cloramin B liều 10g/mét khối nước; Clorua vôi 20% liều 13g/mét khối nước; hoặc Clorua vôi 70% liều 4g/mét khối nước.
Để xử lý nước giếng ở vùng mới xảy ra ngập lụt, người dân cần múc một gầu nước và hòa hóa chất vào khuấy đều cho tan. Sau đó, tưới đều gầu nước vào giếng, thả cho gầu nướng chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên, kéo xuống khoảng 10 lần cho nước hòa hóa chất tan đều trong nước giếng. Múc nước giếng đã khử trùng dội lên cả phần thành giếng để khử trùng ở khu vực này. Chờ khoảng 30 phút cho các chất khử trùng hoạt động là có thể múc lên sử dụng.
Nước đã xử lý múc lên vẫn chưa được trong hoàn toàn thì nên thêm bột Cloramin B để tiếp tục xử lý. Sau khi khử trùng, người dân sẽ ngửi thấy nước có mùi Clo. Như vậy, việc khử trùng mới có tác dụng.
Lưu ý, nước được khử trùng bằng Cloramin B phải đun sôi mới uống được.
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý Môi trường y tế, nếu người dân không có hóa chất khử trùng nước, phải đun sôi nước trên 10 phút trở lên rồi mới dùng với mục đích làm nước ăn uống. Đặc biệt, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.