Từ bỏ việc làm ở một spa với thu nhập ổn định ở thành phố, anh Thắng về quê Bình Lục, tỉnh Hà Nam nuôi toàn con đặc sản hiền lành, mắn đẻ, kiếm về 500 triệu đồng/năm.
Với hàng trăm mô hình phát triển kinh tế lớn nhỏ ở nông thôn, nông dân Bình Lục (Hà Nam) nói chung và xã Tràng An nói riêng đã và đang có nhiều hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình; liên kết sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi theo chuỗi giá trị, khẳng định vị thế và vai trò của nông dân trong xây dựng và phát triển quê hương…
Một trong số những gương nông dân làm kinh tế giỏi ở Bình Lục phải kể đến anh Lương Đình Thắng (sinh năm 1991, trú tại thôn Hòa Thái Thịnh, xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam).
Sinh ra tại vùng chiêm trũng Bình Lục, việc làm nông với anh Thắng không còn lạ. Hết cấp 3, chàng trai trẻ định hướng theo nghề làm đẹp, sau đó lấy vợ, hai vợ chồng rủ nhau sang Thái Bình làm việc.
Tại Thái Bình, anh Thắng làm spa cùng vợ và thuê được một cái ao nhỏ, rồi tiến hành nuôi ốc dưới đó.
Theo anh Thắng, ốc là loài vật dễ chăm, đồ ăn đơn giản nên không mất nhiều công sức. Sau một vài vụ thành công, anh Thắng nói chuyện với vợ, bố mẹ về việc mở rộng mô hình, đầu tư ở quê nhưng bị cả nhà phản đối.
"Vợ và bố mẹ đều can ngăn. Trai tráng thì bươn chải kiếm tiền chứ lại về làm nông, nên rất nhiều người gàn", anh Thắng tâm sự với Dân Việt.
Năm 2021, biết có trang trại cá lúa của một nông dân làm ăn không hiệu quả, rộng chừng 4ha anh xin đấu thầu với số tiền khoảng 50 triệu đồng/năm.
Để có tiền, anh Thắng phải vay bạn bè, gia đình, họ hàng. Với số vốn ban đầu là 500 triệu đồng, chàng thanh niên bắt tay vào nuôi ốc.
"Bắt tay vào làm, nhìn thấy cánh đồng mênh mông nước, cỏ, mình cũng hơi hoang mang. Tuy vậy, mình vẫn có một niềm tin sẽ thành công nên làm việc chăm chỉ hàng ngày. Mình đã đầu tư hơn một tỷ đồng cho trang trại này, từ cải tạo lại các ao, đầm, đến trồng cây, mua con giống…", anh Thắng chia sẻ với báo Hà Nam.
Một mình anh Thắng cai quản 4ha ao đầm nuôi ốc nhồi. Bố anh làm việc ở nhà, thỉnh thoảng ra giúp con cho ốc ăn, thu hoạch hoa trái, rau màu trồng trên các bờ ruộng.
Để tạo môi trường cho ốc, anh Thắng trồng hoa súng, thả các loại bèo. Ngoài tác dụng làm mát, hoa súng, bèo còn là chỗ đẻ và thức ăn dự trữ cho ốc.
"Ốc thường đẻ vào buổi sáng nên mình sẽ thu trứng trước 10 giờ. Trứng ốc chủ yếu đẻ ở các khóm bèo tây. Ốc để nở tự nhiên sẽ vô cùng chậm và thời gian kéo dài nên tôi đã đầu tư một cái máy ấp. Thời gian ốc nở giảm chỉ còn 14 ngày và nở đồng loạt", anh hắng cho biết.
Từ thành công nuôi ở con ốc, hiện nay anh Thắng mở rộng mô hình nuôi thêm cá và chủ yếu là ếch đẻ. Tận dụng tối đa 4ha ao đầm khi nuôi kết hợp giữa cá và ếch. Cá anh nuôi ở dưới ếch ở trên.
Hiện nay, ốc nuôi khoảng 3,5 tháng được anh Thắng bán với giá trung bình 80.000 đồng/kg.
"Với hơn 1ha dành để nuôi ốc, diện tích còn lại là ếch và cá, mỗi năm tôi thu khoảng 500 triệu đồng", anh Thắng nói.
Theo đó, mỗi ngày, anh Thắng thu hoạch từ 50kg ốc thịt trở lên bán cho các cơ sở thu mua thủy sản, nhà hàng. Ngoài ra, anh cũng kinh doanh cả ốc giống, thu mua lại từ những trại khác để cung cấp cho thương lái.
"Có ngày tôi bán đến mấy tạ ốc. Muốn duy trì được điều đó thì phải đảm bảo đầu ra tốt, những mối làm ăn theo lâu dài. Riêng ốc, không bao giờ sợ thiếu đầu ra", anh nông dân chia sẻ.
Theo Nguoiduatin, anh Thắng cho biết: "Tôi đã tìm hiểu rất kỹ các khu, điểm du lịch của mình trên địa bàn tỉnh, ở đó mình có thể cung cấp sản phẩm ốc nhồi cho du khách theo chuỗi nhà hàng ốc nhồi. Tôi nghĩ, sau này tôi sẽ làm việc đó, không chỉ đưa con ốc đến các cơ sở thu mua mà còn đưa lên tận bàn ăn cho khách với nhiều món ăn từ ốc đặc trưng nhất, ngon nhất".